image banner
Giới thiệu quần thể di tích cấp Quốc gia Đền thờ vua Lê Thái Tổ

Giới thiệu quần thể di tích cấp Quốc gia Đền thờ vua Lê Thái Tổ

 

Quần thể đền thờ vua Lê Thái Tổ và bia vua Lê Thái Tổ nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu 110km về phía Tây Nam, thuộc địa phận hành chính của xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Bia Lê Lợi được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định 10/VH-QĐ, ngày 02/9/1981, thuộc danh mục số 185 của Bộ Văn hóa về xếp hạng di tích.Trước năm 2009 di tích bia Lê Lợi nằm trên một khoảng đất bằng hẹp tại sườn núi ven đường tỉnh lộ 127. Bia nằm liền ở vách sườn núi thấp, hướng mặt bia nhìn xuống dòng sông Đà

anh tin bai

Văn bia khi còn ở vị trí cũ

Năm 2012 thực hiện việc xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, để bảo tồn giá trị của di sản Bia Lê  Lợi phần bút tích văn bia của vua Lê Thái Tổ đã được khoan cắt, di dời ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ thành một khối đá lớn có kích thước dài 2,62 m, rộng 1,13 m, cao 1,85 m. Trọng lượng trên 15 tấn. Bút tích sau khi được khoan cắt ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ, năm 2012 Bia Lê Lợi đã được di dời đến khuôn viên đền thờivua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500 m. Vị trí đặt Di tích Bia Lê Lợi hiện nay được đặt ở vị trí trung tâm trong cụm kiến trúc của di tích đền thờ vua Lê Thái Tổ.Hiện nay Bảo vật đang đặt tại Di tích Lịch sửa văn hóa cấp quốc gia Địa điểm lưu niệm vua Lê Thái Tổ tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn và giao cho UBND huyện Nậm Nhùn bảo quản, phát huy giá trị của di tích cũng như bảo vật.

Việc di chuyển di tích Bia Lê Lợi nằm trong dự án vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà trực tiếp là Ban Quản lý Dự án nhà máy thủy điện Lai Châu đã đầu tư kinh phí phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện xây dựng mới công trình nhằm mục đích bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của Bia Lê Lợi sau khi di dời.

Bảo vật quốc gia Bia Lê Lợi sau khi được di chuyển đến vị trí hiện nay được bảo vệ, bảo quản trong nhà che bia có cấu kiện bằng gỗ lim, kích thước 4,4m x 4,4m, cao hơn nền sân 45cm, có lối lên tam cấp 3 mặt, xung quanh lát đá xanh. Trong những năm qua, công tác bảo vệ, bảo quản bảo vật luôn được các cấp các ngành, địa phương quan tâm. Đã thành lập Ban quảy lý di tích có nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị của di tích cũng như bảo vật quốc gia 

anh tin bai
 

(Toàn cảnh quần thể nhìn từ trên cao)

Bảo vật quốc gia không chỉ là tài sản vô giá mà còn là diện mạo văn hóa của đất nước, địa phương có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu, là hiện vật gốc độc bảncó hình thức độc đáo mà còn có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc Lê Lợi, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, nhân văn... Với những giá trị nêu trên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2496/QĐ-TTgngày 22/12/2016 về việc Công nhận bảo vật quốc gia đợt 5 năm 2016. Trong đó có Bia Lê Lợi (Bia Cổ hoài lai) tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn;

1. Nguồn gốc, xuất xứ

  Năm 1404 Đèo Cát Hãn là thổ ty châu Ninh Viễn (thuộc tỉnh Lai Châu và Điện Biên ngày nay). Đèo Cát Hãn đã thông đồng với quan lại phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc kiện lên vua Minh Thành Tổ (nhà Minh) rằng: Vùng đất Lai Châu xưa vốn là vùng đất của tổ tiên hắn, nay nhờ nhà Minh can thiệp. Năm 1406 nhà Minh đem 10 vạn quân sang xâm lược nước ta Đèo Cát Hãn đã đầu hàng và làm tay sai cho giặc, do đó được quân nhà Minh giữ nguyên đặc quyền vùng này. Trong thời gian này Đèo Cát Hãn còn trợ giúp quân Minh đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của các tộc người thiểu số vùng sông Thao, sông Đà.

Tháng 11-1427, Bình Định Vương Lê Lợi phái Chủ thư thị sử là Trần Hổ đi tuyên dụ vỗ về châu Ninh Viễn, chiêu dụ Đèo Cát Hãn. Thổ tù  Ninh Viễn Đèo Cát Hãn đem quân và voi đến qui thuận nhà Lê và đã được hưởng chính sách khoan hồng cho cai quản châu Ninh Viễn như cũ.

Sau 10 năm chiến đấu chống quân Minh gian khổ (1418 - 1428), Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt đồng thời bắt tay vào xây dựng một triều đại phong kiến hưng thịnh. Đối với những tù trưởng cai quản ở những vùng xa xôi, triều Lê đã thi hành một chính sách mềm dẻo, khoan dung. Lê Lợi rất chú trọng việc lập pháp và chủ trương việc phòng thủ quốc gia một cách tích cực. Nhà nước Lê sơ đã xác định miền Tây Bắc thực sự là vùng biên ải quan trọng của lãnh thổ Đại Việt. Mặc dù Lê Lợi đã nhiều lần đem lời tín nghĩa, giảng dụ ân cần, hứa sẽ phong cho tước cao, được hưởng lộc hậu. Tuy nhiên vào năm 1431 tù trưởng Đèo Cát Hãn quên ân bội nghĩa, đã làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại) - một bầy tôi phản nghịch của Ai Lao (nước Lào) quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu – Sơn La ngày nay). Do hành động phản nghịch của Đèo Cát Hãn, năm 1431 vua Lê Thái Tổ đã phái Quốc Vương Tư Tề và Quan Tư Khấu Lê Sát đem quân tiến đánh. Sau đó vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ (châu Ninh Viễn). Đại quân của triều đình tiến theo đường từ sông Hồng rồi ngược sông Đà bằng đường thủy và đường bộ, đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn. Khi quân của nhà vua tiến đến sào huyệt của Đèo Cát Hãn, Kha Lại và Đèo Cát Hãn bỏ trốn, sau đó nhân dân bắt được Kha Lại và giết chết.

Sau khi dẹp yên phản tặc vùng Tây Bắc trên đường quay trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn ( hiện nay), để ghi nhớ sự kiện trọng đại này đồng thời răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên giới của Tổ quốc, tháng Chạp năm Tân Hợi - 1431 vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá bài văn bia ghi nhớ sự kiện này. Văn bia được khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau (sử cũ gọi là Bia Cổ hoài lai). Toàn văn bia được tạc khắc bằng chữ Hán, tạc trong khuôn khổ hình chữ nhật có kích thước 1,4m x 0,8m, viết theo chữ khải chân gồm 132 chữ. Nội dung văn bia như sau:

“Di địch chi vi biên họa, tự cổ hữu chi, Hán chi Hung Nô, Đường chi Đột Quyết, ngã Tây Việt chi Mang Lễ, chư man thị giả, khoảng do Trần Hồ suy chính, phiên thần quân thổ, Cát Hãn nữu ư cựu tập, phụ cố phất thoan, dư kim xuất sư vãng chinh thủy lục tịnh tiến, nhất cử tựu bình, nhân tả nhất luật, khắc chi vu thạch dĩ giới hậu thế man tù chi cánh hóa dã vân:

Cuồng tặc cảm bô tru 
          Biên dân cửu hệ tô
          Bạn thần tòng cổ hữu
          Hiểm địa tự kim vô
          Thảo mộc kinh phong lạc
          Sơn xuyên nhập bản đồ
          Đề thi khắc nham thạch
          Trấn ngã Việt Tây ngung.
          Tân Hợi quý đông cát nhật
          Ngọc Hoa động chủ đề”.

Dịch nghĩa:

Nỗi lo di địch nơi biên cương đã có từ xưa

Đời nhà Hán đã có bọn Hung Nô, đời nhàĐường thì rợ Đột Quyết, các rợ man ở vùng MườngLễ nước Việt ta cũngvậy.

Mới đây có chính sự nhà Trần, nhà Hồ suy yếu, bầy tôi ở nơi phên dậu trở nên ương ngạnh, Cát Hãn nhờn theo thói cũ không chịu thay đổi.

Nay ta đem quân đi chinh phạt, thủy bộ cùng tiến, chỉ một trận đã dẹp yên được. Nhân đây làm một bài thơ khắc vào đá để răn các tù trưởng rợ Man ngang ngạnh với giáo hóa sau này.

Thơ rằng
Bọn giặc cuồng sao dám tránh sự trừng phạt,
Dân biên thùy từ lâu mong ta đến cứu sống
Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có
Đất đai hiểm trở từ nay không còn
Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ,
Sông núi từ nay nhập vào bản đồ
Đề thơ khắc vào núi đá
Trấn giữ phía Tây nước Việt ta.
Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi(1431)

Ngọc Hoa động chủ đề.

 

Năm 2009 thực hiện việc xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, đồng thời để tránh vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, bảo tồn giá trị của di sản Bia Lê  Lợi. Vì vậy việc di chuyển, tu bổ tôn tạo di tích bia Lê Lợi là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa to lớn: giữ lại cho các thế hệ mai sau bút tích của một vị vua lớn đã có công chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc, giữ lại một di sản văn hóa quý báu của địa phương. Do vậy phần bút tích văn bia của vua Lê Thái Tổ đã được di dời ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ thành một khối đá lớn có kích thước dài 2,62 m, rộng 1,13 m, cao 1,85 m. Trọng lượng trên 15 tấn. Bút tích sau khi được khoan cắt ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ, năm 2012 Bia Lê Lợi đã được di dời đến khuôn viên đền thời vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500 m

anh tin bai

 

3. Hiện trạng Bảo vật

Bút tích của vua Lê Thái Tổ được khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau (Sử cũ gọi là Bia cổ hoài lai). Bảo vật là thể khối có kích thước 2,62m x 1,13m x 1,85m. Mặt trước của tấm bia, phần phía trên nhô ra, phần dưới hơi thu vào trong (tạo ra kiểu hình dạng mái đá).

Phần  nội dung văn bia nằm ở vị trí giữa của tấm bia. Khoảng cách từ phần trên của văn bia đến đỉnh của tấm bia là 80cm, khoảng cách từ phần đáy của văn bia đến chân của tấm bia là 30 cm. Độ sâu trung bình của phần văn bia là 1,5cm, chính độ sâu ấy tạo cho văn bia có các đường viền. Cụ thể: gồm  đường viền phía bên trên, dưới và trái). Bên phải phần văn bia không có đường viền. Đường viền của phần văn bia không trang trí họa tiết hoa văn mà để trơn theo hiện trạng ban đầu của khối đá.

Mặt trước của Bảo vật không trang trí họa tiết hoa văn mà để trơn. Phần ngoài nội văn bia bị phong hóa và có mầu vàng. Văn bia không phải được tạc khắc trực tiếp lên bề mặt của vách đá mà tạo mặt phẳng sau đó mới tạc khắc chữ. Nội dung văn bia được chia làm hai phần: Phần văn xuôi và phần thơ luật, có kích thước bằng nhau (70cm). Toàn bài văn bia viết bằng chữ Hán viết theo chữ khải chân, gồm 15 cột, 132 chữ.

+ Phần văn xuôi gồm 8 cột, 11 hàng. Đường kính cỡ chữ trung bình 4,7 cm, độ sâu là 0,1cm. Chiều dài cột chữ là 60,8cm, chiều rộng hàng chữ là 60,2cm.

+ Phần thơ luật gồm 7 cột, 8 hàng. Hàng cách hàng là 3cm, cột cách cột 3,5cm. Đường kính cỡ chữ là 7cm, độ dày nét chữ trung bình là 0,2cm, độ sâu nét chữ 02,cm. Chiều dài cột chữ là 72cm, chiều rộng hàng chữ là 65cm.

Phần văn bia không phẳng mà ưỡn ra ở vị trí giữa, hai bên phải và trái võng vào trong. Phần trên (của mặt trước) nhô ra tạo theo kiểu mái.  Mặt trước và mặt bên phải của bia đá có mầu vàng (phong hóa). Các mặt trên, bên trái và mặt sau của bia đá có mầu xanh (dấu vết khoan, cắt).

Văn bia được tạc khắc cách đây hơn 600 năm nhưng hiện nay những nét chữ vẫn tương đối rõ ràng, sắc nét. UBND huyện Nậm Nhùn đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện bảo vệ, bảo quản Bảo vật đảm bảo an toàn, quảng bá, phát huy giá trị của Bảo vật trong và ngoài khu vực.

anh tin bai

Phát huy giá trị của Di tích cấp Quốc gia Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và bảo vật cấp Quốc gia bia Vua Lê Thái Tổ (bia cổ hoài lai), hàng năm, cứ vào ngày 11 tháng 01 (âm lịch), UBND huyện Nậm Nhùn lại long trọng tổ chức Lễ hội Đền thờ vua Lê Thái Tổ với đầy đủ các nghi thức truyền thống và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn, tạo không khí rộn ràng, phấn khởi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia. Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ hàng năm nhằm ôn lại những trang sử truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc và tri ân công đức thái tổ Cao Hoàng Đế- người đã có công to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước cao cả của dân tộc. Đồng thời đây là sự kiện văn hóa quan trọng thể hiện sự tri ân, tôn vinh trước những cống hiến hy sinh của anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sỹ, nghĩa quân, nhân dân trong cả nước đã có công lao to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước, khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa của nước ta, lòng tự hào, tự tôn dân tộc góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Lễ rước kiệu đi từ Vọng Lâu về khu vực chính Đền thờ Vua Lê Thái Tổ, trong tiếng chiêng, trống âm vang, rực rỡ sắc màu của cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống. Đi đầu là đoàn rước cờ hội, đoàn người đánh chiêng, trống, rước biểu dấu và bát bửu, đội múa sênh tiền, rước tàn lọng và đội kiệu, cuối cùng là quan viên và nhân dân… Phía dưới con sông Đà hùng vĩ là đội thủy quân lục chiến cùng các tướng sỹ của Vua Lê Thái Tổ cũng tiến về phía bến cảng nghiêng của quần thể di tích tạo nên đoàn quân "Thủy, bộ cùng tiến".

anh tin bai

 

anh tin bai

Tiếp đó là Nghi thức tế lễ và lễ tạ theo nghi thức thời Hậu Lê do các nghệ nhân của Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn thực hiện. Đây là phần được các đại biểu, các du khách đến tham quan, chiêm bái mong chờ nhất. Nhân dân các dân tộc trong huyện, du khách đến tham quan, chiêm bái trong và ngoài huyện cũng chuẩn bị những mâm cỗ mặn, cỗ ngọt để dâng cúng các vị thần và các vị thánh nhân đã có công với dân với nước. Những lễ vật được dâng lên là thành quả một năm lao động sản xuất hăng say của nhân dân, cầu mong các Ngài ban phước cho quốc thái, dân an; cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh.

anh tin bai

Hà Ruệ

 

image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM NHÙN
Chịu trách nhiệm chính: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội.
Địa chỉ: Thị trấn Nậm Nhùn - Huyện Nậm Nhùn.
Điện thoại: 02133. 910.112 - Email: namnhun@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn namnhun.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên wedsite này.

Designed by VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang