Xã Lê Lợi, huyện Nậm
Nhùn có trên 98% đồng bào Thái sinh sống ở 5 bản. Địa bàn cư trú nơi ngã ba
sông gồm: sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, cuộc sống của người dân gắn
liền với sông nước khiến nhiều nét văn hóa dần hình thành và mang đặc trưng
riêng. Trong đó phải kể đến nếp nhà sàn truyền thống; trang phục áo cóm; điệu
múa quạt, múa xòe; làn điệu dân ca, dân vũ và ẩm thực độc đáo… được truyền qua
nhiều thế hệ. Với sự phát triển và giao thoa văn hóa vùng miền, nhiều nét văn
hóa đặc trưng của đồng bào đang có nguy cơ mai một, khiến cấp ủy, chính quyền
xã, những người nặng lòng với văn hóa dân tộc trăn trở.
Giữ
gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các
đoàn thể tăng cường phối hợp với các bản tuyên truyền để nhân dân hiểu về vai
trò, giá trị của văn hóa dân tộc; định hướng giải pháp để lưu giữ, trao truyền.
Duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi
bổ ích, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, huyện Nậm
Nhùn cũng lựa chọn xã Lê Lợi là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống hằng năm.
Những năm gần đây, đồng bào dân tộc Thái đã
thực hiện tổ chức việc cưới, việc tang đảm bảo tiết kiệm, rút ngắn thời gian
nhưng trên tinh thần giữ gìn phong tục truyền thống. Chung sức, đồng lòng xây
dựng bản văn hóa, đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; ngăn
chặn sự truyền bá các loại văn hóa phẩm độc hại; bài trừ mê tín dị đoan, hủ
tục, phòng chống các tệ nạn xã hội ở địa phương.
Chị Lò Thị Chinh ở bản Co Mủn tâm sự: Là người con của đồng bào Thái ở xã Lê
Lợi, tôi luôn tự hào về văn hóa truyền thống. Vậy nên, tôi duy trì mặc áo cóm,
váy, đeo xà tích. Đồng thời, tham gia luyện tập văn nghệ, biểu diễn trong các
sự kiện của bản, của xã; giáo dục các con gìn giữ nét đẹp trong văn hóa dân tộc
mình.
...100% các bản của xã thành lập được đội văn nghệ
Đến thời điểm này, 100% các bản của xã thành lập được đội văn
nghệ; các đội thường xuyên sưu tầm, luyện tập làn điệu dân ca, dân vũ. Nhân dân
các bản duy trì trò chơi dân gian. Trong ngày lễ, tết, xã tổ chức giao lưu văn
nghệ, thể thao giữa các bản và các xã lân cận. Và, Giải đua thuyền đuôi én được
tổ chức tại địa phương cũng quy tụ nhiều đội tham gia và giành nhiều thành tích
ấn tượng; Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ được tổ chức hằng năm giúp quảng bá văn
hóa, du lịch cộng đồng.
Ông Lường Văn Sơn -
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi khẳng định: Hiện, xã đang duy trì hoạt động của 8 đội
văn nghệ xã, bản. Việc bảo tồn văn hóa dân tộc Thái được xã quan tâm thực hiện
và luôn xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, văn hóa
truyền thống là nền tảng tinh thần của người dân. Những người cao tuổi trong đồng
bào Thái vẫn luôn cố gắng truyền dạy tinh hoa nhạc cụ dân tộc, nghi thức tổ chức
tết, lễ cưới hỏi, ma chay cho thế hệ trẻ. Hằng năm, xã tổ chức hoạt động giao
lưu thể thao, văn nghệ. Qua đó, giới thiệu nét đẹp văn hóa; giúp đồng bào Thái
nơi đây thêm tự hào, trân quý để tiếp tục nỗ lực gìn giữ, phát huy.
Cùng với đó, xã Lê Lợi
quan tâm đầu tư, bổ sung thiết chế văn hóa cơ sở, tạo không gian thuận lợi tổ
chức sinh hoạt cộng đồng; rèn luyện thể thao, luyện tập văn nghệ. Hiện tại, tất
cả các bản đã có nhà văn hóa đảm bảo quy mô, công năng sử dụng. Hủ tục trong việc
cưới, việc tang và lễ hội dần được xóa bỏ. Năm 2024, trên 85% số bản và hộ gia
đình đạt danh hiệu văn hóa.