image banner
Xã Lê Lợi nỗ lực giữ vững danh hiệu xã Nông thôn mới

Năm 2015 xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, giữ vững danh hiệu này Đảng bộ chính quyền xã đề ra những giải pháp cùng hướng đi đúng đắn nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm cho lao động nông thôn để nâng cao thu nhập. Đến nay xã Lê Lợi đã hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28,5 triệu đồng/người/năm tăng gần 14 triệu đồng so với năm 2015. Trong bức tranh nhiều sắc màu của đồng bào các dân tộc, nhân dân xã Lê Lợi đang phấn khởi khi cuộc sống được sung túc hơn, bộ mặt nông thôn các bản ngày càng khang trang sạch đẹp hơn.

Xã Lê Lợi là địa phương cửa ngõ của huyện Nậm Nhùn có giao thông đi lại thuận lợi cách trung tâm huyện gần 28km về phía Đông, phía Nam giám với Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, phía Đông giáp với xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, phía Bắc và phía Tây giáp xã Pú Đao. Địa bàn của xã Lê Lợi có đường Quốc lộ 12 và tỉnh lộ 127 đi qua và có hai dòng sông chảy qua nên thuận tiện cho việc giao thương phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay toàn xã Lê Lợi có 5 bản với 350 hộ trên 1.500 nhân khẩu trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm trên 98% dân số. Về với xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn những ngày này mỗi chúng ta đều cảm nhận được những đổi thay rõ nét. Từ khi về đích Nông thôn mới, đời sống và thu nhập của người dân đã được nâng lên rõ rệt, hiên nay xã đang nỗ lực để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bản làng ngập tràn tiếng cười, đường lên bản khang trang, sạch đẹp rợp bóng cờ hoa. Sự no ấm bình yên hiện hữu trong từng căn nhà, cuộc sống đang nhộn nhịp trên một vùng quê từng ngày đổi mới. 

Những năm khi xã Lê Lợi chưa về đích nông thôn mới, do diện tích đất trồng lúa và trồng ngô của xã Lê Lợi ít cùng với đó là các diện tích đất nông nghiệp còn lại đa phần là đồi núi với độ dốc cao nên không canh tác được nhiều dẫn đến năng suất và sản lượng thấp, đời sống của bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn. Người dân ở nơi đây luôn mong có một giống cây mới phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, để mang lại giá trị kinh tế nhằm từng bước thoát nghèo.

Nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu của xã Lê Lợi tương đồng và phù hợp để trồng Dứa, UBND huyện Nậm Nhùn đã lập dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm Dứa và giao cho xã Lê Lợi làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn là 1 tỷ đồng để trồng tại các bản trong xã với tổng diện tích là 14ha. Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, người dân xã Lê Lợi động viên nhau hăng hái tham gia trồng Dứa. Được biết Dứa là loại cây dễ trồng, sinh trưởng mạnh và năng suất cao hơn so với những cây trồng khác, cho thu nhập trên một đơn vị diện tích khá lớn. Trong năm 2022 toàn bộ diện tích Dứa của xã trồng năm 2019 đã cho thu hoạch và giá bán ra thị trường từ 5 đến 8 nghìn đồng/kg. Bà con nhân dân trồng Dứa trong xã rất vui và phấn khởi bởi cây Dứa sẽ mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho bà con.

anh tin bai

Mô hình trồng Dứa tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn.

Năm nay gia đình của anh Lù Văn Cánh ở bản Co Mủn rất vui bởi kinh tế của gia đình cũng khấm khá lên nhờ chăn nuôi và trồng Dứa. Gần 1ha vườn Dứa đang cho thu hoạch này trước đây chỉ được gia đình anh dùng để trồng sắn phục vụ cho chăn nuôi nên không mang lại thu nhập nhiều cho gia đình. Được sự tuyên truyền, vận động của xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các diện tích đất kém hiệu quả. Năm 2021 gia đình anh Lù Văn Cánh đã quyết định đăng ký với xã để trồng gần 1ha cây Dứa, trong năm đầu tiên xã hỗ trợ toàn bộ giống và phân bón cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc. Đến nay cây Dứa của gia đình anh Cánh đã phát triển rất tốt, trong năm 2022 đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với sản lượng là trên 7 tấn quả. Bên cạnh đó trong năm 2022 gia đình anh Cánh còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố để phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi cá. Nhờ đó mà thu nhập trong gia đình của anh cao hơn so với những năm trước.

anh tin bai

Anh Lù Văn Cánh ở bản Co Mủn, xã Lê Lợi vui mừng khi mô hình Dứa đã cho thu hoạch.

 Anh Lù Văn Cánh ở bản Co Mủn, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Cũng như mọi năm thì trong năm 2022 được sự định hướng của cấp ủy chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thì gia đình tôi cũng đã thực hiện một số mô hình đến nay đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. So với những cây trông trước kia thì cây Dứa thực sự đã mang lại cuộc sống đổi thay không chỉ riêng cho gia đình tôi mà còn cho các hộ dân khác trong bản. Trong thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi các diện tích đất đồi, nương kém hiệu quả để nhân rộng thêm mô hình này, đồng thời phát triển thêm việc chăn nuôi nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho gia đình…”

Hiên nay bản Co Mủn có 74 hộ với trên 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Trong năm 2022 nhân dân trong bản đã tích cực phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, trong đó thì nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi, khai thác nguồn lợi thủy sản và đi làm tại các khu công nghiệp. Đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong bản đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo trong bản chỉ còn 13 hộ. Niềm vui phấn khởi, niềm tin và Đảng, tình yêu đất nước đang hiện hữu trên mỗi nếp nhà, trên từng gương mặt của người dân ở nơi đây.

Anh Mào Văn Dũng, Bí thư Chi bộ bản Co Mủn, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn chia sẻ thêm: “Năm 2022 vừa qua thì bà con nhân dân trong bản cũng đã rất tích cực lao động sản xuất qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Đảng bộ chính quyền xã Lê Lợi đề ra. Trong năm nay và những năm tiếp theo chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động và định hướng để cùng bà con nhân dân trong bản thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển đi lên…”

anh tin bai

Đường nội bản được bê tông hóa, sạch sẽ và khang trang.

Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lê Lợi hăng hái tiếp nhận, chủ động trách nhiệm với sự giúp đỡ của tỉnh, huyện cùng với sự đồng thuận, đoàn kết huy động phát huy sức mạnh nội lực, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cán bộ nhân dân, các tổ chức cá nhân, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới mặc dù còn có những khó khăn phức tạp, đặc thù của xã miền núi khối lượng công việc lớn, song với sự đồng thuận, đoàn kết quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Lê Lợi đã chung sức đồng lòng chủ động sáng tạo vượt qua mọi khó khăn bỡ ngỡ ban đầu, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm; dễ làm trước khó làm sau. Vì vậy những khó khăn đã dần được tháo gỡ đã đúc rút được lộ trình thực hiện phù hợp, thúc đẩy phát huy ý thức cộng đồng, tự giác chủ động sáng tạo, tinh thần thi đua của mỗi cá nhân của cộng đồng, của các bản trong xã. Đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, của địa phương và của người dân. Từ khi đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, xã Lê Lợi hàng năm đều tìm những giải pháp phù hợp với lợi thế của địa phương nhằm tăng thu nhập cho người dân, trong đó xã Lê Lợi đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực về nguồn lao động, tài nguyên đất đai. Đối với những diện tích cho năng suất thấp xã vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng cây Mắc Ca, Dứa, cây xoài Đài Loan, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả với 49ha xoài Đài Loan, 35,5ha cây Mắc Ca, 25ha Dứa và 10ha cây ăn quả khác. Trong đó đã có 3ha xoài đã cho thu hoạch và trong năm 2023 sẽ cho thu hoạch số diện tích còn lại, 15ha Dứa đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó với lợi thế diện tích đất đồi lớn nhiều bãi chăn thả rộng nhân dân các dân tộc của các bản đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa, cán bộ xã xuống từng bản hướng dẫn người dân sửa chữa gia cố chuồng trại, trồng cỏ voi. Đồng thời quy hoạch vùng chăn thả gia súc tập trung, không để người dân thả dông khiến cho vật nuôi dễ lây lan dịch bệnh và phá hoại hoa màu.

Đến nay toàn xã có trên 2 nghìn con gia súc các loại, đối với những bản có lợi thế cạnh sông suối như: bản Chang Chiềng Lè, Bản Chợ gần dân đầu tư đánh bắt thủy sản, trung bình mỗi năm đánh bắt hơn 50 tấn thủy sản đem lại thu nhập tương đối ổn định. Bằng nhiều giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế cuộc sống của người dân xã Lê Lợi ngày một đổi khác, năng suất cây trồng vật nuôi được nâng lên, nhiều mô hình kinh tế phát triển đem lại thu nhập ổn định. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm. Xã tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

anh tin bai

Tận dụng diện tích mặt nước để khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Ông Mào Việt Hoa, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Qua sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền đã cùng nhau tuyên truyền thực hiện các bước trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó trong năm 2022 thì chúng tôi cũng đã thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm đều đạt và vượt so với kế hoạch. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trong năm 2023 thì ngay từ đầu năm chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và giao nhiệm vụ đến từng cán bộ công chức cũng như các bản để cùng nhau thực hiện có hiệu quả…”

Ngoài nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao thu nhập cho nhân dân, phát huy vẻ đẹp thiên hiên ban tặng cũng như lợi thế về đường giao thông thuận tiện. Trong năm 2022 xã Lê Lợi đã tập trung xây dựng bản Chang Chiềng Lè trở thành bản du lịch cộng đồng đầu tiên của xã nói riêng và của huyện Nậm Nhùn nói chung. Hiện nay sau khi sát nhập, bản Chang Chiềng Lè có 100 hộ với trên 450 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thái. Để từng bước xây dựng bản trở thành bản du lịch cộng đồng, hiện nay ngoài việc được huyện Nậm Nhùn đầu tư về hệ thống đèn chiếu sáng quanh bản, đường bên tê nội bản thì xã Lê Lợi đã tích cực vận động nhân dân trong bản tổng dọn vệ sinh môi trường, đưa gia súc ra khỏi bản tiến hành trồng cỏ và nuôi nhốt. Nhờ sự tuyên truyền của các cấp chính quyền đã giúp người dân trong bản hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc xây dựng bản du lịch cộng đồng cũng như sự thay đổi nhận thức, tập quán cũ của người dân. Người dân đồng thuận và tự giác chỉnh trang nhà cửa để tạo môi trường xanh sạch đẹp, thông thoáng tạo ấn tượng cho du khách đến tham quan và trải nghiệm tại bản.

Ông Điêu Văn Chiêm, Trưởng bản Chang Chiềng Lè, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn cho biết thêm: “Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được huyện và xã chọn bản để xây dựng thành bản du lịch cộng đồng. Hiện nay bên cạnh việc chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp làng bản sạch sẽ nhằm tạo cảnh quan xanh sạch đẹp đón chào du khách đến tham quan trải nghiệm thì chúng tôi cũng xây dựng các đội văn nghệ để phục vụ du khách mỗi khi dừng chân tại đây. Hy vọng rằng trong những năm tiếp theo bản Chang Chiềng Lè sẽ có nhiều du khách đến với bản hơn nữa để qua đó có thể quảng bá được hình ảnh về mảnh đất và con người nơi đây đến với mọi miền…”

anh tin bai

Bản Chang Chiềng Lè nhìn từ trên cao.

Những đổi mới ở xã Lê Lợi thể hiện được nỗ lực và quyết tâm cao của cấp ủy đảng chính quyền và sự đồng lòng chung sức của nhân dân. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thổi hồn sinh khí ấm áp đến xã vùng cao đặc thù này khi mà đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Không chỉ có vậy trong những năm qua cấp ủy đảng chính quyền xã Lê Lợi còn đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, hộ nghèo giúp mọi người có được cuộc sống ấm no hơn, đầy đủ hơn. Ngoài ra xã còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân.

Đến tham gia đình chị Mào Thị Đan ở bản Co mủn khi chị đang dọn dẹp ngôi nhà mới hoàn thành được ít ngày. Niềm vui trên khuôn mặt chị rạng rỡ hơn bao giờ hết bởi lẽ từ nay gia đình chị đã có được căn nhà mới kết thúc sau bao năm sống trong cảnh nhà cửa lụp xụp. Nhà chỉ có 2 mẹ con trong khi diện tích nương rẫy để trồng lúa, trồng ngô của gia đình không có nhiều. Do đó cuộc sống của hai mẹ con chị Đan rất khó khăn, nhằm chia sẻ với những khó khăn của gia đình chị, hàng năm xã đã tổ chức hỗ trợ gia đình chị giống lơn sinh sản cũng như máy thái đa năng để tạo sinh kế cho mẹ con chị. Đặc biệt được phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 90 triệu đồng để xây ngôi nhà mới với lãi xuất thấp và thời hạn vay lên tới 15 năm. Giờ đây đã có nhà cửa ổn định, chị Mào Thị Đan đang cố gắng phát triển kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Mào Việt Hoa, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn cho biết thêm: “Thời gian tới, UBND xã Lê Lợi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nhân nâng cao ý thức, tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nâng chất xây dựng xã nông thôn mới. Trong đó, chú trọng các tiêu chí dễ biến động như: thu nhập, môi trường…nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng trên địa bàn xã vững chắc theo từng giai đoạn cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần của người dân trên xã nông thôn mới”.

Với sự quyết tâm, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin rằng trong thời gian tới xã Lê Lợi sẽ giữ vững danh hiệu và nâng cao hơn nữa các tiêu chí trong nông thôn mới để đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng khởi sắc hơn.

Bài, ảnh: Quang Thụy
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM NHÙN
Chịu trách nhiệm chính: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội.
Địa chỉ: Thị trấn Nậm Nhùn - Huyện Nậm Nhùn.
Điện thoại: 02133. 910.112 - Email: namnhun@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn namnhun.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên wedsite này.

Designed by VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang