Trong
những năm qua, Huyện đoàn Nậm Nhùn có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ, đồng
hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để thúc
đẩy, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên. Qua đó, giúp nhiều thanh niên
vượt khó, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, thu nhập cao.
Có mặt tại bản Nậm
Manh, xã Nậm Manh khi nhiều thanh niên đang làm luống, lắp đặt hệ thống nước tưới
và làm nhà lưới để trồng bí xanh. Đây là mô hình trồng bí sạch được Huyện đoàn
Nậm Nhùn cũng Đoàn xã hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật và đầu ra
sau khi được thu hoạch. Anh Vàng Văn Phiêng ở bản Nậm Manh cho biết: Mô hình là
cơ hội để nâng cao thu nhập cho thanh niên của bản nên ai cũng rất tích cực tham
gia. Đến thời điểm này, mô hình đã hoàn thành và chỉ sau 3-4 tháng sẽ cho vụ
thu hoạch đầu tiên. Không chỉ trồng bí xanh, hiện thanh niên trong bản còn triển
khai trồng quế, đẳng sâm và tiến tới trồng sâm Lai Châu nữa.
Tại xã Mường Mô, nhiều
mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao cũng nhờ những hỗ trợ từ tổ chức Đoàn từ
huyện đến các bản. Trong đó, nổi bật như: mô hình trồng quế, xoài, nuôi gia
súc, thủy sản, nhất là mô hình nuôi cá lồng kết hợp với dịch vụ du lịch của Hợp
tác xã Thanh niên Mường Mô. Anh Lù Văn Dũng - Giảm đốc Hợp tác xã Thanh niên Mường
Mô cho biết: Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, vất vả nhưng với thanh niên chỉ cần
có quyết tâm, kiến thức và sự hỗ trợ kịp thời là có thể làm được. HTX chúng tôi
hiện có 30 lồng nuôi cá, trong đó nuôi cá đặc sản như: lăng chấm, chiên chấm. Từ
dịch vụ du lịch, ăn uống, tiếp đón khách đến thăm quan lòng hồ đem lại thu nhập
ổn định cho các thành viên, giải quyết việc làm từ 3-5 lao động địa phương.
Nhiều thanh niên Nậm Nhùn đã vươn lên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Để hình thành các mô
hình kinh tế như trên, Huyện đoàn Nậm Nhùn tích cực đồng hành cùng thanh niên
khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan
các mô hình kinh tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại thành phố Lai Châu, các
huyện: Tam Đường, Than Uyên. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
theo phân bổ của Tỉnh đoàn tại xã, thị trấn trong huyện, Thực hiện rà soát, tổng
hợp danh sách, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực
về công tác giảm nghèo cho cán bộ đoàn, đoàn viên trên địa bàn và thông tin về
các mô hình phát triển kinh tế. Năm 2023, Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng
Chính sách xã hội huyện cho thanh niên vay vốn để giải quyết việc làm, phát triển
sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Đến nay có 8/11 đoàn cơ sở nhận ủy thác với 28 tổ,
923 tổ viên, tổng dư nợ trên 58 tỷ đồng.
Ngoài ra, tập trung tổ
chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên phát huy tính sáng tạo trong học
tập, nghiên cứu khoa học, lao động, phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả lao động.
Xây dựng các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên chia sẻ kinh nghiệm, giúp
nhau phát triển kinh tế. Tổ chức các chương trình kết nối doanh nhân trẻ; phát
huy vai trò của các chuyên gia trên các lĩnh vực, các doanh nhân trẻ; công chức
trẻ trong cơ quan quản lý Nhà nước tham gia tư vấn hỗ trợ thanh niên; vận động
doanh nhân đầu tư vào ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn. Phối hợp
với các phòng, ban của huyện tham mưu cho UBND huyện có cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy
thanh niên khởi nghiệp.
Chị Vàng Thị Lun - Bí
thư Huyện đoàn Nậm Nhùn cho biết: Thời gian tới, để phát huy hiệu quả các nguồn
vốn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Huyện đoàn sẽ phối hợp chặt
chẽ cùng các xã trong quá trình tư vấn, hỗ trợ cho thanh niên sử dụng vốn. Mỗi
dự án khi thành công phải có tính lan tỏa, là nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ
cho các thanh niên khác học tập và làm theo. Tiếp tục đưa thanh niên đi tham
quan, học hỏi các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn.
Nhờ thực hiện hỗ trợ
thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã hình thành
được nhiều mô hình kinh tế của thanh niên mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó
điển hình như trồng cà gai leo của Hợp tác xã Thanh niên Trường Thịnh tại thị
trấn Nậm Nhùn; nuôi cá lồng của thanh niên xã Mường Mô trồng dứa, cây ăn quả của
thanh niên xã Lê Lợi, Nậm Hàng; nuôi gà đen, nuôi đại gia súc của thanh niên
các xã: Pú Đao, Nậm Ban, Hua Bum. Các mô hình không chỉ giúp tăng thu nhập mà
còn giải quyết được hàng trăm việc làm cho thanh niên, người dân tại địa
phương. Đến nay, huyện Nậm Nhùn đạt mức thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm;
nông thôn mới đạt 12,6 tiêu chí/xã cũng nhờ những đóng góp quan trọng của đoàn
viên, thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp.
Tin tưởng rằng với những
ý tưởng và sự hỗ trợ kịp thời, thanh niên trên địa bàn huyện góp sức nhiều hơn
vào sự phát triển của huyện Nậm Nhùn.