Dân
tộc Mảng là 1 trong 16 dân tộc rất ít người tại Việt Nam. Cộng đồng người Mảng
sinh sống ở thượng nguồn sông Đà thuộc tỉnh Lai Châu trong đó cư trú tập trung
chủ yếu tại huyện Nậm Nhùn, với dân số khoảng 4.000 người. Trong những năm gần
đây, nhiều nữ đảng viên người dân tộc Mảng đã tham gia làm lãnh đạo cấp ủy Đảng,
chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở khu vực biên giới. Những nữ đảng viên này
đã không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân cả về trình độ chuyên môn, năng lực
thực hiện nhiệm vụ, phát huy tốt vai trò trên các mặt công tác. Đảng viên nữ đồng bào dân tộc
Mảng đã thực sự là những “nữ tướng” trong thời kỳ đổi mới, không chỉ xây dựng tổ
chức đảng mà còn góp sức quan trọng trong các hoạt động, phong trào thi đua tại
cơ sở, lan tỏa, thúc đẩy phụ nữ vùng cao ngày càng tiến bộ.
Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu được coi là quê hương của người
dân tộc Mảng. Từ xa xưa người Mảng sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, chăn thả ra
súc tự do, quy mô nhỏ lẻ. Tập quán lao động sản xuất dựa theo tự nhiên nên người
Mảng đặc biệt tôn sùng mặt trời như vị thần. Văn hóa dân tộc Mảng coi thần mặt
trời là vị tối cao quyết định mọi điều xấu tốt, hành xử trong vận mệnh của họ.
Cũng giống như vậy, người đàn ông trong gia đình người Mảng như vị thần tối cao,
có quyền sở hữu đất đai có quyền quyết định vận mệnh của phụ nữ, trẻ em gái
trong tộc. Chị Phìn Thị Với ở Bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai
Châu chia sẻ: Ngày xưa phụ nữ đồng bào ở đây không được coi trọng nhiều, một phần
cũng bởi nhiều hủ tục lạc hậu, xen kẽ đấy nữa là nhận thức của chị em còn nhiều
hạn chế.
Từng có thời gian dài, những người phụ nữ Mảng tin rằng chồng
có quyền đánh đập tra tấn vợ bởi những lý do như: vợ ra ngoài không xin phép, vợ
bỏ bê con cái, vợ cãi lại chồng.... Để thay đổi quan niệm này, liên tục trong
năm qua Bí thư Chi bộ bản Nậm Ô, xã Nậm Ban Chìn Me Long đã tổ chức biết bao buổi
tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quyền con người về luật bình đẳng
giới đến với bà con trong bản. Chừng ấy thời gian bà cũng không thể nhớ được là
mình đã đi vào từng hộ dân biết bao nhiêu lượt để cố gắng giảng giải cho mỗi
người đàn ông Mảng hiểu về vai trò trách nhiệm của mình. Những điều đàn ông được
phép không được phép trong cư xử với phụ nữ ở gia đình. Những người phụ nữ cũng
được giải thích để hiểu rằng pháp luật Việt Nam, các cơ quan đoàn thể các tổ chức
hội luôn tôn trọng lắng nghe bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái. Những buổi gặp mặt
tuyên truyền sinh hoạt nói chuyện như thế đã dần dần thay đổi nhận thức giúp bà
con đồng bào Mảng nhận thức rõ được vai trò, quyền nghĩa vụ của nam nữ để việc
phân công lao động giải quyết các mối quan hệ trong gia đình ngày càng tốt hơn.
Ông Lý Văn Thậm, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu
nói: Trước kia công tác bình đẳng giới trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, đặc
biệt là còn xảy ra nhiều vấn đề tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số. Những
năm qua cấp ủy chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên
môn cùng nhau vào cuộc, cho đến nay thì đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Quang cảnh bản Nậm Ô, xã Nậm Ban hôm nay.
Có lẽ đến bây giờ, đồng bào dân tộc Mảng ở bản Nậm Ô, xã Nậm
Ban, huyện Nậm Nhùn vẫn chưa thể quên được những gì đã diễn ra trong quá khứ của
họ. Đây là địa phương đã quá nổi tiếng trên cả nước với những câu nói “Hot
Trend” gây sốt cộng đồng như “một lít mới tỉnh” hay “không có rượu thì buồn
nôn”. Chính với những câu nói nổi tiếng đó, mà bản Nậm Ô được người ta ví cho
cái tên là “bản nát rượu”. Vì ở đó, dưới những nếp nhà gỗ chực chờ đổ ụp, đàn
ông uống rượu thay cơm, thâu đêm suốt sáng, đàn bà sụt sùi khóc vì bất lực, con
trẻ thì nheo nhóc, tất cả những hình ảnh đó khiến cho khung cảnh bản làng trở
nên nhếch nhác, đói nghèo. Cả bản nghèo dường như chìm trong men rượu. Quẩn
quanh chỉ là những ánh mắt đờ đẫn, không còn sức sống. Những người đàn ông vốn
là trụ cột gia đình trở nên thân tàn ma dại...
Ẩn sâu bên trong vẻ xanh thẳm, trùng điệp của đại ngàn ấy là
những "vết thương" vẫn còn đau âm ỉ dưới những mái nhà nơi đồng bào
dân tộc Mảng sinh sống. Xót xa khi thấy đồng bào mình chìm đắm trong “men rượu”
cùng đói nghèo đeo bám, trên cương vị là một bí thư Chi bộ, biết bao đêm bà
Chìn Me Long không ngủ với suy nghĩ một điều rằng “Bằng mọi cách phải thay đổi
nhận thức của người dân…”
Hàng đêm nữ Bí thư Chi bộ Chìn Me Long lại đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn
bà con phát triển kinh tế.
Ngày qua ngày, sau những buổi lên nương, khi đại ngàn biên
giới được bao trùm bởi màn sương đêm thì người nữ Bí thư chi bộ ấy lại đến từng
ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động để bà con bỏ rượu. Không chỉ vậy, bí
thư Chi bộ Chìn Me Long còn giải thích cho bà con mình hiểu rõ chính sách chăm
lo đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào
dân tộc thiểu thiểu số nói chung và dân tộc Mảng nói riêng... Mưa dầm thấm lâu,
mọi sự cố gắng nỗ lực của bà đã được đền đáp. Nhớ lại những tháng ngày ấy, Bí
thư Chi bộ Chìn Me Long chia sẻ: Trước kia bà con đồng bào dân tộc Mảng hay uống
rượu và không chịu làm ăn nên cái đói, cái nghèo vẫn xảy ra liên miên. Qua
tuyên truyền bà con nhận thất tác hại của rượu giờ bà con cũng hạn chế uống và
dành nhiều thời gian hơn trong phát triển kinh tế gia đình.
Là một trong những người đã từng quá nổi tiếng với những
hình ảnh gây bão cộng đồng mạng về những hệ lụy của rượu. Nghĩ lại, anh Chìn A
Chăn không thể nào quên được những tháng ngày tăm tối mà mình đã trải qua trong
quá khứ. Khi được Bí thư Chi bộ Chìn Me Long tuyên truyền, giải thích. Đồng thời
cũng được thụ hưởng từ những chính sách quan tâm đặc thù như Quyết định số 1672
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội
vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao" và các nghị quyết đúng đắn của
tỉnh Lai Châu như: Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách
về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025 anh Chăn đã mạnh
dạn đăng ký phát triển chăn nuôi gia súc tập trung. Đến nay gia đình anh đã xây
dựng được đàn chăn nuôi gia súc với quy mô từ 15 đến 20 con. Bên cạnh đó tận dụng
các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh Lai Châu quy đinh chính
sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2025, anh cũng đã đăng ký trồng
thêm hơn 2 ha diện tích cây quế nhờ đó mà cuộc sống gia đình anh đã thay đổi
nhiều so với trước. Hiện nay anh Chăn đang là một trong những hộ gia đình đi đầu
của bản trong phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng quế, trồng nghệ và
chăn nuôi gia súc. Để có được kết quả đó, không chỉ gia đình anh Chăn mà 72 hộ
dân đồng bào dân tộc Mảng ở bản Nậm Ô này ai cũng tin và biết ơn nữ Bí thư Chi
bộ Chìn Me Long, vì bà đã là người tiên phong giúp “hồi sinh” mảnh đất này. Anh
Chăn phấn khởi bày tỏ: Ngày xưa tôi cũng hay uống nhiều, nhưng được cán bộ thường
xuyên đến tuyên truyền về tác hại của rượu nên bản thân tôi cũng đã nhận ra và
đã bỏ rượu để tập trung vào phát triển kinh tế. Đến nay gia đình tôi cũng đã trồng
được quế, trồng nghệ, trồng sắn và tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc,
bây giờ thì cuộc sống khá rồi.
Theo lẽ thường, khi tưởng tượng về cuộc sống của phụ nữ dân
tộc thiểu số người ta thường hình dung về những phận đời lam lũ trong đói
nghèo, mù chữ là nạn nhân của tảo hôn, bạo hành gia đình. Nhưng trái với những
suy nghĩ đó, nữ Bí thư Chi bộ Chìn Me Long lại là hình ảnh tiêu biểu của người
phụ nữ dân tộc thiểu số của thời kỳ hiện đại. Nữ Bí thư Chi bộ bản Nậm Ô Chìn
Me Long luôn thể hiện là đầu tàu gương mẫu và là nữ tướng rất năng động trong
xây dựng bản Nậm Ô ngày càng phát triển và văn minh. Tự tin, mạnh mẽ, quyết
đoán và có uy tín trong cộng đồng của mình. Nói về nữ tướng, nữ bí thư Chi bộ
gương mẫu Chìn Me Long, chị Phìn Thị Với, Bản Nậm Ô nhận xét: Đồng chí Bí thư
Chi bộ Chìn Me Long là một tấm gương sáng để mỗi Đảng viên và quần chúng nhân
dân học tập, noi theo. Không chỉ giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà.
Nhiều năm về trước khi các con còn nhỏ, gia đình Bí thư Chi
bộ Chìn Me Long cũng là một trong những hộ nghèo nhất của bản. Mọi thu nhập của
gia đình chỉ dựa vào mấy nương ngô, sắn quanh năm thường không đủ ăn. Sợ chết,
sợ đói, sợ không có tiền nuôi con ăn học, suy nghĩ lại những điều cán bộ huyện,
xã vẫn dạy dân bản. Bí thư Chi bộ Chìn Me Long ý thức rằng phụ nữ phải có kinh
tế thì mới có thể thay đổi vận mệnh cuộc đời mình. Với thuận lợi hiểu biết tiếng
phổ thông, sẵn bản tính ham học hỏi bà bắt đầu chịu khó quan sát làm theo những
điều cán bộ dạy. Sau khi được các đồng chí cán bộ huyện, xã định hướng giúp đỡ
gia đình phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi bò vỗ béo quay vòng vốn, bà động
viên chồng cùng mình chăm chỉ chịu khó áp dụng các kỹ thuật nuôi do cán bộ hướng
dẫn. Nhờ vậy, bà đã phát triển nhân rộng số lượng đàn bò qua các năm đem lại
kinh tế ổn định cho gia đình. Không chỉ nỗ lực học hỏi thoát nghèo đồng chí
Chìn Me Long còn đem những kinh nghiệm mà mình tích lũy học hỏi được để chỉ dạy
cho con dâu của mình, cho các chị em phụ nữ trong bản, trong xã. Nhiều chị em
phụ nữ đã không ngừng nỗ lực vươn lên tự tin sáng tạo đoàn kết chủ động phát
huy nội lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo làm
giàu chính đáng mang đến cho Nậm Ban hôm nay những diện mạo mới. Vui mừng trước
những đổi thay của gia đình và của dân bản Chị Tào Me Lình, con dâu Bí thư Chi
bộ Chìn Me Long cho hay: Tôi thường được mẹ tôi chỉ dạy cho cách làm ăn phát
triển kinh tế. Từ lúc được về làm dâu trong gia đình, tôi cũng đã học được mẹ
chồng tôi rất nhiều điều.
Hình ảnh nữ Bí thư Chi bộ Chìn Me Long ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn.
Hình ảnh về một người phụ nữ trong sắc phục dân tộc Mảng
nhanh nhẹn, tháo vát khiến cho bất kỳ ai cũng đều ấn tượng khi được tiếp xúc. Bởi
lẽ vậy mà khi chúng tôi có dịp đến Nậm Ô, phải ngồi chờ vài tiếng mới gặp được
bà, vì bà đang phải tất bật cho buổi sinh hoạt định kỳ của chi bộ bản bàn về nội
dung phân công đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo trong bản phát triển kinh tế.
Dưới sự chủ trì của bí thư chi bộ Chìn Me Long buổi sinh hoạt
diễn ra nhanh gọn, đúng quy định và không kém phần sôi nổi. Đặc biệt tại phần
thảo luận dưới sự gợi ý của Bí thư Chi bộ các Đảng viên rất tích cực phát biểu
ý kiến để xây dựng phương hướng nhiệm vụ trong tháng tới. Chia sẻ về những chức
trách, nhiệm vụ của mình Bí thư Chi bộ Chìn Me Long bày tỏ thêm: Dù biết công
việc vất vả nhưng được Đảng và Nhà nước giao phó thì bản thân tôi vẫn cố gắng hết
mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Với vai trò của mình, trong quá trình đi tuyên truyền, vận
động bà con, Bí thư Chi bộ Chìn Me Long lại chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương
tâm. Bà đã nhận ra rằng cần phải dạy cho bà con đặc biệt là dân tộc Mảng biết đọc,
biết viết. Bởi mù chữ là nguyên nhân chính trong việc hạn chế tiếng nói của dân
tộc mình, đó cũng là nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu. Vì vậy, suốt những năm
qua, Bí thư Chi bộ Chìn Me Long đã phối hợp cùng các cán bộ, chiến sĩ biên
phòng đóng chân trên địa bàn vận động bà con tham gia đầy đủ các lớp xóa mù chữ,
kết hợp dạy phát triển kinh tế để từng bước giúp bà con tự tin khẳng định mình
nâng cao hơn vị thế của mình trong cộng đồng các dân tộc. Thiếu tá Bùi Văn
Hoàn, Cán bộ Quân nhân Chuyên nghiệp Đồn Biên phòng Hua Bum, Phó Bí thư Đảng ủy
xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết thêm: Thời gian qua chúng
tôi cũng thường xuyên phối kết hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, bí thư,
trưởng bản tại các bản để xuống từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn bà con,
dạy chữ cho bà con. Qua đó đã từng bước nâng cao được nhận thức cho người dân,
đặc biệt là các chị em phụ nữ.
Về bản Nậm Ô hôm nay không còn nhìn thấy dáng vẻ của một “bản
nát rượu” hay hình ảnh về những người phụ nữ bị bạo hành cùng những hủ tục, lạc
hậu và đói nghèo. Mà ở đó chỉ thấy hình ảnh một vùng quê ấm no, giầu đẹp. Vượt
qua định kiến về giới, cùng vô vàn khó khăn đặc thù của miền núi, thời gian qua
nhiều chị em đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã vinh dự được kết nạp
Đảng. Các chị đã và đang phát huy rất tốt vai trò của mình tại cơ sở. Không ít đảng
viên nữ người DTTS như nữ Bí thư Chi bộ người dân tộc Mảng Chìn Me Long còn trở
thành đầu tàu, “nữ tướng” ở vùng cao, biên giới. Bản thân họ chính là những tấm
gương sáng cho phụ nữ các dân tộc học tập, phấn đấu, vươn lên.