Ở huyện biên giới Nậm Nhùn, nơi duy nhất có dân tộc Cống là bản Táng Ngá,
xã Nậm Chà. Trải qua lịch sử du canh, du cư nhiều thế hệ và ổn định cuộc sống
như hiện nay, dân tộc Cống vẫn giữ được những nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc
mình. Văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy đã tạo nên sự đa dạng trong đời
sống văn hóa trên địa bàn toàn huyện.
Bên dòng Sông Đà hùng vĩ đã có nhiều
dân tộc chọn làm nơi định canh, định cư để ổn định đời sống như dân tộc Thái, Khơ
Mú, Mảng…và dân tộc Cống cũng là một trong số đó. Nếu như trước kia, người Cống
vẫn giữ thói quen du canh, du cư thì hiện bà con đã từ bỏ thói quen này mà ổn
định cuộc sống. Bản Táng Ngá, xã Nậm Chà là nơi duy nhất ở huyện Nậm Nhùn có
dân tộc Cống sinh sống với 101 hộ, 503 nhân khẩu. Cùng với việc phát triển kinh
tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương trong
nhiều năm qua cũng đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa
dân tộc Cống. Ý thức tự bảo tồn, bảo vệ các giá trị văn hóa trong chính cộng
đồng cũng không ngừng được nâng lên. Nói đến những nét văn hóa đặc sắc của dân
tộc Cống có thể kể đến như: Nhà ở, trang phục, lễ hội, ẩm thực, các nghi lễ
trong việc cưới, tang …của đồng bào.
Nhà ở của dân tộc Cống được làm bằng
gỗ rừng tự nhiên, thường là nhà sàn với thiết kế giống như nhà của dân tộc
Thái. Tuy nhiên chỉ để một cửa đi vào ở chính giữa ngôi nhà chứ không có cửa ở
hai bên giống như dân tộc Thái. Trước khi làm nhà, gia chủ phải chọn được thế đất
đẹp hướng nhìn ra khe núi hoặc sông, suối bởi nhà không chỉ là nơi ở mà còn gắn
với tìn ngưỡng, niềm tin của đồng bào. Nhà thường được làm ba hay bốn gian tùy
thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Trong đó quy định gian giữa để
tiếp khách và nơi ngủ của khách, các gian khác là nơi ngủ của bố mẹ, con cái
được ngăn với nhau bằng phên làm bằng tre, nứa. Bữa ăn hàng ngày của dân tộc
Cống chủ yếu là cơm tẻ hay cơm nếp, cùng với các loại thịt, rau giống như các
dân tộc khác trên địa bàn. Ngoài ra, cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, các món
ăn của dân tộc Cống cũng xuất phát từ tự nhiên. Những ngày lễ, tết mầm cơm cúng
tổ tiên phải đầy đủ các món gồm có thit lợn, xôi, gà để nguyên con, bánh ngô và
rượu. Đến với bản Táng Ngá, xã Nậm Chà mọi người còn được thưởng thức món măng
rừng khô, cua đá và đặc biệt là món ốc đá nổi tiếng mà chỉ có ở bản. Trong đó
món ngon nhất là cá nướng, tùy vào kích thước cá bắt được, nếu cá to sẽ mổ bụng
rồi cho xả, ớt, rau thơm băm nhỏ cùng một số loại lá cây rừng nướng trên than
củi.

Nghi lễ cúng của dân tộc Cống trong ngày tết Mìn
Lóong Phạt ở bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn.
Nói đến văn
hóa dân tộc Cống không thể không nói đến trang phục của đồng bào, Trang phục
truyền thống của nam giới khá đơn giản, sử dụng chủ yếu là màu chàm đen, cạp
quần thắt bằng dây rút, ống quần rộng thẳng đứng, áo không có cổ và bó sát
thân, cúc được thắt bằng nút vải. Trang phục truyền thống của phụ nữ cầu kỳ
hơn, đặc trưng bởi kiểu áo thân bó sát eo, cổ tròn có xẻ ngực. Ống tay áo được
trang trí khá đặc biệt, bao gồm các mảng màu xanh, đỏ, vàng, trắng được xếp xen
kẽ kết hợp với những đường chỉ thêu họa tiết độc đáo. Váy thường có màu đỏ hoặc
đen dài đến mắt cá chân. Đối vói người Cống ở Điện Biên có tổ chức Tết Hoa; ở
các xã Nậm Khao, Can Hồ của huyện Mường Tè có Tết Ngô thì người Cống ở bản Táng
Ngá, xã Nậm Chà có tết Mìn Lóong Phạt được tổ chức vào tháng 11 hàng năm. Trong
ngày tết, thứ không thể thiếu đó chính là hoa Mìn Lóong Phạt mà theo quan niệm
của người dân sẽ đem lại rài lộc, may mắn cho bản làng. Tết được tổ chức sau
khi bà con đã thu hết thóc, ngô trên nương về nhà, chào đón một năm bội thu và
tạ ơn tổ tiên đã ban sức khỏe cho người dân trong bản. Các lễ vật người dân
dâng lên cúng đều là các nông sản sẵn có như khoai sọ, bánh chưng, xôi, cá
suối, gà, rượu... Tất cả các đồ lễ này đều được sắp theo đôi bởi theo quan niệm
thì cái gì cũng phải có đôi, có cặp mới sinh sôi, phát triển được. Bên bàn
cúng, người dân còn để những dụng cụ lao động như lưỡi dao, lưỡi liềm bởi với
họ có những vật dụng này thì lúa, ngô mới về được đến bản. Thực hiện lễ cúng là
một thầy mo trong cộng đồng và phải là người có tuổi, có uy tín được bà con tín
nhiệm.
Ông Lý Văn
Chém, trưởng bản Táng Ngá cho biết: Văn hóa dân tộc Cống rất đa dạng, phong phú
không chỉ thể hiện qua nếp nhà, ẩm thực mà còn trong cả các làn điệu dân ca, ca
dao được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Bà con hiện nay không chỉ lo phát
triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn nỗ lực bảo tồn văn hóa của riêng mình.
Bản cũng đã thành lập được đội văn nghệ với hơn 20 thành viên thường xuyên tham
gia, tổ chức các hoạt động giao lưu trong và ngoài xã.
Nói đến văn
hóa dân tộc Công không thể không nhắc đến các thủ tục trong lễ cưới, hỏi, ở rể.
Nam
nữ được tự do tìm hiểu nhau và thực hiện nguyên tắc một vợ một chồng, cấm hôn
nhân với những người cùng họ hàng. Lễ cưới của người Cống hay còn được gọi là “ăng mì
tồ ế”. Nhà trai mang lễ
sang nhà gái đón dâu, chú rể sẽ bê mâm lễ gồm lợn, 9 đôi cá, 1 con gà, rượu,
bạc trắng. Nhà gái sau khi giao nhận lễ vật sẽ đi mổ lợn rồi bói gan lợn xem
vận mệnh của đôi vợ chồng trẻ. Những lễ vật khác nhà trai mang đến được đưa vào
gian thờ, sau khi nhà gái mổ lợn xong sẽ đáp lại lễ cho nhà trai bằng một đùi
lợn. Đối với dân tộc Cống, họ cũng thực hiện tục ở rể giống dân tộc Thái và sau
thời gian ở rể mới tiến hành lễ ăn hỏi, làm lễ cưới chính thức.
Ông Vũ Tiến Hóa-Phó Chủ tịch UBND
huyện Nậm Nhùn cho biết: Là dân tộc ít người nhất trên địa bàn, song dân tộc
Cống đã có những nỗ lực của riêng mình trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
bên cạnh sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong thời gian tới, chúng
tôi sẽ tiếp tục có những hỗ trợ để bà con có thể giàn giữ, phát huy được các
giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, không chỉ trong dân tộc Cống mà có cả các
dân tộc khác trên địa bàn. Mục tiêu hướng tới tương lai có thể phát triển du
lịch văn hóa cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Nậm Nhùn.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới
những nét đệp, đặc sắc trong văn hóa dân tộc Cống sẽ tiếp tục được bảo tồn,
phát huy giúp cho đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Cống nói riêng và Nhân
dân các dân tộc trên địa bàn ngày càng đa dạng, phong phú.