Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) đã góp
phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và nâng cao
thu nhập cho người dân huyện Nậm Nhùn. Để duy trì và nâng cao giá trị của sản
phẩm OCOP, UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo, triển khai các giải pháp hỗ trợ,
đồng hành với chủ thể, địa phương.
Hiện nay, toàn huyện
có 12 sản phẩm OCOP 3 sao của 5 chủ thể tại các xã: Lê Lợi, Nậm Hàng, Mường Mô.
Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất được huyện Nậm Nhùn hướng tới là tiếp tục
quan tâm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP nhằm tăng sức cạnh tranh trên
thị trường. Do đó, giao các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, khuyến khích chủ thể đầu
tư, hoàn thiện quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm
soát chất lượng từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm.
Ông Nguyễn Cao Trường - Giám đốc Hợp tác xã thanh niên Trường Thịnh (thị trấn
Nậm Nhùn) chia sẻ: “Đơn vị có 2 sản phẩm OCOP 3 sao là cao và trà cà gai leo.
Nâng cao giá trị các sản phẩm, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ,
VietGAP, chúng tôi tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, từ khâu chọn nguyên
liệu, chế biến đến bảo quản sản phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ
thuật, nâng cao tay nghề cho công nhân, thành viên hợp tác xã”.
Việc xây dựng thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý các sản phẩm OCOP và đăng ký
nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển sản phẩm đặc trưng cũng được huyện
chú trọng. UBND huyện định hướng các chủ thể xây dựng quy trình sản xuất đạt
tiêu chuẩn tiến đến nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao và dần hướng tới 5
sao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị
trường, truy xuất nguồn gốc. Tên gọi của các sản phẩm gắn với địa danh, địa lý,
văn hóa, đặc sản, đặc trưng hoặc tên cơ sở sản xuất để người tiêu dùng dễ nhận
biết và thuận tiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá
trị sản phẩm đặc sản địa phương.

...nâng tầm giá trị sản phẩm đặc sản địa phương.
Được
biết thêm, các chủ thể có sản phẩm OCOP cũng được các cơ quan chuyên môn của
huyện, tỉnh hỗ trợ chiến lược mở rộng, phát triển thị trường trong tỉnh, trong
nước và quốc tế. Cụ thể là kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, sàn thương mại
điện tử và hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Các chủ
thể cũng tận dụng lợi thế nền tảng mạng xã hội chủ động đa dạng hình thức giới
thiệu sản phẩm và bán hàng qua TikTok, Facebook, Shopee…
Đẩy
mạnh phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP
cũng đang là một trong những giải pháp hữu hiệu của huyện. Thực tế chứng minh,
thông qua nhiều tour du lịch đã góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm
nông sản đặc trưng cũng như sản phẩm OCOP của các địa phương trong huyện. Ngược
lại, từ việc được thực tế tham quan, trải nghiệm khu vực sản xuất nguyên liệu đến
các công đoạn chế biến, đóng gói và thưởng thức ngay tại chỗ các sản phẩm OCOP
từ chăn nuôi, trồng trọt đã thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến với huyện.
Trong thực đơn của các nhà hàng, homestay ngày càng xuất hiện nhiều món ăn, đồ
uống là sản phẩm OCOP như: cá, thịt sấy, rượu men lá…
Ông
Nguyễn Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Xác định Chương
trình OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông
nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất. Huyện luôn tạo
điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng
chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng. Các chủ thể được
tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ xúc tiến
thương mại, xây dựng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP trên thị trường nhằm
phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm”.
Chính
quyền vào cuộc, chủ thể chủ động, sản phẩm OCOP của huyện Nậm Nhùn không chỉ
duy trì thương hiệu mà còn tăng lượng khách hàng, nguồn thu. Nhờ đó, các hợp
tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương
với mức thu nhập bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.