Xã Pú Đao tich cực thực hiện giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch
Pú Đao là xã vùng cao,
có địa hình sườn dốc gồ ghề, nơi giao nhau của sông Nậm Na và Sông Đà tạo nên ngã
ba sông huyền thoại. Đây còn là nơi sinh sống của 245 hộ dân, chủ yếu là đồng
bào dân tộc Mông với những nét văn hoá đặc trưng tiêu biểu thể hiện qua trang
phục, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt đời thường, đặc biệt là các loại
hình nghệ thuật như: thổi sáo, múa khèn, dân ca, dân vũ.... Do đó, việc bảo tồn
và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc được cấp uỷ, chính quyền đặc biệt
quan tâm. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 của Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh, Đảng ủy, UBND xã xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn,
phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển
du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Các giá trị văn hóa truyền thống luôn được bà con giữ gìn và phát huy.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng -
Chủ tịch UBND xã chia sẻ: UBND xã đã xây dựng kế hoạch, lộ trình với giải pháp
và nhiệm vụ cụ thể giao cho các phòng, đoàn thể xã, bản tập trung nghiên cứu, bảo
tồn các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc trên địa bàn gắn với công
tác phát triển du lịch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của
xã. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức: trực tiếp; lồng ghép
vào các buổi họp bản, sinh hoạt đoàn thể nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của
người dân trong thực hiện chủ trương của xã.
Cùng với đó, xã xây dựng
kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2022-2025. Tập trung đầu tư xây dựng công trình công cộng tại các điểm du lịch
cộng đồng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ về giao thông, điện, nước,
internet, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe. Đặc biệt, đang triển khai xây dựng
nhà truyền thống bản Nậm Đoong và các chòi nghỉ ngắm cảnh phục vụ du khách trên
đường lên đỉnh núi Pú Đao. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá những nét văn hóa đặc
trưng của đồng bào địa phương trong dịp lễ, tết. Tổ chức nhiều sự kiện văn hóa
đưa du khách đến tham quan và trải nghiệm không gian văn hoá như: Trình diễn
trang phục truyền thống dân tộc Mông, biểu diễn nhạc cụ thổi sáo, thổi khèn;
chơi trò chơi dân gian như: tù lu, ném pao, bắn nỏ, đẩy gậy. Lựa chọn một số sản
phẩm từ nghề đan lát truyền thống như: lu cờ, ghế mây, phát triển thành sản phẩm
du lịch đặc trưng, vừa thu hút khách du lịch vừa giúp bà con có thêm nguồn thu
nhập, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của xã.
Điểm săn mây lý tưởng tại đỉnh Pú Đao.
Hiện nay, 100% số bản của
xã đạt danh hiệu văn hóa và đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng tại 3 bản:
Nậm Đoong, Nậm Đắc, Hồng Ngài. Trong năm, các bản thu hút 205 lượt khách du lịch
đến tham quan, trải nghiệm. Thành lập 3 đội văn nghệ bản, thường xuyên luyện tập
và biểu diễn tại các sự kiện của xã, bản.
Anh Ly A Hờ - Trưởng bản
Nậm Đoong chia sẻ: Việc bảo tồn văn hóa dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch,
đối với tôi và dân bản nhận thấy hết sức cần thiết. Phát huy vai trò, trách nhiệm,
tôi chủ động tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia đội văn nghệ bản,
khôi phục các bài hát, tập luyện nhạc cụ truyền thống như sáo, khèn.... tham
gia biểu diễn tại các lễ hội. Đồng thời, chú trọng mặc trang phục truyền thống,
gìn giữ lễ hội, nếp sinh hoạt, bảo vệ môi trường bản sạch, đẹp.
Với kế hoạch và định hướng
cụ thể, cùng sự đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân, văn hoá truyền
thống của dân tộc Mông ở Pú Đao đã, đang và sẽ được bảo tồn và phát huy. Từ đó,
góp phần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa xã Pú Đao
ngày thêm khởi sắc.