Luật số 41/2024/QH15 Bảo hiểm xã hội quy định về đối tượng, điều kiện và mức hưởng trợ cấp ốm đau.
I. Về đối tượng, điều kiện hưởng chế độ ốm đau
Theo điều 42 Luật số 41/2024/QH15 quy định về đối tượng, điều kiện hưởng chế độ
ốm đau như sau:
1. Đối tượng quy định tại các điểm
a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này được hưởng
chế độ ốm đau khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường
hợp quy định tại khoản 2 Điều này:
a) Điều trị khi mắc bệnh mà không phải
bệnh nghề nghiệp;
b) Điều trị khi bị tai nạn mà không
phải là tai nạn lao động;
c) Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ
nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời
gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
d) Điều trị, phục hồi chức năng lao
động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc
do bị tai nạn quy định tại điểm c khoản này;
đ) Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể
người theo quy định của pháp luật;
e) Chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm
đau.
2. Người lao động không được hưởng
chế độ ốm đau trong các trường hợp sau đây:
a) Tự gây thương tích hoặc tự gây tổn
hại cho sức khỏe của mình;
b) Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma
túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất
hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề
khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
c) Trong thời gian lần đầu phải nghỉ
việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp;
d) Trong thời gian nghỉ việc theo
quy định tại khoản 1 Điều này trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp
luật về lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp
luật chuyên ngành khác hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục
hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
II. Mức hưởng trợ cấp ốm đau
Theo điều 45 Luật số 41/2024/QH15 quy
định về trợ cấp ốm đau như sau:
1. Mức hưởng trợ cấp ốm đau được
tính theo tháng và tính trên căn cứ sau đây:
a) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm
xã hội của tháng gần nhất trước tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau;
b) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm
xã hội của tháng đầu tiên tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tháng tham gia trở lại
nếu phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên tham gia hoặc
tháng tham gia trở lại.
2. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người
lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 và Điều 44 của Luật này bằng 75% tiền
lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người
lao động quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật này được tính như sau:
a) Bằng 65% tiền lương làm căn cứ
đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội
bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên;
b) Bằng 55% tiền lương làm căn cứ
đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội
bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
c) Bằng 50% tiền lương làm căn cứ
đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội
bắt buộc dưới 15 năm.
4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người
lao động quy định tại khoản 3 Điều 43 của Luật này bằng 100% tiền lương làm căn
cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày
được tính bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Mức hưởng
trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một
ngày.
Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối
với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp
nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được
tính là một ngày.
6. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội quy định chi tiết về ngày làm việc; quy định việc tính, việc xác
định điều kiện đối với từng trường hợp để giải quyết chế độ ốm đau.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.