04/03/2024
LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 2/3: “Cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".
Ngày 02 tháng 3 năm 1962, Bác Hồ và đồng chí
Dương Quốc Chính thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm đồng bào, bộ đội
và cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Tại buổi gặp mặt Bác khen ngợi xã viên các hợp tác
xã, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học
sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn. Nói chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh Bác
căn dặn, muốn làm tốt mọi công việc thì từ tỉnh ủy đến chi bộ phải lãnh đạo tốt. Thực hiện đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, biến quyết tâm và sức mạnh của Đảng thành quyết tâm và sức mạnh của nhân dân; phải đi đúng đường lối của Đảng về công tác quần chúng; đi sâu vào cơ sở, đi sát hợp tác xã, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấm nhuần ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, xây dựng nước nhà; cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Theo Bác: Cần tức là lao động cần cù, siêng năng; lao động có
kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh,
không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì
giờ, tiền của tài sản công của dân, của nước, của bản thân mình; phải tiết kiệm
từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to; “không xa xỉ, không
hoang phí, không bừa bãi”, không phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén
lu bù. Liêm tức là “luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và
của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”.
Phải “trong sạch, không tham lam”. “Không tham địa vị, không tham tiền tài,
không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình”. Chính, “nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn”. Không
tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm phê bình
để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Không nịnh hót người
trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn
kết thật thà, không dối trá, lừa lọc, để việc công lên trên, lên trước việc tư,
việc nhà. Chí công vô tư, khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến
mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, phải “lo trước thiên hạ, vui sau
thiên hạ”.
Tư
tưởng của Người về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là sự kế thừa những
giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, đạo lý làm người của cha ông, là sự
vận dụng sáng tạo tư tưởng đạo đức của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách
mạng ở nước ta. Người coi đó không phải chỉ là phẩm chất của cá nhân mà còn của
cả tập thể, của cả dân tộc. Người yêu cầu mọi cán bộ đều phải rèn luyện, tu
dưỡng theo các phẩm chất trên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có
quyền. Trong công cuộc đổi mới nước ta hiện nay việc tìm hiểu, học tập làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và xây dựng đạo đức cách
mạng cho người cán bộ, đảng nhà nước nói riêng đức tính “cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư” càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết,
trong bối cảnh một bộ phận của xã hội, có cả cán bộ, đảng viên còn biểu hiện
suy thoái đạo đức cách mạng, tham những, thoái hóa biến chất…
Tin: Thanh Tuyền