Được chia tách, thành lập vào năm 2012 với xuất phát điểm thấp,
trình độ dân trí, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm qua, xã Nậm Chà (huyện Nậm
Nhùn) triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả nhằm, nâng cao đời sống
cho người dân. Trong đó, tập trung vào phát triển kinh tế, cải thiện cơ sở hạ
tầng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Một trong những giải
pháp đầu tiên mà xã Nậm Chà hướng tới trong xóa đói, giảm nghèo là phát triển
nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong đó, lấy việc phát triển cây quế làm
trọng tâm, từ năm 2017 đến năm 2024, xã triển khai trồng cây quế tại 7/7 bản
với tổng diện tích 400ha. Trong các năm 2023-2024, một số doanh nghiệp ký kết
thu mua sản phẩm quế với tổng sản lượng khoảng 500 tấn, mang lại thu nhập bước
đầu cho người dân. Việc trồng cây quế không chỉ giúp cải thiện thu nhập mà còn
tạo động lực để người dân mở rộng diện tích trồng trọt.
Bên cạnh đó, xã tích
cực triển khai công tác bảo vệ rừng gắn với trồng rừng nhằm nâng cao thu nhập
từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các hộ tham gia bảo vệ rừng được nhận
tiền hỗ trợ hàng năm, đồng thời có thể trồng thêm cây dược liệu, cây ăn quả
dưới tán rừng. Điển hình tại các bản Nậm Chà, Táng Ngá hàng năm mỗi hộ dân nhận
được hơn 15 triệu đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần không
nhỏ cải thiện cuộc sống.
Người dân tập trung chăm sóc diện tích quế.
Với đặc thù là xã thuần nông, diện tích đất trồng cỏ lớn xã
chú trọng phát triển thêm chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, tốc độ tăng trưởng
đàn gia súc hàng năm đạt 5%, hiện tổng đàn gia súc của xã đạt 2.800 con. Bên
cạnh đó, xã tập trung triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông
thôn, giúp người dân có thêm cơ hội việc làm. Các ngành nghề như: chế biến nông
sản, sửa chữa máy móc được mở hàng năm. Ngoài ra, xuất khẩu lao động sang Nhật
Bản, Hàn Quốc đang trở thành hướng đi hiệu quả trong giải quyết việc làm, nâng
cao thu nhập cho thanh niên.
Nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự quan tâm của cấp
ủy, chính quyền xã Nậm Chà, nhiều hộ dân biết lựa chọn các mô hình phát triển
kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Điển hình như các
mô hình: chăn nuôi đại gia súc, trồng lúa của ông Giàng A Thào ở bản Huổi Mắn;
trồng quế, sắn của ông Lý Văn Chém bản Táng Ngá; nuôi trâu của ông Chảo Cáo
Mình ở bản Nậm Chà… đem lại thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/năm.
Ông Giàng A Thào ở bản Huổi Mắn cho biết: “Để có thu nhập
ổn định, từ năm 2018 đến nay gia đình tôi lựa chọn việc phát triển chăn nuôi
trâu, bò. Ngoài ra, còn trồng thêm ngô, lúa, sắn để chủ động về lương thực,
nguồn thức ăn cho gia súc. Đến nay, gia đình có thu nhập ổn định từ 100-120
triệu đồng/năm, các con tôi đều được đi học, có tiền mua sắm xe máy và nhiều
vật dụng hàng ngày khác”.
...phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ.
Với việc chủ động thực hiện các giải pháp giảm nghèo xã
biên giới Nậm Chà đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, thu nhập
của xã đạt 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 3%,
hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống dưới 40%; xã đạt 11 tiêu chí xây dựng
nông thôn mới. Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; giảm
tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 0,5 - 1%/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 100%.
Ông Chảo San Sênh - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chà cho biết:
"Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, chúng
tôi tiếp tục kết hợp các nguồn lực đầu tư của nhà nước với phát huy ý thức tự
vươn lên của người dân. Phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; chủ động
các phương án bảo vệ, phát triển rừng, nhất là phát triển cây quế nhằm tăng thu
nhập, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con.