Phát huy giá trị lịch sử Đền thờ Vua Lê Thái Tổ – Động lực phát triển du lịch Nậm Nhùn
Những năm qua, Đền thờ Vua Lê Thái Tổ (xã Lê Lợi,
huyện Nậm Nhùn) là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh
đến tham quan. Bởi nơi đây không chỉ là chốn linh thiêng, lưu bút tích của vị
anh hùng dân tộc Vua Lê Lợi mà không gian thật bình yên, khung cảnh nên thơ trữ
tình, có núi, có sông bốn mùa xanh mát. Đền thờ là tài sản vô giá, tiềm năng, động
lực để huyện Nậm Nhùn khai thác giá trị thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở địa
phương.
Tại quần thể “Địa
điểm lưu niệm Vua Lê Thái Tổ” - di tích lịch sử-văn hoá quốc gia, đông đảo du
khách thập phương đã hội tụ về đây với niềm vui phấn khởi, lòng tự hào dân tộc. Theo sử sách ghi lại, tháng Chạp năm Tân Hợi
(1431), sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường quay trở về qua địa phận xã
Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (ngày nay), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc bài văn bia
vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ sông Đà (gọi là Bia cổ Hoài Lai) để răn dạy các
tù trưởng cai quản nơi biên giới của Tổ quốc và khẳng định chủ quyền, thống nhất
quốc gia. Toàn văn bia được tạc khắc bằng chữ Hán, trong khuôn khổ hình chữ nhật
có kích thước 1,4m x 0,8m, viết theo chữ khải chân gồm 132 chữ. Nội dung văn
bia được dịch nghĩa: “Nỗi lo di địch nơi biên cương đã có từ xưa. Đời nhà Hán
đã có bọn Hung Nô, đời nhà Đường thì rợ Đột Quyết, các rợ man ở vùng Mường Lễ
nước Việt ta cũng vậy. Mới đây, do chính sự nhà Trần, nhà Hồ suy yếu, bầy tôi ở
nơi phên dậu trở nên ương ngạnh, Cát Hãn nhờn theo thói cũ không chịu thay đổi.
Nay ta đem quân đi chinh phạt, thủy bộ cùng tiến, chỉ một trận đã dẹp yên được.
Nhân đây làm một bài thơ khắc vào đá để răn các tù trưởng rợ Man ngang ngạnh với
giáo hóa sau này”.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ được tỉnh Lai Châu và huyện Nậm Nhùn tổ chức thường niên hàng năm.
Bia Lê Lợi được xếp
hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 10/VH-QĐ, ngày 02/9/1981 thuộc
danh mục số 185 của Bộ Văn hóa; là tài sản vô giá, liên quan đến sự kiện lịch
sử trọng đại của đất nước, đến sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, là tác
phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, nhân văn...
Năm 2005, Nhà máy thủy
điện Sơn La khởi công. Để bảo tồn giá trị của di sản Bia Lê Lợi, phần bút tích
văn bia đã được khoan cắt ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ di dời đến khuôn viên đền
thờ vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500m vào năm 2012. Từ đó, hình thành nên quần
thể “Địa điểm lưu niệm Đền thờ Vua Lê Thái Tổ thuộc địa phận 2 xã: Lê Lợi,
Pú Đao có diện tích khoảng 2,4ha, bao gồm một số hạng mục được bố cục trên mặt
bằng tổng thể với tổng diện tích khoảng 500m2. Mở đầu cụm kiến trúc là Cổng tam
quan; qua Nghi môn là khoảng sân - nơi đặt di tích Bia Vua Lê Thái Tổ; và phía
sau là ngôi Đền thờ. Ngày 22/12/2016, Bia Lê Lợi chính thức được Thủ tướng
Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg. Ngày
23/01/2017, Đền thờ Vua Lê Thái Tổ cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 218/QĐ-BVHTTDL.
Phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của Đền
thờ Vua Lê Thái Tổ những năm qua, huyện Nậm Nhùn đã triển khai đồng bộ nhiều giải
pháp vừa bảo tồn, gìn giữ vừa khai thác để thúc đẩy phát triển du lịch ở địa
phương. Trong đó, đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá quần thể “Địa điểm lưu niệm
Đền thờ Vua Lê Thái Tổ" trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng
mạng xã hội. Duy trì tổ chức Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ vào dịp đầu xuân năm
mới hàng năm hướng đến xây dựng Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch, văn hoá hấp
dẫn ở địa phương.
Quang cảnh tại Đền thờ Vua Lê Thái Tổ vào những ngày đầu năm mới.
Cùng với đó, huyện tăng
cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là 2 xã
Lê Lợi, Pú Đao nêu cao tinh thần, trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ giá trị lịch sử,
văn hoá của Đền thờ Vua Lê Thái Tổ gắn với phát triển du lịch theo hướng
văn minh, thân thiện. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có
uy tín, người am hiểu lịch sử Văn Bia, Đền thờ để tuyên truyền, giáo dục cho
người dân, du khách, nhất là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, cội nguồn dân tộc.
Mặc dù đã 82 tuổi, thế
nhưng ông Vũ Phong Oanh - Thủ nhang Đền thờ Vua Lê Thái Tổ hàng ngày vẫn cần
mẫn làm công việc của mình, từ thắp nhang, khấn bái, cầu tự đến sắp xếp đồ đạc,
giữ vệ sinh Đền sạch sẽ, sáng xanh. Đặc biệt, mỗi người dân hay du khách đến
đây, ông đều giới thiệu đầy đủ về quá trình hình thành Bia Lê Lợi, công lao của
vị Vua “vì nước, vì dân”. Ông tự nhận rằng, việc giáo dục truyền thống, lòng
yêu nước cho mỗi người khi đến với Đền thờ là trách nhiệm cũng là niềm tự hào
của bản thân trong suốt hơn 15 năm qua.
Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Nậm Nhùn
có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như: đỉnh núi Pú Đao - "nơi ngắm mặt trời
mọc/lặn đẹp nhất Đông Nam Á"; “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ ở xã Mường Mô; công
trình trọng điểm quốc gia Nhà máy thuỷ điện Lai Châu; lòng hồ thuỷ điện Sơn La
- Lai Châu rộng lớn. Đặc biệt, di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Địa điểm lưu
niệm Đền thờ Vua Lê Thái Tổ, nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia duy nhất của tỉnh
Lai Châu (Bia Lê Lợi). Năm 2024, toàn huyện đón hơn 16.580 lượt khách du lịch đến
tham quan, trải nghiệm lễ hội, các hoạt động văn hoá, thể thao tại các xã, thị
trấn trên địa bàn. Ước tính riêng Đền thờ Vua Lê Thái Tổ, hàng năm đón trên
10.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, chiêm bái, nhất là vào dịp
Lễ hội đầu năm đón hàng nghìn lượt người từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Xác định di tích quốc gia Đền thờ Vua Lê Thái Tổ
là động lực để huyện thúc đẩy phát triển ngành du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch
hấp dẫn riêng có của tỉnh, thời gian tới huyện Nậm Nhùn tiếp tục quan tâm bảo tồn;
tu sửa các hạng mục công trình trong quần thể “Địa điểm lưu niệm”; tổ chức nhiều
hoạt động trong Lễ hội thu hút hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm và
bày tỏ lòng thành kính trước vị Vua anh hùng Lê Lợi.