image banner
Chuyển mình từ vùng đất khó

Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, sau hơn 10 năm chia tách, thành lập huyện Nậm Nhùn hôm nay đã khoác lên mình một tấm áo mới: Huyện có 100% xã thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, 100% các bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt cao. Thu nhập bình quân đầu người ngày một được nâng lên rõ rệt.

Những năm trước đây về xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn đường sá đi lại khó khăn, mùa mưa lầy lội, trơn trượt. Ấn tượng khi về bản là hình ảnh những đứa trẻ đồng bào Mảng mình trần, mặt mũi lem luốc, ánh mắt sợ sệt khi có khách lạ đến… Nay đường về xã, bản đã trải nhựa 100%, trường học bán trú sạch đep, tiếng trẻ ríu rít nô đùa trên những con đường bê tông phẳng lỳ, bản làng ngày càng khang trang, sạch đẹp.

anh tin bai

Đường xá đi lại thuận tiện giúp xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn thúc đẩy phát triển kinh tế.

10 năm về trước gia đình Chị Lò Me Lưởng một trong những hộ đồng bào dân tộc Mảng ở bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn thuộc diện nghèo nhất bản, dù ở bản cũng có tiếng là chăm chỉ, làm việc quần quật cả ngày trên nương rẫy. Vậy mà, chưa khi nào bồ thóc được “ngủ quên” sang vụ sau cả. Nhà có 6 miệng ăn, chưa tới giáp hạt đã phải “rồng rắn” xếp hàng trước cổng UBND xã chờ gạo cấp của Nhà nước”. Làm lụng quanh năm chẳng đủ ăn, cám cảnh, chị Lưởng về Hà Nội làm đủ nghề từ rửa bát, phụ hồ, làm đồ nhựa, nhưng cuộc sống xa nhà, biết bao chi phí, có lúc hết việc thế là đi tong cả tháng lương cho chi phí sinh hoạt chờ việc. Nhiều đêm trăn trở cảnh thất nghiệp, chị quyết ngược núi về bản, chị được Hội Phụ nữ xã giới thiệu tham gia lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao kĩ thuật chăn nuôi, và tiếp cận nhiều mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Như cởi được “nút thắt” bấy lâu nay trong việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế gia đình. Sẵn lợi thế địa phương với nhiều bãi chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Với 50 triệu đồng vay vốn ngân hàng, chị Lưởng cùng gia đình bắt tay vào “giải bài toán” kinh tế khó khăn bấy lâu.

Chị Lưởng chọn nuôi trâu nái, thời điểm này, trâu gầy, nên chị mua được với giá hợp lý. Từ những kiến thức tích luỹ có được khi đi tham quan thức tế. Chị đầu tư xây dựng chuồng trại, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rông sang chăn thả có chuồng trại, tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, nhờ vậy mà đàn gia súc của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt.

Đến nay, gia đình chị Lưởng đã có gần 20 con trâu, bò, hơn 15 con dê và hơn 100 con gia cầm các loại. Ngoài phát triển chăn nuôi, chị còn trồng thêm 2.000m2 nghệ đen, 0,5 ha nương ngô, sắn và hơn 3 sào lúa nước 2 vụ. Hàng năm, từ chăn nuôi và trồng trọt đem lại cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ một hộ khó khăn trước đây, nay gia đình chị Lường là tấm gương điển hình của đồng bào Mảng vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để nhất nhì bản.

Cũng như chị Lưởng, anh Vàng A Vư bản Nậm Pồ, xã Nậm Manh với tài chăn nuôi mô hình đại gia súc. Năm 2012, Vàng A Vư tiếp cận 20 triệu từ nguồn vốn vay ưu đãi của Hội Nông dân, cùng với đó, anh được tập huấn lớp chăn nuôi của xã. Nắm kiến thức trong tay, Vàng A Vư từng bước củng cố mô hình chăn nuôi. Giờ đây anh Vư có trong tay cả tỷ bạc với đàn trâu gần 100 con, chưa kể dê và lợn thương phẩm. Anh Vàng A Vư bản Nậm Pồ, xã Nậm Manh chia sẻ: “Chăn nuôi nó thú lắm, ngày nào mà không trực tiếp ra trang trại cho chúng ăn, vuốt ve là nhớ lắm”.

Ông Lê Doãn Trung – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ: Nậm Nhùn là huyện khó khăn, nhiều DTTS như Mảng, Cống, Khơ Mú… , nhiều xã, bản còn rất khó khăn. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm, nên đời sống đồng bào dân tộc có nhiều đổi thay, nhiều thanh niên dân tộc có hội vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng giàu đẹp.

anh tin bai

Các mô hình phát triển kinh tế đã và đang phát huy hiệu quả.

Bằng các nguồn vốn của các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh như 30a, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Huyện Nậm Nhùn đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học và hỗ trợ phát triển sản xuất. Đa dạng hóa sinh kế cho người dân, nhân rộng mô hình giảm nghèo trong đó chủ yếu là hỗ trợ cây con giống, máy móc thiết bị, vật tư phân bón cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ đó tạo thuận lợi cho các hộ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác khai hoang ruộng nước nhằm tăng diện tích đất sản xuất ruộng nước góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Nhờ thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đời sống của đông bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã từng bước được cải thiện. Đến nay tỷ lệ giảm nghèo theo chuẩn mới là 44,16%.

Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Sau 10 năm tập trung chỉ đạo thì công tác giảm nghèo của huyện cũng đã đạt được một những kết quả bước đầu. Đó là tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hàng năm là đạt trên 5% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo là tăng gấp 1,5 lần so với trước khi chia tách. Cơ sở vật chất, hạ tầng của các xã, bản đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư nhất là đường giao thông, điện lưới Quốc gia, thủy lợi, giáo dục và y tế, các thiết chế về thông tin văn hóa….Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được nâng lên…”

anh tin bai

Người dân bản Táng Ngá, xã Nậm Chà thu hoạch quế.

Huyện Nậm Nhùn đang phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách địa bàn đạt 45 tỷ đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 12.500 tấn. Hàng năm, kết nạp từ 60 đảng viên trở lên; trên 85% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 80% tổ chức cơ sở của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt vững mạnh. Trên 80% tổ chức chính quyền cơ sở đạt từ khá trở lên. Để thực hiện được các mục tiêu trên, huyện Nậm Nhùn đưa ra nhiều giải pháp thực hiện tiêu biểu như tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của đảng các cấp; lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn đảng bộ.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới huyện Nậm Nhùn tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn để hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, phục vụ sản xuất dân sinh. Vận động nhân dân phát huy nội lực để vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất tạo việc làm và tăng thu nhập cho hộ nghèo.

Bài, ảnh: Quang Thụy
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM NHÙN
Chịu trách nhiệm chính: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội.
Địa chỉ: Thị trấn Nậm Nhùn - Huyện Nậm Nhùn.
Điện thoại: 02133. 910.112 - Email: namnhun@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn namnhun.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên wedsite này.

Designed by VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang