Quyết tâm, quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy tinh-gọn-mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
“Sắp
xếp lại để phục vụ tốt hơn” – đó là thông điệp xuyên suốt từ những cải cách mạnh
mẽ trong tổ chức bộ máy hành chính mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành. Trong
tình hình mới, “kỷ nguyên mới”, việc tinh gọn bộ máy không chỉ thể hiện tư duy
quản trị hiện đại, mà còn khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng luôn
đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu.
- Giảm 60-70% đơn vị hành chính
cấp xã: Một bước cải cách chưa từng có
Từ năm 2019 đến nay, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã,
cấp huyện đã được triển khai quyết liệt. Kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả rõ
rệt: hơn 1.000 xã được sáp nhập, hàng chục huyện được điều chỉnh, hàng chục
nghìn biên chế được tinh giản, ngân sách tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng
quan trọng hơn cả là hiệu ứng tích cực: Bộ máy tinh gọn hơn, quản lý chặt chẽ
hơn, phục vụ người dân tốt hơn. Trong Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án
sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức
chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ đã hướng dẫn các địa phương về phương
án tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Trên cơ sở định hướng của Bộ Chính
trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025, Kết luận số
130-KL/TW, ngày 14/3/2025, Kết luận số 137-KL/TW, ngày 28/3/2025 và Nghị quyết
số 60-NQ/TW thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XIII, Chính phủ đã nghiên cứu, hoàn thiện kỹ lưỡng, đa chiều với tư duy
đổi mới, từ đó đề xuất các nguyên tắc trong tổ chức sắp xếp, tổ chức lại các
đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thành các đơn vị hành chính cấp xã mới. Đề án
nêu rõ, tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng
60-70% so với số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay trên địa bàn tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thông qua việc sáp nhập những xã không đạt tiêu
chuẩn về diện tích, dân số và hiệu quả quản lý. Việc giảm mạnh số lượng đơn vị
hành chính cấp xã, với mục tiêu cắt giảm 60-70% tổng số xã hiện có, là một bước
đi quyết liệt, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hành chính Việt Nam. Đây
không chỉ là con số khô khan mà là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm cải
cách toàn diện bộ máy chính quyền cấp cơ sở. Thực tiễn cho thấy, nhiều xã hiện
nay có quy mô dân số nhỏ, nguồn lực phân tán, cán bộ dàn trải, hạ tầng hành
chính chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả quản trị thấp, người dân tiếp cận dịch vụ
công còn hạn chế. Việc sáp nhập, tái tổ chức lại hệ thống xã, phường không làm
mất đi sự quản lý của chính quyền, mà tăng cường sức mạnh thực chất cho chính
quyền cấp xã: Ít nhưng mạnh, gọn nhưng tinh, gần dân và hiệu quả hơn. Tinh gọn
bộ máy không có nghĩa là giản lược cơ học, cào bằng hay cắt giảm một cách máy
móc. Đó là quá trình sắp xếp lại tổ chức, chức năng, nhiệm vụ một cách khoa
học, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương, đơn vị, đảm bảo
không làm gián đoạn công việc mà còn nâng cao chất lượng phục vụ; mỗi xã,
phường sau sáp nhập có điều kiện đầu tư tốt hơn, cán bộ chuyên sâu hơn, dịch vụ
hành chính công hiện đại hơn và gần dân hơn.
- Kết thúc hoạt động của đơn vị hành
chính cấp huyện: Chủ trương, quyết tâm, hành động đột phá giai đoạn mới.
Song song với việc tinh gọn cấp xã, một chủ trương, quyết tâm
chính trị, hành động đột phá mang tính cách mạng đang được triển khai thực hiện:
Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện. Mục tiêu là xóa bỏ tầng nấc
trung gian, giảm thiểu phân tán nguồn lực, giảm hiệu suất điều hành và làm chậm
quá trình ra quyết định. Trong bối cảnh đổi mới toàn diện hệ thống chính trị,
việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện không chỉ là một lựa
chọn về mô hình tổ chức mà còn là một bước đi có tính chiến lược, thể hiện
quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản trị nhà nước, xuất phát từ thực tiễn nhiều địa phương đang gặp
khó khăn trong bố trí cán bộ, ngân sách phân tán, hiệu quả điều hành không đồng
đều. Cấp huyện - vốn là trung gian giữa tỉnh và xã - trong nhiều trường hợp đã
trở thành điểm nghẽn, làm chậm quá trình đưa chính sách đến với người dân. Khi
công nghệ số phát triển, quản lý trực tuyến được chuẩn hóa, vai trò “trung
chuyển” về mặt hành chính không còn cần thiết như trước. Theo đó, mô hình tổ
chức hành chính mới (chính quyền 2 cấp) sẽ chuyển việc quản lý trực tiếp từ cấp
tỉnh xuống cấp xã, phường với sự hỗ trợ của công nghệ, chuyển đổi số và hạ tầng
dữ liệu hiện đại.
- Dám nghĩ,
dám làm vì một bộ máy hiện đại
Giảm hàng chục nghìn đơn vị hành chính, xóa bỏ cấp huyện sẽ
không tránh khỏi tâm lý lo lắng của một bộ phận cán bộ, thậm chí có thể có xáo
trộn ban đầu. Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, việc tinh gọn
bộ máy không đơn thuần là cải cách hành chính, mà là thể hiện tư tưởng chính
trị tiến bộ, vì Nhân dân và kỷ luật, kỷ cương công vụ. Quyết tâm tinh gọn bộ
máy thể hiện rõ quan điểm xuyên suốt của Đảng đó là: Đổi mới không phải để giảm
người mà để tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; không phải để ít việc mà để
phục vụ người dân tốt hơn. Đó cũng là biểu hiện rõ nét của năng lực “tự chỉnh
đốn” - nền tảng tư tưởng vững chắc để Đảng ta trong vai trò lãnh đạo. Chỉ có
một bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại mới có thể đồng
hành cùng một dân tộc năng động, đổi mới và đầy khát vọng tiến vào “kỷ nguyên
mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Những quyết sách lớn ấy cần được thực hiện bằng quyết tâm
chính trị, sự đồng thuận của xã hội và sự đồng hành của Nhân dân. Có như vậy,
nền hành chính mới thực sự trở thành nền tảng vững chắc để xây dựng “Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả” như Văn kiện
Đại hội XIII của Đảng đã xác định.