Sau dịp tết Nguyên đán, các hộ chăn
nuôi trên địa bàn xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn lại chuẩn bị điều kiện cần thiết
về con giống, chuồng trại để tái đàn, ổn định sản xuất. Qua đó, góp phần bảo đảm
nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài xã
Là
một trong những gia đình có kinh tế phát triển từ chăn nuôi gia cầm, nhiều năm
nay, gia đình anh Cà Văn Ngoan ở bản Nậm Cầy luôn duy trì nuôi 80-100 con vịt/lứa,
bình quân mỗi năm nuôi 4 lứa. Sau khi xuất bán hết lứa vịt cuối cùng của năm
2024, ngay sau tết Nguyên đán, anh Ngoan và các thành viên trong gia đình tiến
hành sửa chữa lại chuồng trại, mua thêm dụng cụ chăn nuôi như máng cho vịt ăn,
uống để chuẩn bị tái đàn. Để việc chăn nuôi thuận lợi, anh lựa chọn con giống kỹ
lưỡng, mua giống ở cơ sở có uy tín và hạn chế người ra - vào chuồng trại.
Anh
Ngoan cho biết: “Để có thêm nguồn thu, mỗi năm gia đình tôi nuôi 4 lứa, từ
80-100 con vịt/lứa. Nhờ chăn nuôi vịt đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia
đình. Sau dịp tết, gia đình tôi tiếp tục tái đàn để duy trì sản xuất, phát triển
kinh tế. Để đảm bảo cho việc tái đàn, gia đình tôi dọn vệ sinh chuồng trại sạch
sẽ, phun thuốc khử trùng tiêu độc từ 2-3 lần/tháng, rắc vôi bột để tiêu diệt mầm
mống dịch bệnh, mua giống tại cơ sở uy tín ở Hà Nội về nuôi. Hiện nay, tôi đang
úm 50 con vịt trong chuồng và khi vịt được 0,7-0,8kg tôi sẽ bắt đầu thả ra
ngoài. Gia đình tôi sẽ thường xuyên theo dõi đàn vịt, chủ động phòng, chống dịch
bệnh để vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.
Người dân xã Nậm Hàng chủ động tái đàn gia cầm ngay sau kết thúc kỳ nghỉ tết Nguyên Đán.
Để
tạo nguồn thu nhập cho gia đình từ nuôi gà, ông Hoàng Văn Ven ở bản Nậm Dòn làm
chuồng trại bằng tre, nứa theo hình thức chuồng sàn; nên chuồng cách mặt đất
khoảng 30cm. Theo ông Ven, cách làm chuồng trại như vậy có nhiều ưu điểm, đó là
giúp vật nuôi ấm về mùa đông, mát về mùa hè, chân của gà không tiếp xúc trực tiếp
với phân trên chuồng, nên tránh được các dịch bệnh, Gia đình ông Ven không mua
giống ở bên ngoài mà trực tiếp cho gà ấp trứng để con giống đảm bảo. Ông Ven
vui mừng nói: "Gia đình tôi duy trì nuôi hơn 50 con gà. Để đảm bảo cho việc
tái đàn, tôi phun khử trùng tiêu độc ở khu vực chuồng trại và xung quanh khu
chăn nuôi, gia cố, sửa chữa lại chuồng. Cùng với đó, trước tết tôi cho gà ấp và
đã nở được hơn 30 con. Hiện nay, gà con được khoảng hơn 20 ngày tuổi. Tôi chú
trọng chế độ ăn, chủ động phòng, chống dịch bệnh đề đàn gà sinh trưởng tốt,
thêm nguồn thu cho gia đình"
Việc
tái đàn thường được tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, tuy
nhiên, đây là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến bất thường, dễ phát sinh
dịch bệnh. Để đảm bảo việc tái đàn gia cầm cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh,
chú trọng sửa chữa lại chuồng trại kiên cố, thông thoáng, tránh mưa đột, gió
lùa vào chuồng, cần quét dọn, giữ nền chuồng khô ráo, không đọng nước, sử dụng
vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng để phun, khử trùng chuồng trại. Bên cạnh
đó, cần cung cấp thức ăn, nước, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng để nâng
cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Nậm
Hàng là địa phương chăn nuôi gia cầm lớn của huyện Nậm Nhùn. Hiện nay, tổng đàn
gia cầm của xã trên 48.200 con, năm 2025, xã đề ra mục tiêu tăng trưởng đàn gia
súc, gia cầm đạt 8,8%. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mùa A Cờ - Phó Chủ tịch
UBND xã Nậm Hàng cho biết: Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ những tháng đầu
năm, UBND xã chỉ đạo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn gia cầm bảo
đảm an toàn, tránh dịch bệnh. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi trước khi thực hiện
tái đàn, cần tìm hiểu thông tin về cung - cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm để
đầu tư số lượng đàn phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình, không tái
đàn ồ ạt. Bà con nên duy trì việc tự ấp trứng để bảo đảm nguồn con giống chất
lượng.
Đặc
biệt, đối với những hộ chăn nuôi nhập con giống bên ngoài, cần tìm hiểu, lựa chọn
mua con giống tại cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Xã thường
xuyên cử cán bộ thú y hướng dẫn bà con các bản cách phòng trừ dịch bệnh, tuyên
truyền các hộ mua thuốc và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Xã phấn đấu tỷ lệ tiêm
phòng vắc-xin trên đàn gia súc, gia cầm đạt từ 96% trở lên. Trong quá trình
chăn nuôi, người dân phải thường xuyên theo dõi, quan sát đàn gia cầm, khi thấy
những hiện tượng bất thường phải nhanh chóng cách ly ra khu vực riêng để kiểm
tra, theo dõi, đồng thời, báo cho cán bộ thú y xã để được hướng dẫn biện pháp
phòng, điều trị bệnh kịp thời
Với
sự chủ động cùng những giải pháp đồng bộ, tin rằng đàn gia cầm của xã Nậm Hàng
sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, thúc
đẩy kinh tế địa phương phát triển.