Hiện
nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh hô hấp phát triển,
do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa. Bệnh
cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt
mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm
A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Bệnh
có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay
dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi
phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là
người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy
giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có
thể dẫn đến tử vong. Vi-rút
cúm là những vi-rút trong không khí, nghĩa là chúng có thể di chuyển trong
không khí và lây lan từ người này sang người khác. Chúng thường xâm nhập vào
bên trong cơ thể thông qua mũi, miệng, hoặc mắt – bằng cách hít vào hoặc do bàn
tay bị dính bởi vi khuẩn rồi chạm vào vùng miệng, mũi hoặc mắt. Thông thường,
tình huống này xảy ra là vì khi một người có vi-rút cúm ở bàn tay, có thể do họ
ho hoặc hắt hơi vào bàn tay. Những người khỏe mạnh sẽ lây nhiễm vi-rút cúm này
thông qua tiếp xúc bàn tay với người bị bệnh, hoặc do chạm vào những đồ vật
chứa mầm bệnh cúm vừa mới tiếp xúc với một người bị bệnh. Một người tiếp xúc
với người bị cúm càng lâu thì nguy cơ bị lây nhiễm cúm càng cao. Tất cả các vi-rút cúm tấn công vào hệ hô hấp của cơ
thể - phổi và đường dẫn khí, bao gồm hầu họng và mũi – gây ra những triệu chứng
của bệnh cúm điển hình. Đôi khi rất khó để có thể
phân biệt được giữa cúm và cảm lạnh thông thường nếu chỉ dựa vào triệu chứng
thông thường. Tuy nhiên, nhìn chung thì cúm có thời gian khởi phát bệnh ngắn
hơn, các triệu chứng sẽ nặng hơn và có thể kèm theo sốt và đau cơ. Còn đối với
cảm lạnh thông thường, các triệu chứng thường xuất hiện từ từ và thường chỉ ảnh
hưởng đến mũi, họng, xoang và phần ngực trên.
Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa
Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu
trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm
phổi do cúm. Tại Việt Nam, năm 2019, số ca mắc cúm và tử vong do cúm trong cả
nước thấp hơn so với năm 2018, cụ thể như sau: 11 tháng năm 2019 ghi nhận
408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10,4% số mắc và giảm 02
trường hợp tử vong so với cùng kỳ 11 tháng năm 2018). Tại các bệnh viện tuyến
cuối, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có gia tăng số trường hợp cúm nhập
viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện
tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ. Tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng vi
rút cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng
thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người. Các chủng vi rút cúm được ghi
nhận chủ yếu là vi rút cúm A(H1N1) và vi rút cúm B.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y
tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường
xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước
muối.
2.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ chất để nâng cao thể trạng.
3.
Tiêm vắc xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
4. Hạn chế
tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần
thiết.
5.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để
được khám, xử trí kịp thời.