Hội nghị phân tích các Chỉ số PAR INDEX, PCI, PAPI, SIPAS của tỉnh Lai Châu năm 2023 và Công bố Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương tỉnh Lai Châu năm 2023
Sáng
23/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phân tích các Chỉ số PAR INDEX, PCI, PAPI,
SIPAS của tỉnh Lai Châu năm 2023 và Công bố Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số
hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và
địa phương tỉnh Lai Châu năm 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến
đến điểm cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Văn Lương, Phó Bí
thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu của tỉnh
còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ban Chỉ
đạo Cải cách hành chính tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể,
các cơ quan, đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các phòng chuyên
môn liên quan và các công chức tham mưu Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số PCI, Chỉ số
PAPI, Chỉ số DDCI của cấp tỉnh.
Quảng cảnh tại điểm cầu tỉnh.
Tại điểm cầu huyện Nậm
Nhùn có đồng chí Nguyễn Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí đại
diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện.
Quang cảnh tại điểm cầu huyện Nậm Nhùn.
Theo Báo cáo tại Hội
nghị, công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 có những bước đột phá về
thứ hạng so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước như: Chỉ số hiệu quả quản trị
và hành chính công (PAPI) đạt 43,6223 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố và đứng
trong tốp 20 toàn quốc, đứng đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Tây Bắc; tăng
09 bậc so với năm 2022. Trong 08 chỉ số thành phần điều tra, có 7/8 chỉ số
thành phần tỉnh Lai Châu tăng điểm so với năm 2022, mức tăng từ 0,11 đến 0,39
điểm.
Chỉ số năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 66,48 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 hạng
so với năm 2022. Trong số 10 Chỉ số thành phần được đánh giá, thì có 07 chỉ số
thành phần tăng hạng.
Chỉ số hài lòng của người
dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 79,82% (tăng
0,48% so với năm 2022).
Huyện Nậm Nhùn có mức độ hài lòng đạt 95.85%
Các chỉ số đánh giá, xếp
hạng tại tỉnh cũng có nhiều sở, ngành, các huyện cố gắng, phấn đấu đạt kết quả
cao, thăng hạng. Về Chỉ số cải cách hành chính: Đối với các sở, ban, ngành tỉnh
thang điểm 100 có Sở Thông tin và Truyền thông đứng thứ nhất; Sở Tài chính đứng
thứ hai; Sở Khoa học và Công nghệ đứng thứ ba. Đối với các sở, ban, ngành tỉnh
thang điểm dưới 100 (đơn vị đặc thù) có Văn Phòng UBND tỉnh đứng thứ nhất; Ban
Quản lý Khu kinh tế tỉnh đứng thứ hai, Ban Dân tộc tỉnh đứng thứ ba. Đối với
các huyện, thành phố có huyện Than Uyên đứng thứ nhất; huyện Phong Thổ đứng thứ
hai; thành phố Lai Châu đứng thứ ba.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tại hội nghị.
Về Chỉ số hài lòng về sự
phục vụ hành chính: Đối với các sở có Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở
Xây dựng đều có mức độ hài lòng đạt 100%; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có mức
độ hài lòng đạt 99,05%. Đối với các huyện, thành phố có huyện Nậm Nhùn có mức độ
hài lòng đạt 95.85%; huyện Than Uyên có mức độ hài lòng đạt 93,30%; huyện Phong
Thổ có mức độ hài lòng đạt 92,77%.
Về Chỉ số năng lực cạnh
tranh: Đối với cấp sở, ban, ngành tỉnh có Sở Kế hoạch và Đầu tư đứng thứ nhất với
83,42 điểm; Sở Giáo dục và Đào tạo đứng thứ hai với 80,28 điểm; Sở Tư Pháp đứng
thứ ba với 79,53 điểm. Đối với các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh có Ngân
hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đứng thứ nhất với 84,43 điểm; Bảo hiểm xã hội tỉnh
đứng thứ hai với 79,90 điểm; Công an tỉnh đứng thứ ba với 77,78 điểm. Đối với
các huyện, thành phố có huyện Tân Uyên đứng thứ nhất với 90,99 điểm; huyện Tam
Đường đứng thứ hai với 87,45 điểm; huyện Mường Tè đứng thứ ba với 81,10 điểm.
Tại Hội nghị, các đại
biểu đã phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách
làm hay; phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc; những
sáng kiến, giải pháp khắc phục trong công tác cải cách hành chính tại các cơ
quan, đơn vị, địa phương.
Đồng chí Lê Văn Lương, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị,
đồng chí Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương đã ghi nhận, biểu
dương và đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo và những nỗ lực
của các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự chung tay, vào cuộc của người dân,
doanh nghiệp trong công tác cải cách hành chính. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách
hành chính, nâng cao năng lực quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh
của các cấp chính quyền, tăng niềm tin, tăng sự hài lòng của người dân, doanh
nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh,
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung triển
khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: Các cấp, các ngành bám sát sự lãnh đạo, chỉ
đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung triển khai toàn
diện, đồng bộ, có hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước
gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của
người đứng đầu, tích cực triển khai, đề xuất các sáng kiến mới, biện pháp duy
trì, cải thiện và nâng cao các chỉ số. Tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách thể
chế, thường xuyên rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến
nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới văn bản đáp ứng yêu cầu quản
lý Nhà nước, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, địa phương...
Đồng thời, tổ chức triển
khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng
Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại
các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm kỷ
luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, đề cao vai trò người đứng đầu;
kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu
trong việc tiếp nhận, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục
thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành chương trình
chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy
mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ
trong hệ thống hành chính Nhà nước; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và hiện
đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một
tốt hơn. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức, tạo thuận
lợi, hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh.
Các điểm cầu tại hội nghị.
Đối với các đồng chí
lãnh đạo các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề
nghị quan tâm hơn nữa công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp để phát
huy hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội,
người dân, doanh nghiệp tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động
của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi
nhiệm vụ, công vụ. Đồng thời, sau Hội nghị này, đề nghị các sở, ban, ngành,
đoàn thể tỉnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phân tích, đánh giá từng
chỉ tiêu, tiêu chí thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách, xác định
những yếu kém, nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp hoặc đề nghị UBND tỉnh
điều chỉnh các kế hoạch đã ban hành làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện đồng
bộ, hiệu quả, phấn đấu năm 2024 đạt được kết quả cao nhất...