30/10/2024
Đặc sắc Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Khơ Mú ở Nậm Manh
Cuộc sống của đồng bào Khơ Mú ở xã
Nậm Manh phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, từ đó đã hình thành các nghi lễ nông
nghiệp, trong đó có Lễ mừng lúa mới. Lễ mừng lúa mới của đồng bào Khơ Mú diễn
ra sau khi thu hoạch với ý nghĩa để tạ ơn ông bà, tổ tiên và các vị thần linh
đã phù hộ, che chở cho cây trồng tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no,
đủ đầy, hạnh phúc.
Tái hiện Lễ cúng tại Lễ hội mừng lúa mới năm 2024.
Bản Nậm Manh, xã Nậm Manh có dân tộc Khơ Mú sinh sống quần tụ cuộc sống
phụ thuộc nhiều vào tự nhiên đã góp phần hình thành nên một hệ thống các nghi
lễ nông nghiệp. Các nghi lễ truyền thống này làm hình thành một chu trình sản
xuất nông nghiệp từ lúc gieo hạt cho đến khi thu hoạch. Trong đó thì lễ hội
mừng lúa mới diễn ra sau khi đã thu hoạch để tạ ơn tổ tiên các vị thần linh đã
phù hộ che chở để mưa thuận gió hòa cây trồng tốt tươi và mùa màng được bội
thu. Đây là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Khơ Mú vẫn
được lưu giữ theo truyền thống của đồng bào dân tộc.
Khi lúa đã
chín có thể thu hoạch các gia đình người dân tộc Khơ Mú sẽ chọn ngày lành tháng
tốt để tiến hành thu hái. Trước khi thu hoạch các gia đình dòng họ trong bản
chọn một đám nương rồi tiến hành làm nghi lễ gọi hồn lúa hay gọi mẹ lúa, tiếng
Khơ Mú gọi là Mạ Ngọ. Trước khi thực hiện nghi lễ gọi hồn lúa gia chủ đã nhờ
anh em trong bản làm kho thóc, nghi lễ gọi hồn lúa do những người phụ nữ thực
hiện được tiến hành trước khi thu hoạch. Người dẫn đầu tiến vào đám nương sẽ là
người tiến hành nghi lễ, chọn khóm lúa đẹp, nhiều bông, trĩu hạt. Người chủ lễ
chọn 3 bông to đẹp để bắt đầu nghi lễ gọi hồn lúa, trong khi tay vừa hái 3 bông
lúa đã chọn đồng thời khấn gọi hồn lúa.
Bắt đầu nghi lễ gọi hồn lúa.
Sau khi khấn gọi hồn lúa
xong những người đi cùng tiến hành thu hoạch, người chủ lễ sẽ là người đầu tiên
đổ vào xọt đựng lớn hơn. Số thóc lúa thu được sẽ đem về nhà chế biến lúa non
làm cốm non, lúa ương làm xôi cốm, hạt già thì làm xôi cơm. Sau khi thóc lúa chế
biến thành cốm, thành xôi thì tổ chức ăn mừng lúa mới.
Lúa sau khi mang về sẽ được chế biến thành cốm.
Đây là một trong những
hoạt động góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Khơ Mú, đồng thời
cũng là một nét đẹp văn hóa góp phần triển khai có hiệu quả Dự án 6 "Bảo tồn,
phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với
phát triển du lịch”, trong Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Một số hình ảnh tại Lễ hội mừng lúa mới (Mạ Mạ Mê):
Bài, ảnh; Văn Chức