Từ
những số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua đã và đang góp phần
thay đổi cuộc sống của người dân tại huyện biên giới Nậm Nhùn. Hiện nay, nhiều
hộ nhận được cả chục triệu đồng/năm từ công tác quản lý, bảo vệ rừng đã cải thiện
sinh kế, nâng cao thu nhập và tạo động lực bảo vệ rừng tốt hơn.
Tính đến nay, huyện Nậm
Nhùn có diện tích rừng là 79.539,41ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,26%, tăng
1,54% so với năm 2021. Và, huyện đang là một trong những địa phương có tỷ lệ
che phủ rừng cao của tỉnh. Điều này đồng nghĩa, số tiền các hộ gia đình nhận được
từ chi trả DVMTR tăng hằng năm.
Có mặt tại bản của đồng
bào dân tộc Cống ở Táng Ngá, xã Nậm Chà, chúng tôi tìm đến nhà của ông Lý Văn
Chém. Trong câu chuyện, ông Chém cho biết: "Trước đây, thu nhập của gia
đình tôi chủ yếu từ trồng ngô, lúa với thu nhập thấp, tết đến lo sắm quần áo mới
cho con và thực phẩm cũng không được đầy đủ. Từ khi có tiền DVMTR, gia đình có
điều kiện đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi, mua giống mới đưa vào sản xuất nên
thu nhập tăng lên. Tết đến còn mổ lợn, sắm được tivi, tủ lạnh phục vụ cuộc sống
hằng ngày".
Còn với gia đình ông Lò
Văn Sinh ở bản Pa Cheo, xã Hua Bum thì rừng đã làm thay đổi cuộc sống của gia
đình ông và nhiều hộ dân trong bản. Hằng năm, gia đình ông nhận trên 40 triệu đồng
tiền DVMTR. Số tiền đó, gia đình ông mua cây, con giống về tăng gia, sản xuất.
Ông luôn vận động các thành viên trong gia đình nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ
rừng; nghiêm túc thực hiện quy ước của bản đề ra trong đốt nương sản xuất đúng
quy định; không mang nguồn lửa vào rừng; tham gia tổ xung kích bảo vệ rừng".
Theo thông tin từ UBND
huyện Nậm Nhùn, trong năm 2024, trên địa bàn huyện chi trả tiền DVMTR năm 2023
cho người dân với tổng số tiền trên 57 tỷ đồng. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng
bản, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh
công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và định hướng nhân dân sử dụng số tiền
chi trả DVMTR vào các mục đích thiết thực, tạo sinh kế lâu dài cũng như thu nhập
ổn định cho người dân. Nhờ đó, góp phần quan trọng vàc công tác quản lý, bảo vệ
rừng và phả triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhất là nâng cao ý thức,
trách nhiệm của nhân dân, giảm tình trạng phá rừng, lần chiếm đất rừng, khai
thác lâm sản trái phép. Môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng
phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước.
Người dân nâng cao hơn ý thức trong việc bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, các chủ rừng
là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng có thêm thu
nhập cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng sống, đặc biệt là hộ nghèo. Đến cuối
năm 2024, toàn huyện còn 1.803 hộ nghèo, chiếm 28,2%; còn 509 hộ cận nghèo, chiếm
7,96%; trung bình hàng năm mức giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 5%/năm. Có 3 xã đạt
chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm.
Ông Hà Văn Sơn – Phó Bí
thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Thời gian tới, UBND huyện
tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng
lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng. Định hướng
nhân dân sử dụng số tiền được hưởng lợi từ DVMTR vào các mục đích tạo sinh kế
lâu dài như: xây nhà, công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, mua giống gia
súc, gia cầm; phát triển các mô hình nuôi thủy sản, trồng cây dược liệu, cây ăn
quả; mua giống lúa mới để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần thực hiện thắng
lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Giữ rừng cũng chính là
giữ ấm no, tạo sinh kế mới bền vững cho người dân. Với những kết quả đạt được,
diện tích rừng của huyện Nậm Nhùn chắc chắn ngày càng mở rộng, đời sống của người
dân thêm đủ đầy hơn.