Thành công của mô hình cá – lúa sẽ làm thay đổi nhận thức tư duy của người dân
Vụ
mùa năm 2024, mô hình cá - lúa do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn
triển khai tại tổ dân phố Nậm Nhùn (thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn) đã đảm
bảo hiệu quả kinh tế như dự kiến. Thông qua mô hình, không chỉ tạo ra sản phẩm
cá, lúa đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm còn giúp người dân
thay đổi tập quán canh tác.
Mô hình cá - lúa tại tổ dân phố Nậm Nhùn có quy mô thực
hiện 1ha ruộng với 11 hộ dân tham gia (các hộ được hỗ trợ con giống, thức ăn
cho cá và kỹ thuật chăm sóc). Mô hình là sự kết hợp giữa nuôi cá trong hệ thống
canh tác lúa, nhằm tối ưu hóa lợi ích từ đất đai, bảo vệ môi trường và nâng cao
thu nhập cho nông dân. Mô hình này không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế bền vững
còn bảo vệ hệ sinh thái, cải thiện chất lượng đất canh tác.
Những năm trước,
gia đình ông Mào Văn Siêng ở tổ dân phố Nậm Nhùn dù cấy lúa 2 vụ nhưng năng
suất thấp. Năm 2024, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp
huyện, gia đình ông tham gia mô hình cá - lúa với diện tích 3.000m2. Sau hơn 3
tháng thực hiện, tổng số tiền thu từ lúa và cá đạt 70 triệu đồng, tăng hơn 30
triệu đồng so với độc canh cây lúa thông thường.
Ông Siêng cho
biết: “Ban đầu gia đình tôi còn băn khoăn vì đây là mô hình mới. Quá trình
triển khai nhận thấy hiệu quả rất rõ nét, vụ tới sẽ tiếp tục thực hiện”.
Thành công của mô hình làm thay đổi nhận thức, tư duy của
người dân từ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước sang chủ động chuẩn bị nguồn
lực kinh tế, nhân lực thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo
có hiệu quả.
Mô hình được thực hiện từ giữa tháng 6 năm 2024 (Đồng chí Mùa A Trừ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy xuống đồng cùng bà con thực hiện mô hình).
Được biết, qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, khả
năng sinh trưởng và phát triển của cây lúa kết hợp nuôi cá trong ruộng phù hợp
với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đem lại năng suất, chất lượng cao, nâng
cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Khi nuôi thả cá trong ruộng lúa mang lại lợi
ích kép: cá sục bùn trong ruộng, đảo dinh dưỡng từ nền đáy ruộng lúa, diệt cỏ dại,
côn trùng, sâu bệnh hại lúa, đồng thời cá thải phân làm đất ruộng lúa thêm giàu
dinh dưỡng. Vì vậy, người dân sẽ tiết kiệm được lượng phân bón, giảm lượng giống
và hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại đến sức khỏe con người và
môi trường.
Sau hơn 3 tháng
thực hiện mô hình, qua kiểm tra, đánh giá, trọng lượng trung bình của cá rô-phi
đạt 0,5kg/con; chép 0,4kg/con; vược 0,3kg/con với tỷ lệ sống khoảng 85%, sản lượng
ước đạt hơn 5 tấn. Giá bán trên thị trường dao động từ 40-50 nghìn đồng/kg với
cá rô-phi; cá chép 60-70 nghìn đồng/kg; cá vược 40-50 nghìn đồng/kg. Giá trị
thu về sau khi trừ các chi phí khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, năng suất lúa
trong mô hình qua đánh giá đạt 58,3 tạ/ha. Với giá thóc bán trên thị trường là
9.000 đồng/kg nhân dân thu về trên 50 triệu đồng/ha. Như vậy, tổng giá trị lợi
nhuận thu được từ mô hình cá - lúa đạt khoảng 250 triệu đồng.
Đồng chí Mùa A Trừ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cùng bà con thu hoạch cá sau hơn 3 tháng triển khai.
Ông Nguyễn Văn
Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Để tiếp tục nhân rộng mô hình
trồng lúa kết hợp nuôi cá, trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng của địa
phương, UBND huyện yêu cầu cấp ủy, chính quyền thị trấn Nậm Nhùn, tổ trưởng tổ
dân phố Nậm Nhùn tiếp tục tuyên truyền nhân dân về hiệu quả kinh tế, mạnh dạn đầu
tư sản xuất. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện nhân rộng mô hình và
phát triển thành vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng
cao hiệu quả sử dụng đất và đời sống cho nhân dân. Lãnh đạo huyện cam kết đồng
hành cùng nông dân trong phát triển mô hình cá - lúa, tạo điều kiện thuận lợi để
người dân có thể áp dụng mô hình hiệu quả, bền vững.