Huyện
Nậm Nhùn có diện tích rừng tương đối lớn với hơn 78 nghìn héc ta, gồm các loại
rừng như: rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong những năm qua,
công tác bảo vệ rừng luôn được các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm
chú trọng và thực hiện tốt. Nhờ đó mà đã góp phần quan trọng trong việc điều
hòa nguồn nước, giảm thiểu các tác động bất lợi do biến đổi khí hậu và thiên
tai gây ra.
Theo thống kê từ các cơ
quan chuyên môn của huyện, trong mùa mưa năm 2024 toàn huyện có tổng thiệt hại
do thiên tai khoảng 20 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu thiệt hại bởi sạt lở đường
giao thông, thủy lợi; thiệt hại khác như nhà ở, nông, lâm nghiệp không đáng kể,
đặc biệt trong 2 năm trở lại đây không xảy ra thiệt hại về người do thiên tai
gây ra. Điều đó có một phần từ hiệu quả công tác bảo vệ, trồng rừng mang lại.
Ông Nguyễn Thành Đồng -
Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Có thể nói ít có năm nào mưa kéo dài
với lượng mưa lớn như năm nay. Tuy nhiên những ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất
đối với sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người dân trên địa bàn những năm gần
đây hạn chế rất nhiều. Đạt được kết quả đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
triển khai tích cực bảo vệ, phát triển rừng, nhận thức của người dân về vai trò
của rừng nâng lên rõ rệt. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay huyện xác định là mở rộng
diện tích trồng rừng, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực
thường xảy ra lũ quét nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật,
tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.
Gia đình ông Lý Văn
Chém ở bản Táng Ngà của xã Nậm Chà có 5ha rừng sản xuất. Ông Chém chia sẻ: “Thực
hiện chủ trương của địa phương chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng rừng,
nhất là cây quế để tạo nguồn thu cao hơn, gia đình tôi rất hưởng ứng. Hiện, diện
tích quế phát triển tốt, mong sẽ sớm được thu hoạch. Dự kiến sau khi thu hoạch,
gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng rừng sản xuất nhằm giữ nguồn nước cho sinh hoạt
và sản xuất, có thêm sinh kế".
Những năm qua, chính
quyền các xã: Mường Mô, Hua Bum, Nậm Manh phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ
huyện chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện trồng, chăm
sóc và bảo vệ rừng. Đồng thời, huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân,
hội viên, tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng các bản giúp ngày công trồng, chăm sóc
rừng đối với các hộ gia đình đăng ký trồng từ 2ha rừng trở lên. Đó cũng là lý
do, trong mùa mưa năm 2024, trên địa bàn các xã dù có thiệt hại do thiên tai
nhưng không đáng kể, không xảy ra tình trạng sạt lở đất đá gây ảnh hưởng đến đời
sống và sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ông Tống Văn Trài - Phó
trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nậm Nhùn khẳng định: Với địa
hình chủ yếu là đồi, núi cao có độ dốc lớn, việc phủ xanh đất trống, đồi trọc,
bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh trồng rừng, chúng tôi tập trung phối
hợp tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích “kép” mà rừng mang lại, đó là
nâng cao giá trị sản xuất kinh tế rừng, phòng chống thiên tai. Tổng diện tích
trồng rừng mới trong toàn huyện từ năm 2021 đến nay là 1.686,12ha, đạt 116,28%
mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Trong
đó, 1.323ha quế, đạt 132,35% so với mục tiêu nghị quyết, nâng tỷ lệ che phủ rừng
của huyện lên 57,26%, tăng 1,54% so với năm 2021. Vùng trồng quế tập trung chủ
yếu tại các xã: Nậm Chà, Mường Mô (chiếm khoảng 75% diện tích toàn huyện); một
số diện tích hình thành nguyên liệu và có doanh nghiệp cam kết thu mua, đem lại
thu nhập cho người dân. Ngoài ra, huyện còn tập trung trồng rừng cây gỗ lớn, rừng
phòng hộ ở các xã: Hua Bum, Nậm Hàng, Nậm Ban, Trung Chải.
Chú trọng công tác bảo
vệ và phát triển, nâng cao chất lượng rừng đã và đang góp phần bảo vệ môi trường,
giúp huyện ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên
tai gây ra; đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời,
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu nhập, cải thiện sinh kế, ổn
định cuộc sống người dân trên địa bàn.