Những năm qua thông qua các chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước, người dân xã Mường Mô đã vươn lên phát triển kinh tế từ nghề nuôi cá lồng giúp tạo việc làm tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.
Mường Mô
là xã được đánh giá có tiềm năng lợi thế về phát triển nuôi cá lồng với diện
tích mặt nước trên 1000 ha. Nhận thấy lợi thế từ việc chăn nuôi thủy sản, xã đã
tuyên truyền tới bà con các chủ trương, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát
triển nông nghiệp đặc biệt là các đề án, dự án của tỉnh và huyện về hỗ trợ nhân
dân trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó phải kể đến nghị quyết 07 của
HĐND tỉnh về hỗ trợ nuôi cá lồng, mỗi hộ dân nuôi cá lồng khi có đủ điều kiện
theo quy định của NQ sẽ được hỗ trợ 50% chi phí làm lồng đối với doanh nghiệp,
HTX không quá 300 triệu đồng/ 1 cơ sở, đối
với tổ hợp tác, nhóm hộ không quá 250 triệu đồng/ 1 cơ sở, hộ gia đình, cá nhân không quá 150 triệu đồng/ 1 cơ sở. Hỗ
trợ cước vận chuyển tiêu thụ cá thương phẩm, mức hỗ trợ tối đa không quá 100
triệu đồng/đối tượng/ năm.
Ông Trần Anh Đôn - Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết: " Trên
địa bàn xã có diện tích lòng hồ tương đối lớn khoảng trên 1000 ha, rất lý tưởng
cho bà con nuôi cá lồng. Hiện nay huyện Nậm Nhùn đang triển khai hỗ trợ nuôi cá
lồng theo nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, chính sách này khuyến khích tiếp thêm sức
mạnh cho nhân dân và HTX có thêm vốn đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá, đóng góp
vào sự phát triển kinh tế trên địa bàn xã.
Để hỗ trợ nhân dân trong việc nuôi cá xã đã phối hợp với các ngành đơn vị
liên quan mở các lớp tập huấn chuyển
giao kỹ thuật chăm sóc các loại cá; hướng dẫn bà con cách lựa chọn giống, kỹ
thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Hướng dẫn bà con tu sửa, gia cố lồng
bè vào thời điểm mùa mưa lũ, đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận
các nguồn vốn vay ưu đãi. Để khai thác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, bảo vệ
môi trường, hệ sinh thái, xã đã tích cực cực tuyên truyền, vận động bà con tuyệt
đối không sử dụng chất nổ, xung điện… để đánh bắt thủy sản; tăng cường quản lý,
giám sát đối với các hoạt động khai thác, đánh bắt cá, tôm, tép trên địa bàn...
Trong những
năm qua,
bà con trong xã đầu tư nuôi cá lồng với số lượng ngày càng lớn. Hiện, toàn xã
có khoảng gần 500 lồng cá, tập trung
nuôi các loại cá đặc sản của địa phương như: cá lăng chấm, chiên sông đà và một
số loại cá truyền thống: chép, trắm, rô-phi. Gia đình ông Khoàng Văn Hơi bản Mường Mô xã Mường Mô nuôi
cá lồng trên lòng hồ từ 2016 đến nay, hiện tại, gia đình ông có 6 lồng cá, với
các giống chủ yếu là: trắm, chiên, lăng đen, cá nheo, mỗi năm, gia đình ông thu
về khoảng trên 100 triệu đồng từ việc bán cá. Ông Khoàng Văn Hơi chia sẻ: đầu tư nuôi cá lồng, tôi thấy việc nuôi
cá không tốn kém nhiều công sức, thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ, lá chuối, các loại
cá nhỏ khai thác lòng hồ nên cũng dễ kiếm. So với trồng lúa sắn trồng các cây
hoa màu khác thì nuôi cá cho thu nhập cao hơn. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, kỹ
thuật nên hiệu quả không cao, cá bị bệnh không biết cách chữa trị kịp thời nên
thiệt hại không ít. Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nên việc nuôi cá lồng
dần đi vào ổn định, việc chăm nuôi khoa học hơn, cá phát triển tốt và ít bị bệnh
hơn.
Đặc
biệt, để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, với quy mô ngày càng lớn, xã
khuyến khích nhân dân liên kết thành lập
các HTX thủy sản, hộ dân nuôi cá cùng nhau liên kết trao đổi kỹ thuật chăm sóc,
cùng hỗ trợ nhau trong nuôi trồng tiêu thụ các sản phẩm cá. HTX Hùng Cường có 5
thành viên nuôi 60 lồng cá chủ yếu là các giống cá như: cá nheo, cá rô phi, cá
lăng, cá trắm, cá quả. Được hỗ trợ 300 triệu đồng làm lồng nuôi theo nghị quyết
07, hiện nay đã có 25 lồng cho thu hoạch mỗi lồng đạt 7 tạ đến 1 tấn cá/ năm, tổng
sản lượng mỗi năm đạt 17-20 tấn cá, với giá bán thị trường cá nheo 70.000 đồng,
cá quả, cá trắm 100.000 đồng, cá rô 50.000 đồng. Anh Tô Mạnh Cường Chủ nhiệm HTX Hùng Cường
xã Mường Mô cho biết:
Để cá phát triển tốt không bị bệnh cần phải lựa chọn được con giống tốt ở trại
giống uy tín, thường xuyên theo dõi, vệ sinh lồng nuôi va phòng bệnh cho cá định
kỳ đặc biệt là những lúc giao mùa để cá phát triển tốt, chất lượng đảm bảo được
thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy
điện đang cho thấy những hiệu quả nhất định, đem lại thu nhập ổn định cho một bộ
phận người dân. Thời gian tới, huyện Nậm Nhùn tiếp tục khuyến khích các HTX, doanh
nghiệp, hộ dân đầu tư nuôi trồng thủy sản, từng bước trở thành địa phương cung
cấp các sản phẩm cá chất lượng trên thị trường.
Việc triển
khai NQ 07 của HĐND tỉnh Lai Châu về hỗ trợ nuôi cá lồng trên địa bàn xã Mường
Mô đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ là điểm tựa mà thực sự là động lực
giúp bà con vượt khó phát triển nghề nuôi cá lồng, duy trì phát triển nghề khai
thác nuôi trồng thủy sản. Huyện đang tiếp tục khuyến khích các HTX, doanh nghiệp, hộ
dân đầu tư nuôi trồng thủy sản, qua đó tạo việc làm tăng thu nhập thúc đẩy kinh
tế địa phương phát triển đóng góp vào công tác giảm nghèo trên địa bàn.