80 năm Đề cương về Văn hóa: Giá trị mang tầm
thời đại
Đề cương về văn hóa Việt Nam (gọi tắt là Đề cương) do Tổng Bí
thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung
ương tháng 2-1943. Đề cương là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về
văn hóa; đề cập toàn diện và sâu sắc những vấn đề có tính chất nền tảng về
nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ
nghĩa. Trong suốt 80 năm qua, những nội dung, giá trị cốt lõi của Đề cương được
Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển để từng bước hoàn thiện tư
duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn trong lĩnh vực văn
hóa, văn nghệ.
Nhân dịp này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban
Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về
vai trò, tầm quan trọng của Đề cương đồng thời đưa ra những giải pháp để những
giá trị căn bản của Đề cương tiếp tục được phát huy trong tương lai. Trang
Thông tin điện tử huyện Nậm Nhùn trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài phỏng vấn
này
Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn
nghệ Tết Kỷ Dậu, năm 1969. Ảnh tư liệu
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những giá trị mang tầm
thời đại của Đề cương văn hóa Việt Nam?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đề cương văn hóa Việt
Nam năm 1943 là văn kiện Đảng quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất
nước. Ngay từ những năm đầu tiên, trước khi Đảng ta dẫn dắt dân tộc giành được
độc lập, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển
chung của dân tộc, và Đề cương ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược đó.
Bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn
thảo năm 1943, được đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Ảnh
baotanglichsu.vn
Trải qua thời gian, 3 nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề
cương đã chứng minh được tính đúng đắn, đồng thời định hướng cho sự phát triển
văn hóa. Ý nghĩa quan trọng của Đề cương là đặt văn hóa ở vị trí hàng đầu, “văn
hóa soi đường quốc dân đi”. Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp
nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng văn hóa phiền phức, mê tín dị đoan phát triển
trở lại, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương một lần nữa cho thấy tính đúng
đắn trong chủ trương của Đảng. Từ 3 nguyên tắc dân tộc hóa – khoa học hóa – đại
chúng hóa, giờ đây, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục
tiêu, vừa là động lực, và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Nhìn nhận Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 trong dòng chảy chính sách của Đảng,
chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự vận động của văn hóa, từ đó, có đánh giá đúng và
chính xác hơn về sự phát triển chung của đất nước.


PV: Đề cương xác định phạm vi, nội hàm của văn hóa, bao gồm ba thành
tố cơ bản là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Đến nay, cả ba thành tố mà Đề
cương nêu ra đều là những yếu tố mang tính hạt nhân, có mối quan hệ, gắn bó,
chi phối, bổ sung và thẩm thấu lẫn nhau, cấu thành nền văn hóa dân tộc, quan
điểm của đồng chí ra sao về vấn đề này?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Tư tưởng, học thuật và
nghệ thuật là ba thành tố quan trọng nhất của văn hóa. Ngay trong Đề cương,
Đảng ta đã xác định công việc phải làm là tranh đấu về học thuyết, tư tưởng để
làm cho học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng; tranh đấu về
tông phái văn nghệ để làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng; tranh
đấu về tiếng nói, chữ viết. Cho đến ngày hôm nay, ba thành tố này vẫn có mối
quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển văn hóa nói riêng,
đất nước nói chung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 90 năm qua, những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của
Đảng Cộng sản Việt Nam, của đường lối đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở đất nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế thời đại.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn để vận dụng, bổ
sung sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là cơ sở, nền
tảng tư tưởng của đất nước ta hiện nay. Trên cơ sở đó, giáo dục – đào tạo đã
trở thành quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân
trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trong đó, một trong những mục tiêu
là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm
năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng
bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Còn văn học, nghệ thuật đóng vai trò quan
trọng trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc, góp phần hình thành xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu
ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ
có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu ''dân
giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PV: Đồng chí đánh giá thế nào về 3 nguyên tắc “Dân tộc, khoa học,
đại chúng” được vạch ra từ Đề cương cho đến nay vẫn còn giữ được tính khoa học
và thời sự?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đề cương văn hóa Việt
Nam năm 1943 ra đời trong bối cảnh đất nước chưa giành được độc lập,
chính vì vậy, một trong những mục tiêu căn bản của việc ban hành Đề
cương là dùng văn hóa để trở thành sức mạnh cho dân tộc. Nguyên tắc
dân tộc hóa dựa trên thực tế là, văn hóa đã tạo nên sức mạnh thực sự
cho dân tộc ta để tạo nên sự thống nhất trong nhận thức về lòng yêu
nước, tinh thần đoàn kết. Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh.
Kết quả, chúng ta đều chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Vũ khí lớn
nhất của chúng ta không phải là khí tài quân sự hiện đại mà chính
là lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết. Không phải ngẫu nhiên, năm 1954,
trước khi về Thủ đô, Bác Hồ đến thăm Đền Hùng và để lại câu nói
truyền cảm hứng và niềm tin cho toàn dân tộc: “Các Vua Hùng đã có
công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây chính
là sức mạnh tinh thần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và giải
phóng đất nước về sau này để văn hóa trở thành cột mốc chủ quyền của đất
nước.
Khoa học hóa cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng
đối với sự phát triển văn hóa. Văn hóa, ở một phương diện nào đó,
chính là thói quen của con người, từ đó hình thành nên phong tục tập
quán, truyền thống của một dân tộc. Khi đất nước ta đang chìm đắm
trong một thời kỳ phong kiến và thực dân, nhiều phong tục tập quán
lạc hậu, không phù hợp đang kéo lùi sự phát triển của lịch sử dân
tộc. Nhiều tệ nạn xã hội được chỉ ra trong các tác phẩm của Nam
Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… cho thấy, chỉ bằng cách thay đổi
những hủ tục lạc hậu, không phù hợp của văn hóa thì mới giúp đất
nước phát triển. Tư tưởng căn bản của Đề cương là mong muốn thay đổi
phong hóa của dân tộc: Từ việc thay đổi nhận thức, thói quen, lối
sống sẽ tạo ra nguồn lực giải phóng dân tộc, phát triển đất nước.
Rõ ràng, từ tư tưởng khoa học hóa, kể từ khi giành được độc lập, văn hóa của
đất nước nhìn chung đã hướng đến những giá trị văn minh, từng bước loại bỏ yếu
tố lạc hậu trong văn hóa, góp phần hình thành một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa.
Nguyên tắc đại chúng hóa trong phát triển văn hóa có lẽ là một
trong những điểm nhấn quan trọng. Đại chúng ở đây được hiểu là văn hóa được
hình thành bởi đa số nhân dân, dành cho đa số nhân dân, vì lợi ích đa số nhân
dân. Thực ra, nguyên tắc này không mới trong dòng chảy lịch sử tư tưởng phát
triển của đất nước, khác chăng là nguyên tắc này được nhấn mạnh, cô gọn để trở
thành một kiểu triết lý phát triển. Ông cha ta đã từng nói: “Việc nhân nghĩa
cốt ở yên dân”, hay “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Đảng ta
đã thấy vai trò quan trọng của nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi cách
mạng. Để có thể đoàn kết, tạo ra sức mạnh từ nhân dân, văn hóa là yếu tố then
chốt. Khi chúng ta xây dựng được văn hóa yêu nước cho nhân dân, độc lập dân tộc
trở thành một điều tất yếu. Chính vì thế, chúng ta có thể hiểu Đội Việt Nam
Tuyên truyền Giải phóng quân là hệ quả tất yếu của sử dụng văn hóa để tạo ra
sức mạnh cho nhân dân. Văn hóa yêu nước được tạo ra bởi quần chúng nhân dân,
nuôi dưỡng bởi quần chúng nhân dân! Và như vậy, chăm sóc, xây dựng văn hóa cho
nhân dân trở thành nhiệm vụ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Nguyên tắc đại
chúng hóa đã tạo điều kiện cho phát triển văn hóa, định hình sự phát triển văn
hóa từ năm 1943 đến tận ngày nay.

PV: Theo đồng chí, làm thế nào để những giá trị căn bản của Đề cương
văn hóa Việt Nam 1943 tiếp tục được phát huy trong tương lai?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Để Đề cương văn hóa
Việt Nam 1943 có sức sống mới trong bối cảnh ngày hôm nay, bên cạnh việc tuyên
truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Đề cương nói riêng,
sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, nhất thiết chúng ta cần cập nhật những
nội dung mới, phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại. Trên thực tế, kể từ sau
năm 1943, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận nhằm phát triển văn
hóa, đáng lưu ý nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban Chấp hành Trung
ương khóa VIII), Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành Trung ương
khóa XI), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát
triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Các văn kiện này đã cụ thể hóa 3
nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương.
Độc đáo lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ
Qua các lần bổ sung ấy, những nội dung mới như nguyên tắc dân
tộc hóa đã được bổ sung những giá trị của thế giới để trở thành nền văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ở đó, “Cùng với việc giữ gìn và phát triển
những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế
giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu
tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống
mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện "diễn biến hòa bình". Đối
với nguyên tắc khoa học hóa, chúng ta cần hướng các hoạt động văn hóa, giáo
dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng
tới chân - thiện - mỹ; nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt
Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và
hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập trở thành nhiệm vụ
xuyên suốt qua các nghị quyết của Đảng về văn hóa.
Bên cạnh đó, quan điểm xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự
nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò
quan trọng là sự bổ sung cho nguyên tắc đại chúng hóa trong phát triển văn hóa
của Đảng, trong đó nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam phấn đấu vì dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh đều tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển
nền vǎn hóa nước nhà. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng khối đại đoàn
kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa
dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với
nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn
hóa”.
Vì văn hóa liên quan đến toàn bộ xã hội, nên những nguyên tắc
dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa cần phải được thẩm thấu vào trong toàn
bộ hệ thống luật pháp, trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội
của cả đất nước và từng địa phương. Điều đó giúp lan tỏa sức sống lâu bền của
Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện
tại và cả tương lai.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!