Những
năm qua, huyện Nậm Nhùn là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh
tế cao của tỉnh. Trung bình hằng năm mức giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 5%/năm; thu
nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm. Đời sống của nhân dân các dân tộc
được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Trong kết quả chung ấy, Hội Cựu chiến
binh huyện có nhiều nỗ lực, đóng góp thông qua phong trào "CCB giúp nhau
phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo".
Được biết, Hội CCB huyện
có 11 hội CCB xã, thị trấn, 54 chi hội với 996 hội viên. Các cấp hội chú trọng
tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên và gia đình phát huy bản chất
truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ", tích cực lao động sản xuất, chủ động vươn
lên. Đặc biệt, bộ đội chuyển ngành, phục viên trở về cuộc sống đời thường đã và
đang là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Đồng hành vượt khó, hội
CCB các cấp tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo
điều kiện cho hội viên vay vốn ưu đãi, hướng dẫn chuyển đổi sản xuất, sử dụng vốn
vay hiệu quả. Các cấp hội đang quản lý 19 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 665 tổ
viên, tổng dư nợ trên 50 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Cán bộ, hội viên tự nguyện
tham gia đóng góp quỹ hội với nội dung CCB giúp nhau giảm nghèo, phát triển
kinh tế với số tiền trên 386 triệu đồng. Từ nguồn quỹ đó, các cấp hội CCB xem
xét cho 15 hội viên nghèo, cận nghèo vay không tính lãi. Tiêu biểu trong phong
trào thi đua, giúp đỡ hội viên CCB phát triển kinh tế là Hội CCB các xã: Mường
Mô, Nậm Hàng, Lê Lợi và thị trấn Nậm Nhùn.
CCB Lù Văn Thân ở bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn.
Gia đình CCB Lù Văn
Thân ở bản Nậm Dòn. Năm 2014, từ vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính
sách xã hội huyện, anh Thân đầu tư 100 triệu đồng mua 2 con bò giống và tăng
đàn lợn, gà, vịt. Thường xuyên cập nhật kiến thức chăn nuôi qua sách, báo, lớp
tập huấn, dạy nghề ngắn hạn, anh áp dụng hiệu quả vào các khâu chăm sóc, giúp
đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Với việc duy trì nuôi 70 con lợn lửa;
trên 100 con gia cầm các loại và 14 con bò, thu nhập (trừ chi phí) của gia đình
anh đạt trên 130 triệu đồng/năm. Anh Thân chia sẻ: Đảm bảo chăn nuôi hiệu quả,
tôi chú trọng xây dựng chuồng kiên cố, tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, ngăn ngừa
sớm nguy cơ tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, trồng
thêm 2.000m² cỏ voi và chuối rừng, đào ao thả cả phục vụ nhu cầu của gia đình
và bán cho bà con trong bản.
Hiện nay, trên địa bàn
huyện xuất hiện nhiều tấm gương CCB tiêu biểu trong sản xuất, phát triển kinh tế
như ông: Mua A Lù, Vừ A Đào (xã Pủ Đao); Điêu Văn Vưỡn, Lù Văn Khoắn (xã Lê Lợi);
Chảo Cáo Trình Én (xã Nậm Chà); Khoàng Văn Phẹn, Khoàng Văn Ngó (thị trấn Nậm
Nhùn); Mào Vän Choi, Khoàng Văn Nhượng (xã Mường Mô)... Họ là những người lính
Cụ Hồ tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, tiên phong trong các phong trào
thi đua do tổ chức hội, địa phương phát động; góp phần thực hiện thắng lợi công
cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ đó, toàn huyện
có 63 gia trại, trang trại, 28 hộ sản xuất kinh doanh giỏi do CCB làm chủ; thu
hút, tạo việc làm cho 512 lao động. Bên cạnh đó, hội CCB
các cấp cũng thường xuyên tổ chức hoạt động xây dựng nông thôn mới như: thu gom
rác thải, góp công làm đường giao thông nội bản, xây dựng nhà văn hóa, vận động
học sinh ra lớp...
Ông Ngô Chí Danh - Chủ
tịch Hội CCB huyện Nậm Nhùn chia sẻ: "Hội viên CCB đã phát huy bản chất “Bộ
đội Cụ Hồ", không ngừng phấn đấu tham gia phát triển kinh tế gia đình, đảm
bảo an sinh. Từ nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo sự gắn kết trong hội
viên, giữa hội viên với tổ chức hội, thu hút CCB đăng ký tham gia sinh hoạt. Tử
năm 2019 đến nay, các cấp hội cơ sở vận động gây quỹ xóa nhà tranh tre, nhà tạm
và hỗ trợ mái lợp cho 3 gia đình hội viên CCB các xã: Hua Bum, Mường Mô, Nậm
Manh với tổng số tiền 36 triệu đồng; phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ
làm nhà ở cho hội viên với tổng trị giá 65 triệu đồng".
Trong thời gian tới,
các cấp hội CCB huyện Nậm Nhùn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
hội viên duy trì, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của
địa phương; phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế. Qua
đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống hội viên, giảm tỷ lệ hộ nghèo của
toàn huyện.