Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số huyện Nậm Nhùn được đầu tư cơ bản
Từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi và các công trình phúc lợi… đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân tộc thiểu số tại huyện biên giới Nậm Nhùn.
Nậm
Nhùn là huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu, tỷ lệ hộ nghèo,
cận nghèo lên đến hơn 50%, đời sống của nhân dân khó khăn, cơ sở vật chất, hạ
tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân còn thiếu thốn. Huyện có 10 xã, và 1
thị trấn; trong đó có 7 xã khu vực III, 4 xã thị trấn khu vực I với 69 bản, tổ
dân phố cùng 11 dân tộc sinh sống. Việc triển khai thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021 – 2025; chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình 30a
cũng như việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ cho việc đi lại
sản xuất của người dân được quan tâm thực hiện góp phần làm thay đổi bộ mặt
nông thôn ở huyện biên giới Nậm Nhùn.
Đến
nay, các hạng mục xây dựng hạ tầng thiết yếu ở Nậm Nhùn được quan tâm đầu tư
gồm: xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất,
kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất,
kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh
hoạt cộng đồng, trường, lớp học đạt chuẩn. Làm mới và cải tạo các công trình
thủy lợi. Ngoài ra, đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm các xã, ưu tiên đối với
các xã chưa có đường được cứng hóa, và các tuyến đường liên xã. Đầu tư nâng
cấp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị trọng điểm kết nối
các xã đặc biệt khó khăn trên cùng địa bàn như: hệ thống hạ tầng phục vụ giáo
dục, y tế, lưới điện, các đoạn đường đã xuống cấp…
Tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn đang được đầu tư.
Bà Lý Thị Hiền - Trưởng Phòng Dân tộc
huyện Nậm Nhùn cho biết: Nhằm phát triển, hoàn thiện hơn nữa hệ thống hạ tầng
thiết yếu vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, thời gian tới Phòng tiếp tục tham
mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện các chương trình, đề án đã được phê
duyệt. Đồng thời nghiêu cứu cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, đề án, nghị
quyết chuyên đề để thực hiện, tập trung vào các công trình, lĩnh vực ưu tiên,
có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo nguồn lực để thực hiện. Phát huy hiệu quả
của bộ máy chính quyền các cấp, các ngành và người dân trong quản lý, vận hành,
phát huy hiệu quả tối đa các công trình đã được đầu tư.
Đồng thời, huy động tối đa nguồn vốn của
các thành phần kinh tế, sự hỗ trợ của các cấp để đầu tư phát triển hệ thống kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư ở tất
cả các khâu trong quá trình xây dựng, từ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, phân bổ
vốn, tổ chức thi công, giám sát, nghiệm thu thanh quyết toán và bàn giao đưa
vào sử dụng các công trình. Làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái
định cư để triển khai thực hiện đúng tiến độ các công trình, dự án đã được phê
duyệt. Rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng của chương trình đảm bảo theo quy
định.
Ông Đỗ Quang Ngọc - Chủ tịch UBND xã Hua
Bum cho biết: “Đến nay, xã đạt thu nhập bình quân đầu người 27,5 triệu
đồng/năm, đạt 91,66% so với chỉ tiêu nghị quyết; tổng sản lượng lương thực có
hạt 1.113,2 tấn, tăng 77,6 tấn so với năm 2020, bình quân lương thực đầu người
ước 508,7kg/năm; tổng đàn gia súc 1.871 con, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt
trung bình 7,11%/năm... cũng nhờ một phần vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng
thiết yếu trên địa bàn”.
Ông Pờ Ha Trừ, người dân bản Chang Chảo
Pá, xã Hua Bum cho biết thêm: “Từ ngày đường nội bản, đường ra khu sản xuất và
hệ thống thủy lợi của bản được đầu tư bà con rất phấn khởi, hăng hái lao động
để giảm nghèo. Con em chúng tôi được học trong trường mới, bản có điện sinh
hoạt nên đời sống tinh thần của bà con được nâng lên. Chúng tôi cảm ơn Đảng,
nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng cho bà con để có cuộc sống mới như hôm
nay.”
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu
gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo đã cải thiện được thu nhập của người dân
tộc thiểu số. Đến nay, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt
33,1 triệu đồng. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hoặc bê tông
hóa đạt 100%; 93% trường học và 90,91% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; tỷ
lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đến
cuối năm 2023 đạt 94%. Để đạt được những thành quả trên, theo thông tin từ
Phòng Dân tộc huyện Nậm Nhùn, tổng kinh phí giao để phát triển hạ tầng thiết
yếu và thực hiện các chương trình khác trong năm 2023 là hơn 259 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc
triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở Nậm Nhùn hiện cũng còn một số khó
khăn, vướng mắc. Trong đó, kết cấu hạ tầng, tuy đã được chú trọng quan tâm đầu
tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ, kinh tế chủ yếu tập trung vào sản xuất nông
nghiệp; việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông
nghiệp còn hạn chế; một số dự án có quy định, định mức thực hiện, nhưng chưa có
hướng dẫn chi tiết để huyện tổ chức thực hiện.
Có thể nói, từ các chương trình, chính
sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng cơ kết cấu tầng thiết yếu ở
Nậm Nhùn đã góp phần thay đổi đời sống của người dân tộc thiểu số. Củng cố niềm
tin của bà con vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, từng bước đưa
huyện biên giới Nậm Nhùn từ huyện nghèo trở thành huyện phát triển trung bình
của tỉnh.