Bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội “Mìn Loóng Phạt” của đồng bào dân tộc Cống tại bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu
Dân tộc Cống ở xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn - là một trong những dân tộc ít người và đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Hiện nay theo khảo sát, người Cống còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thể hiện rõ nét ở phong tục tập quán, sinh đẻ, canh tác, nông nghiệp và lễ hội. Nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong đó có các Lễ hội văn hóa. Một trong những Lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Cống nơi đây đó là Lễ hội “Mìn loóng phạt”- Lễ hội kết thúc một mùa vụ.

Việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội “Mìn Loóng Phạt” là điều rất cần thiết và quan trọng, nhằm khích lệ, động viên cho cộng đồng người Cống nơi đây luôn đoàn kết, hăng say lao động, sản xuất, xây dựng bản làng ngày càng giầu đẹp.

           I. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI CỐNG Ở BẢN TÁNG NGÁ, XÃ NẬM CHÀ

          1. Vị trí địa lý, diện tích, dân số.

          Bản Táng Ngá nằm ở phía Tây Bắc của xã Nậm Chà là phía đầu nguồn của suốt Nậm Ngà.

          Tính đến hết 30 tháng 6 năm 2022, dân số bản Táng Ngá có 101 hộ dân, gồm 529 nhân khẩu chiếm 16,18% dân số toàn xã và chiếm 1,83% dân số toàn huyện.

          2. Tên gọi, nguồn gốc.

          Trước đây người Cống có tên gọi là “Cống lồ ma” vì nguồn gốc xưa kia của họ ở là bản Tá Lồ Ma - Trung Quốc (các dân tộc ít người Việt Nam, NXB khoa học xã hội - Hà Nội năm 1978). Nhưng cũng có quan điểm cho rằng người Cống di cư từ Lào sang Việt Nam (Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam NXB giáo dục năm 2001 trang 38), tên gọi của người Cống là Cống Khao (tức là Cống ở nước) hoặc Cống Táng Ngá (là người cống ở suối Nậm Ngà …). Ở đây cũng có thể hiểu Cống Khao là Cống Trắng; ngày nay còn người Thái gọi người Mảng là Xả Cang Lai (xá săm cằm) và gọi người Cống là Xả Khao (Xá có nước da trắng), Cống Khao là phiên âm theo tiếng Thái, như vậy Cống Khao có nghĩa là Cống Trắng.

          Người Cống phân ra làm hai nhóm; nhóm Cống vàng “Xám khấu xú lứ” và Cống bạc “Sí tù mạ”, nhìn chung hai nhóm này tương đồng về văn hóa tập quán nhiều hơn là điểm khác biệt.

Trang phục truyền thống của nam và nữ dân tộc Cống tại bản Táng Ngá, xã Nạm Chà, huyện Nậm Nhùn

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

Ví dụ: Trong tang ma của nhóm Cống vàng thường dùng quan tài một lớp, còn nhóm Cống bạc làm quan tài cho người chết là hai lớp, thời gian tổ chức tang ma của nhóm Cống bạc cũng dài hơn, ngoài ra hai nhóm này cũng có đôi chút khác nhau về ngôn ngữ nhưng sự khác biệt không nhiều.

          Người Cống thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miếu, gần với tiếng Hà Nhì, La Hủ, Phù Lá; hàng ngày họ cũng có thể sử dụng cả tiếng Thái để giao tiếp với một số tộc người khác.

          3. Cảnh quan thiên nhiên.

          - Bản của người Cống sống tập trung chủ yếu ở ven sông, suối, nói chung là ở vùng thấp, gần nguồn nước là đặc điểm cư trú chính của bản làng người Cống, cụ thể dễ nhận thấy đó là bản Táng Ngá ở cạnh ven suối Nậm Ngà, bản Pô Lếch, Nậm Pục, Nậm Khao… ở cạnh ven Sông Đà, bản Nậm Kè ở cạnh suối Nậm Kè, bản Nậm Luồng ở ven suối Nậm Luồng…làng bản của người Cống sống tập trung và cách biệt với làng bản của dân tộc khác, nhà nọ cách nhà kia chỉ vài bước chân, họ dùng tiếng nói của mình để giao tiếp trong cộng đồng.

          - Không chỉ đặc điểm cư trú lấy nguồn nước làm tiêu chí lựa chọn làng bản để sinh sống mà ngay cả tên gọi của bản cũng phản ánh đặc điểm trên.

          Ví dụ: Nậm Khao tức là suối nước trong, Nậm Pục khe suối có nhiều cây bưởi (phiên âm tiếng Thái).

          Bản làng người Cống ở Táng Ngá sống rất tập trung với những ngôi nhà sàn không ở cách xa nhau thể hiện sự cấu kết, gắn bó chặt chẽ dễ tương trợ cho nhau khi có những việc bất trắc sảy ra, các nhà sàn trong bản đều quay mặt ra phía suối Táng Ngá, lưng nhà tựa vào vách núi, đồi, trước mặt ngôi nhà và làng bản không bị che khuất tầm nhìn, có như vậy thì người Cống quan niệm là làm ăn mới thịnh vượng, người Cống ở Táng Ngá làm nhà sàn mái dốc, gầm sàn có nhiều cột, cọc để nâng đỡ ngôi nhà.

Nhà ở của đồng bào dân tộc Cống ở bản Tang Ngá

anh tin bai
anh tin bai

4. Gia đình, dòng họ.

          Gia đình của người Cống là gia đình phụ hệ, con cái sinh ra mang họ cha. Tuy nhiên vai trò của phụ nữ cũng được đề cao, thể hiện qua tục ở rể, gia đình của người Cống trước kia chủ yếu là gia đình ba thế hệ, ngày nay thì ít hơn, các gia đình chỉ còn lại hai thế hệ vì khi các thành viên trong gia đình đến tuổi trưởng thành thì bố mẹ cho tách ra ở riêng, nếu mỗi gia đình thường có từ 4 đến 7 người.

          Người Cống ở bản Táng Ngá có những dòng họ chủ yếu  như: Lò, Lùng, Tẩn, Chảo, Lý, Hù…mỗi dòng họ đều có những khác biệt về tục thờ cúng liên quan đến ông tổ của dòng họ mình.

          Việc phân biệt dòng họ của người Cống ngoài việc dựa vào hình thức thờ cúng tổ tiên còn có sự khác biệt nữa là nơi đặt bàn thờ. Mỗi dòng họ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt nghi lễ cúng, kiêng kị con vật tổ để cầu sự bảo vệ, phù hộ của thần linh đối với dòng họ của mình.

          Ví dụ: Họ Lò kiêng không ăn thịt chim. Họ Lý kiêng không ăn thịt sóc. Họ Chảo cấm kị không được ăn thịt chim chắn na. Họ Lùng kiêng không ăn thịt hổ, cáo…trong dòng họ của người Cống vai trò của trưởng họ rất quan trọng thể hiện ở việc lo cho công việc của dòng họ như việc: Cúng tổ tiên, cưới xin hoặc tang ma…

II. LỄ HỘI, NGÀY TẾT TRONG NĂM

Người Cống ở bản Táng Ngá cũng giống như nhiều cư dân nông nghiệp khác, họ có truyền thống ăn tết cùng với tết nông nghiệp, khi mở đầu một mùa vụ mới hoặc khi kết thúc một mùa vụ, lễ tết không chỉ là dịp các thành viên trong dòng tộc, cộng đồng được vui chơi nghỉ ngơi khi đã thu hoạch xong mùa vụ, mà cùng là dịp để các dòng họ tạ ơn với ông bà tổ tiên, các thần linh, đã phù hộ cho mùa vụ bội thu, mưa thuận gió hòa. Lễ tết còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc cấu kết cộng đồng, cùng với đó là duy trì tính thiêng, tâm lý, tín ngưỡng trong tâm thức của mỗi thành viên trong cộng đồng tộc người.

Người Cống ở bản Táng Ngá có rất nhiều các lễ tết trong năm, nhưng tiêu biểu và nổi bật tính cổ truyền là Lễ mừng cơm mới (hằng Si Phát) tổ chức vào tháng 7 âm lịch, lễ cúng Bản (Phi Mương Thó) khi gieo xong lúa nương thì được tổ chức, lễ tết “Mìn Loóng Phạt” hay theo phiên âm tiếng Thái gọi là “Đoóc Lanh” được tổ chức vào tháng 10 âm lịch sau khi đã thu hoạch xong mùa vụ, nên lễ tết này có thể gọi là tết kết thúc một mùa vụ, Chiêng Tải (tết Nguyên Đán) tết cuối vụ.

anh tin bai

Lễ hội “Mìn Loóng Phạt” của đồng bào dân tộc Cống, bản Tang Ngá

Tết “Mìn Loóng Phạt” là ngày tết cổ truyền của người Cống ở bản Táng Ngá. Ngày xưa tết cuối vụ là tết to nhất trong năm, tết chính, nhưng ngày nay (sau 1954) mặc dù vẫn được duy trì song đã phần nào giảm đi rất nhiều về quy mô vì người Cống cũng bắt đầu theo người Kinh, người Thái đón tết cổ truyền vào mùa xuân. Tết “Mìn Loóng Phạt” của người Cống bản Táng Ngá được tổ chức khi mùa vụ đã được thu hoạch xong và hoa “Mìn Loóng Phạt” -một loại cây hoa mọc ở trên nương cùng với lúa, ngô, khoai, sắn bắt đầu ra hoa, thời gian diễn ra trong tháng 10 âm lịch hàng năm. Trước kia tết “Mìn Loóng Phạt” của người Cống được kéo dài đến 5 - 7 ngày, nhưng nay tết thu hẹp chỉ còn 2 ngày. Cách chọn ngày tốt trong tháng để tổ chức theo từng dòng họ của mình, kiêng kị và cấm kị không được chọn ngày trùng với ngày chết (mất) của ông bà tổ tiên.

Để đón tết “Mìn Loóng Phạt” người Cống thường phải chuẩn bị trước 3 đến 4 ngày, không khí nhộn nhịp của ngày tết về đến từng gia đình, dòng họ là một ngày trước khi ngày tết chính diễn ra, tất cả các gia đình trong bản đều chuẩn bị cho ngày đón tết của gia đình và dòng họ của mình sao cho thật chu đáo và vui vẻ nhất, người lớn trong gia đình thì lên rừng kiếm củ, lấy măng, xuống suối bắt cá, lên nương lấy hoa “Đoóc Lanh”, hái nấm, lấy quả bí, gừng ở trên nương chuẩn bị cho tết “Mìn Loóng Phạt”. Trong ngày tết này có rất nhều món ăn được chế biến từ các sản phẩm tự họ chăn nuôi và trồng cấy được sao  cho thật ngon, để dâng cúng tổ tiên của mình.

Đúng sáng sớm ngày đón tết “Mìn Loóng Phạt” mọi thành viên trong gia đình, dòng họ ai cũng dậy sớm ra suối gần bản để tắm hoặc gội đầu vì người Cống quan niệm là làm như thế để gội đi những xui xẻo, bệnh tật, vất vả để chuẩn bị đón một ngày mới trong năm, sau đó mỗi thành viên mang về một ít nước sạch đem về đổ vào thùng đựng nước ở nhà, cầu mong cho sự may mắn phát tài, sau đó các thành viên người Cống đều chuẩn bị một mâm cơm để cúng tổ tiên của mình, đây là mâm cơm cúng tổ tiên kết thúc một mùa vụ, khi dâng cúng tổ tiên xong thì các sản phẩm được họ nuôi trồng trên nương như lúa, ngô, khoai, sắn, gừng, bí… con cháu mới được mang về ăn vì thế tất cả mọi thành viên trong gia đình, dòng tộc đều phải có mặt đầy đủ và tham gia lễ cúng tổ tiên.

+ Lễ vật dâng cúng gồm có:

- Thịt lợn: “Vạ Xà” (từ 50kg trở lên gồm: Thủ, đuôi, vai, gan, ruột non).

- Rượu trắng: “Tỵ Khá” .

- Thịt gà: “Gạ Xà” (2 đến 3 kg).

- Cá suối: “Lùng Té Cư”.

- Bí xanh: “Toòng Khò”.

- Khoai sọ: “Pùm né”.

- Mướp: “Á Nhạp”.

- Gừng: “Nhính Xị”.

- Củ đậu: “Má Ưn”.

- Riệu cần: “Tỵ Khá Giêng” ( 01 chum).

- 3 ống riệu cần: “Tỵ Khá Poòng”.

- Trống, chiêng: “Cung, Gàm”.

- Hoa “Mìn Loóng Phạt” hay nói theo phiên âm tiếng Thái là “Đoóc Lanh”, đây là một loại hoa mọc ở trên nương cùng với các loại cây trồng khác,  là loại hoa không thể thiếu trong lế cúng “Mìn Loóng Phạt”. Người Cống quan niệm là cây hoa này được ông bà tổ tiên và thần linh ban cho, để làm bạn với các loại cây trồng ở trên nương của mình và để bảo vệ che chở cho các loại cây trồng khỏi sự phá hoại của sâu bệnh, chim chóc, chuột sóc, thú rừng… đến phá hoại chúng.

Cây hoa “Mìn loóng phạt” cao khoảng 1 mét đến 1,5 mét, gồm hai loại: Hoa vàng và hoa đỏ, cây hoa này mọc cùng với vụ lúa nương và các cây trồng khác như: Gừng, khoai sọ, bí xanh, mướp, cụ đậu… ở trên nương của mỗi người Cống vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm thì ra hoa.

anh tin bai

 

anh tin bai

Hoa “Đoóc Lanh”

 

anh tin bai

Cách sắp xếp mâm cúng của người cống trong lễ tết “ Mìn Loóng Phạt”

anh tin bai

 

anh tin bai
anh tin bai

Công tác chuẩn bị cho lễ hội “Mìn Loóng Phạt”

Chủ hộ hoặc người có uy tín trong gia đình dòng họ thực hiện nghi lễ cúng tất cả các lễ vật dâng cúng được bày lên mâm và đặt vào nơi thờ cúng tổ tiên, chủ lễ phải là nam giới mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, khi chủ lễ cúng tất cả con cháu trong gia đình phải có mặt và ngồi phía sau chủ lễ. Sau khi thắp đèn dầu lên và tiến hành nghi lễ cúng, đầu tiên chủ lễ quỳ lạy Ba lạy sau đó đọc lời cúng:

          Nhám ninh cóng, màng ninh bừ, giá ninh bừ cọ du pớn, lưng du pớn, le ào à phì lạ hàng xị mìn loóng phạt a, xị a, tà lạ pa già, khừ phà pú dạ ba màng khừ tòn lẹa tón a án già lạ, cồ mo cô mò bà pí la, trền đinh pén khéa linh phệ, màng tanh pén, giá tanh phệ, lẹ giá tanh phệ, gia tà, gia tang pì lạ o, nhám ơ ma, ư xì ư càng, tòng khò, tanh khàm, pùm xí, púm né, má xì, má ưn, mìn xì, mìn né, nhính xị, phạt a xị a tà lạ pa bừ pì chà pì lạ ó ứ àn, ứ già la cồ mo, cô mò, trền tù khéa tù la xí un lá um bà pí ca lá lẹ bừ pì chà pì ó.

          Dịch nghĩa

          Hôm nay là ngày lành tháng tốt, con cháu thu hoạch vụ mùa đã xong, con cháu chuẩn bị lễ vật thờ cúng cho ông bà, tổ tiên; lễ vật gồm có hóa Đóc lanh, lợn, gà, hoa quả, bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, gừng, khoai lang, củ đậu mời ông bà tổ tiên về cùng nhau ăn mà phù hộ cho con cháu không cho ốm đau bệnh tật, sức khỏe dồi dào vụ mùa năm nay no đủ, vụ sau càng được nhiều hơn nữa, nuôi lợn, nuôi gà càng phát triển hơn, kinh tế sản xuất ổn định.

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

Thầy cúng đang  thực hiện nghi thức cúng trong lễ “Mìn Loóng Phạt”

Sau khi chủ lễ tiến hành cúng xong thì tất cả các thành viên trong gia đình và dòng họ cùng nhau lạy Ba lạy trước tổ tiên thì lễ cúng kết thúc, chủ lễ cầm cả túm gừng (cả cây và củ), gõ vào trống chiêng một hồi, cũng là để báo hiệu cho tất cả mọi người tham gia nghi lễ cúng và cộng đồng biết là lễ cúng đã kết thúc. Mâm cúng được bày ra và các thành viên trong gia đình, dòng tộc mời họ hàng, dân bản đến chung vui chúc tụng nhau, cùng uống rượu và đánh trống, chiêng múa hát đón mừng lễ tết “Mìn Loóng Phạt”, cùng cầm tay nhau múa xòe vòng mỗi người đeo theo một túi gạo cầm từng nắm tung lên cao quá đầu, để cảm tạ ông bà tổ tiên và các thần linh đã ban cho họ một vụ mùa no đủ và bộ thu.

anh tin bai

 

Ngày hôm sau vào buổi sáng, nghi lễ cúng trước bàn thờ tổ tiên đơn giản hơn lễ vật dâng cúng gồm: Cá được cho vào ống nứa lam cùng với gừng, rượu cần đựng trong ống mới được mở và sử dụng, hoa “Mìn Loóng Phạt”, được dựng thành cây hoa. Mọi thành viên trong gia đình họ hàng và dân bản cùng tham gia vui chơi và cùng uống rượu.

          Lễ tết “Mìn Loóng Phạt” của người Cống ở bản Táng Ngá là lễ tết cổ truyền lớn nhất trong năm. Vì thế quy mô tổ chức cũng to nhất so với các lế tết khác trong năm, một không khí lễ hội náo nhiệt ngập tràn trong làng bản của người Cống nơi đây.

          Trong lễ tết “Mìn Loóng Phạt”, bản làng người Cống tưng bừng tiếng trống, tiếng chiêng, các làn điệu dân ca, hát đối đáp giao duyên cùng với vòng xòe tập thể. Kết hợp với tiếng trống là “Hưu May” ống tre…, ống nứa (Tăng Bẳng…, Tăng Bu)… những hoạt động thể thao dân tộc như: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ… cũng được mang ra thi tài giữa các thành viên và các đội với nhau thể hiện sự đoàn kết chặt chẽ của cộng đồng.

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

Các hoạt động tại Lễ hội “Mìn Loóng Phạt”

 

anh tin bai
anh tin bai

Lễ hội “Mìn Loóng Phạt” của người Cống ở bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn được gắn liền với những sinh hoạt của tộc người có mang tính cộng đồng cao, phần nghi lễ còn giữ được nét văn hóa truyền thống của người Cống, lễ vật dâng cúng cũng rất lạ. Cùng với đó các thành viên trong cộng đồng đón tết “Mìn Loóng Phạt” được vui chơi, múa hát, giải trí, gặp gỡ giao lưu. Chính vì vậy mà lễ hội “Mìn Loóng Phạt” của người Cống bản Táng Ngá cần được quan tâm, bảo tồn, gìn giữ  và tổ chức hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cũng như hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc Cống. Thông qua việc tổ chức lễ hội “Mìn Loóng Phạt” của người Cống nhận thấy người Cống họ có niềm tin vào cuộc sống có tinh thần tương trợ gắn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Bên cạnh đó trong lễ hội “ Mìn Loóng Phạt” là cả một kho tàng tri thức văn hóa dân gian do chính những người dân là chủ nhân và thể hiện phơi bày với nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật ứng xử, nghệ thuật ngôn từ… chính vì những lý do đó mà lễ hội “Mìn Loóng Phạt” xứng đáng được quan tâm, đầu tư, bảo tồn và phát huy, góp phần vào việc “Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà Bản sắc dân tộc” đúng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng và Nhà nước ta đề ra.

Bài và ảnh: Hà Ruệ
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM NHÙN
Chịu trách nhiệm chính: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội.
Địa chỉ: Thị trấn Nậm Nhùn - Huyện Nậm Nhùn.
Điện thoại: 02133. 910.112 - Email: namnhun@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn namnhun.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên wedsite này.

Designed by VNPT