
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Nậm Hàng triển khai mô hình trồng cây Chanh Leo
(Ngày đăng :19/07/2021 9:28:39 SA)
Xác định kinh tế hộ gia đình là một trong những yếu tố bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, những năm qua, xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn) đã tích cực huy động các nguồn lực, hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật và con giống để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Với mong muốn nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống và chăm lo cho các con được học hành đầy đủ, năm 2018, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình ông Mào Đức Chính ở bản Nậm Dòn mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông gây dựng được đàn bò 10 con. Từ bán gia súc hằng năm, thu nhập của gia đình ông được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, không chỉ trả được nợ ngân hàng, gia đình ông còn có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô chăn nuôi.
Còn gia đình anh Chảo A Lù ở bản Nậm Lay với thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, là điển hình để người dân trong bản học tập và làm theo. Anh Lù chia sẻ: “Ban đầu gia đình tôi chỉ phát triển chăn nuôi và chăm sóc hơn 1ha thảo quả. Sau này có thêm vốn, tôi đầu tư mở cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong bản. Ngoài ra, tôi còn vay thêm vốn ngân hàng để mua ôtô tải vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi cũng khá hơn trước rất nhiều”.
Ngoài mô hình của gia đình ông Chính, anh Lù, trên địa bàn xã Nậm Hàng còn nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình các ông: Lưu Văn Lẩu, Lò Văn Bóng (bản Nậm Dòn) thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi của gia đình ông Lò Văn Kiếm (bản Nậm Ty) thu nhập hàng năm trên 150 triệu đồng…

Chăn nuôi nuôi đại gia súc - hướng phát triển kinh tế
được nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn) lựa chọn.
Anh Đinh Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng cho biết: “Xác định việc phát triển kinh tế hộ luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định được điều này, xã huy động các nguồn lực, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các cây, con giống mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của bà con về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế hộ gia đình”.
Xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống mới có giá trị kinh tế vào sản xuất. Trên cơ sở rà soát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện mở các lớp tập huấn, dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ vậy, nhiều hộ đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất.
Song song với đó, xã tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình 30a/CP, 135/CP trong công tác giảm nghèo bền vững, triển khai xây dựng các mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất. Chỉ đạo các đoàn thể đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với tổng số tiền dư nợ hơn 29 tỷ đồng. Qua đó, giúp người dân có nguồn vốn, cây, con giống để phát triển kinh tế, đầu tư mở rộng quy mô các mô hình, phát triển kinh tế hộ.

Nhờ được hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước mà nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo
Nhiều mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất đã đem lại những kết quả thiết thực, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân. Điển hình như năm 2018, từ nguồn vốn chương trình 30a/CP, 135/CP hỗ trợ phát triển sản xuất, xã xây dựng mô hình chăn nuôi trâu sinh sản tại địa phương. Mô hình thực hiện cho 42 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của 3 bản: Nậm Ty, Nậm Cầy, Huổi Pết. Mức hỗ trợ đối ứng mua trâu sinh sản là 10 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật nuôi trâu, hỗ trợ tiền mua vắc-xin tiêm phòng. Đến nay, các hộ đã gây giống trâu sinh sản thành công, nhiều hộ phát triển đàn lên 3 - 5 con.
Hiện nay, trên địa bàn xã Nậm Hàng có 15 mô hình chăn nuôi hộ gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, chủ yếu tại các bản: Nậm Dòn, Nậm Cầy, Nậm Ty; 25 điểm chăn nuôi theo hướng tập trung có chuồng trại, trồng cỏ theo nhóm hộ và các mô hình trồng cây ăn quả quy mô hộ gia đình với tổng diện tích 10ha ở bản Nậm Dòn. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các mô hình cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng và phát triển tốt. Một số diện tích bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình.
Số hộ khá, hộ giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm Hàng giảm dần qua từng năm. Năm 2020, thu nhập bình quân của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,38%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Sự thành công của các mô hình kinh tế hộ gia đình đã góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của xã Nậm Hàng.