image banner
Giữ gìn nghề truyền thống góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc Mảng ​
Đan lát là một nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Mảng ở huyện Nậm Nhùn. Đối với người dân tộc Mảng, những sản phẩm đan lát thủ công không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày mà còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo của dân tộc cần quan tâm bảo tồn phát huy.

Xã Nậm Pì có 6 bản với 260 hộ 1.092 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, hầu hết lớp người Mảng cao tuổi tại xã ai cũng biết đan lát các sản phẩm thủ công đó là những đồ dùng thường ngày phụ vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con. Những năm trước kia ngoài đan lát để phục vụ cuộc sống gia đình, người dân thường đan bem để bán cho người dân tộc Thái. Mỗi chiếc tùy vào mức độ tinh sảo sẽ được bán từ 5 -8 trăm nghìn đồng, có thêm thu nhập những lúc nông nhàn.

 Ông Vũ Văn Thân – Chủ tịch UBND xã Nậm Pì cho biết: Nghề đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Mảng đã có từ lâu đời.  Hiện nay nhằm bảo tồn những nét đẹp văn hóa đặc biệt là nghề đan lát truyền thống của đồng bào Mảng, không bị mai một. Xã vận động người dân tích cực truyền dạy nghề đan lát cho con cháu, thanh thiếu niên thế hệ trẻ của xã… Đồng thời phối hợp với ngành chức năng triển khai tổ chức lớp dạy đan lát cho đồng bào Mảng, để bảo tồn những nét đẹp giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Mảng cho các thế hệ mai sau.

 Anh Nguyễn Văn Đài  - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Ban cho biết: Người dân tộc Mảng ở Nậm Ban cũng thành thạo việc đan lát, trong các sản phẩm đan lát của người dân tộc Mảng thì: nón và cót được bà con sử dựng nhiều nhất và hiện nay bà con vẫn đan hàng ngày để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, những năm gần đây, có nhiều sản phẩm bằng nhựa thay thế cho các vật dụng thủ công nên nghề đan lát cũng bị ảnh hưởng, chỉ có lớp người trung niên và người cao tuổi người Mảng  còn duy trì được nghề đan lát truyền thống.

 Ngày xưa, khi còn nhỏ các thanh niên người Mảng đều được ông cha truyền dạy cho cách đan lát các vật dụng sinh hoạt trong gia đình.  Với đôi bàn tay khéo léo người Mảng trên địa bàn huyện đã tạo ra các sản phẩm như: gùi, nia, rổ, cót, bem, dụng cụ đánh bắt cá và các vật dụng khác phục vụ trong đời sống hằng ngày của đồng bào, cả đàn ông và phụ nữ Mảng đều biết đan lát. Nguyên liệu để đan lát thường sẵn có trên rừng như: tre, nứa, mây... Để tạo ra một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh và có tính thẩm mỹ cao đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất khá nhiều thời gian, đối với những sản phẩm đơn giản cần từ 2-3 ngày, đối với các sản phẩm phức tạp thì  từ 5 - 7 ngày mới đan xong.

 Ngày nay, nghề đan lát truyền thống của người Mảng  trên địa bàn huyện Nậm Nhùn vẫn còn được duy trì, tuy nhiên các sản phẩm công nghiệp với mẫu mã đa dạng, tiện lợi hơn nên các sản phẩm đan lát truyền thống không còn được nhiều người lựa chọn như trước. Những người biết đan lát thường là người lớn tuổi, còn thế hệ trẻ phải làm ăn, ít mặn mà học hỏi nghề này. Do đó, để giữ được nghề ngoài sự quan tâm từ các cấp các ngành thì trong người già biết nghề cần thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, dạy nghề, dạy cách đan lát cho lớp trẻ. Còn đối với thế hệ trẻ người Mảng cần chịu khó học hỏi nghề đan, để góp phần lưu giữ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 Ông Hà Văn Ruệ - Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Nậm Nhùn cho biết: Trong thời gian tới huyện Nậm Nhùn có nhiều giải pháp để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mảng, chúng tôi đã tham mưu cho huyện tổ chức lớp truyền dạy nghề đan lát cho đồng bào DTTS đặc biệt là đồng bào Mảng, bởi gìn giữ nghề thủ công truyền thống cũng là gìn giữ văn hóa dân tộc Mảng không bị mai một theo thời gian.

 

 

 

 

 

Bài và ảnh: Như Vân
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM NHÙN
Chịu trách nhiệm chính: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội.
Địa chỉ: Thị trấn Nậm Nhùn - Huyện Nậm Nhùn.
Điện thoại: 02133. 910.112 - Email: namnhun@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn namnhun.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên wedsite này.

Designed by VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang