Những
năm qua, huyện Nậm Nhùn đã đặc biệt quan tâm đến triển khai thực hiện nhiều giải
pháp, huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội. Trong
đó, chú trọng đối tượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ
nghèo, cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay huyện Nậm Nhùn
có dân số khoảng trên 28 nghìn người, trong đó có trên 90% là đồng bào dân tộc
thiểu số tộc thiểu số. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của huyện
còn 32,2% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2026. Trên địa bàn huyện có
53 người có công, thân nhân người có công và nhiều đối tượng được hưởng chế độ
trợ cấp hằng tháng (người trên 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, trẻ khuyết tật, trẻ
mồ côi..). Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của huyện đã nỗ lực vào
cuộc nhằm hỗ trợ, nâng cao chất lượng sống cho các đối tượng Điển hình như các
tổ chức hội, đoàn thể tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội
huyện cho hội viên, đoàn viên vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh,
phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, xây dựng mô hình thí
điểm trồng trọt, chăn nuôi. UBND xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan chuyên
môn của tỉnh, huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông
thôn ưu tiên con em gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo,
khó khăn.
Các cấp ủy, chính quyền
huyện tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo tập trung thực hiện giảm nghèo bền vững,
tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, khu vực biên giới, vùng
sâu, vùng xa. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo
điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai,
tín dụng, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, khuyến nông - lâm - ngư, tiêu thụ
sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, các đối tượng chính sách như người có công,
thân nhân người có công cũng được thụ hưởng đầy đủ chế độ, chính sách của Đảng,
Nhà nước dành cho. Hiện, 100% người có công trên địa bàn huyện có mức sống bằng
hoặc cao hơn mức bình quân trung bình ở địa bàn nơi cư trú.
Công tác đào tạo nghề, đặc biệt là xuất khẩu lao động đi làm việc tại nước ngoài được triển khai đạt hiệu quả.
Bà Lại Thị Huế - Trưởng
Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Phòng đã tham mưu cho huyện
và trực tiếp triển khai thực hiện đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định đối
với người nghèo và các gia đình chính sách, người có công. Hiện nay, ở các xã,
thị trấn còn linh hoạt lồng ghép, vận động thêm nhiều nguồn lực đảm bảo an sinh
xã hội, đặc biệt đồng hành, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên.
Tại các xã, thị trấn
trên địa bàn huyện hiện đang thực hiện hiệu quả việc lồng ghép chương trình giảm
nghèo với công tác chăm lo người có công. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính
trị - xã hội chung tay giúp hộ nghèo, cận nghèo an cư. Từ nguồn quỹ "Vì
người nghèo", thời gian qua, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã triển
khai hỗ trợ nhiều hộ nghèo làm nhà đại đoàn kết. Hội Nông dân huyện có nhiều hoạt
động hỗ trợ hội viên, nông dân về vốn, giống, vật tư phân bón, kỹ thuật sản xuất.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện giúp hội
viên thực hiện mô hình kinh tế mang lại hiệu quả bền vững. Hội Chữ thập đỏ huyện
thực hiện mô hình sinh kế từ Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên
cương"...
Gia đình bà Lường Thị
Phạo (thân nhân liệt sỹ) ở bản Phiêng Ban, xã Lê Lợi trong những năm qua với sự
quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền đã có cuộc sống ổn định, luôn tiên phong
trong mọi phong trào thi đua. Bà Phạo tâm sự: "Trong cuộc sống, gia đình
tôi nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của cấp ủy, chính quyền địa
phương và nhân dân trong bản. Riêng các con, cháu cũng được Nhà nước hỗ trợ đào
tạo nghề, giải quyết việc làm nên cuộc sống tốt hơn rất nhiều".
Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Còn với gia đình ông Lò
Văn Họp ở bản Nậm Nhùn, thị trấn Nậm Nhùn là một trong những hộ nghèo của thị
trấn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông Họp
cho biết: "Năm 2015, gia đình tôi vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của Phòng
Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Tôi mua trâu, bò nuôi sinh sản. Từ
các lớp dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật của Hội Nông dân thị trấn, huyện phối hợp
tổ chức, tích lũy qua tìm hiểu thực tế ở địa phương, tôi đã chăm sóc đàn bò
phát triển, sinh trưởng tốt. Đến nay, gia đình tôi trả hết nợ gốc của ngân
hàng, có tích lũy để mở rộng chăn nuôi".
Với những giải pháp đã
và đang được huyện Nậm Nhùn triển khai đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực,
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tạo niềm tin, thêm động lực để
gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Tính đến nay, thu nhập bình
quân đầu người của huyện đạt 35 triệu đồng/người/năm. Chất lượng sống của người
dân ngày càng cải thiện, từng bước năng cao.
Trao đổi về công tác an
sinh, giảm nghèo của huyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Chủ
tịch UBND huyện Nậm Nhùn khẳng định: Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các
nguồn lực giảm nghèo và hỗ trợ, chăm lo cho các đối tượng người có công. Trong
đó, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết cơ bản nhu cầu của người dân
về giao thông, nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường, lớp học cho vùng dân tộc
thiểu số. Thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm; hỗ trợ về y
tế, giáo dục; hỗ trợ sản xuất giúp hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách
mạng nâng cao thu nhập.