Hỗ trợ trang phục, đạo cụ, góp phần thúc đẩy hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian được bảo tồn và phát triển
Thời gian qua, các nội dung hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng
đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã tiếp thêm nguồn lực để bảo tồn
bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Nậm Nhùn. Việc đầu tư, hỗ trợ được thực hiện qua các dự án về xây dựng cơ sở vật
chất, tổ chức các lớp truyền dạy, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, tạo điều kiện để văn hóa truyền thống
được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại.
Trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Mảng được trưng bày giới thiệu.
Với mục tiêu lưu giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc theo tinh thần
Nghị quyết Trung
ương 5 khoá VIII, đặc biệt lưu
giữ nét đẹp văn hoá các dân tộc ít người; để cụ thể hóa việc thực hiện bảo tồn,
phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc cho đồng bào dân tộc Mảng, Cống
thuộc Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn
nhiều khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thời gian qua UBND huyện
Nậm Nhùn đã xây dựng kế hoạch và triển khai hỗ trợ cho các đội văn nghệ và
các nhà văn hóa bản thuộc các xã Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải, Nậm Pì, Nậm
Hàng, Nậm Chà.
Theo đó trên địa bàn huyện có 15 đội văn nghệ đủ điều kiện để hỗ trợ trang phục,
đạo cụ và 12 nhà văn hóa bản đủ điều kiện để hỗ trợ cấp trang thiết bị. Tại các
đội văn nghệ nội dung chủ yếu hỗ trợ là Trang phục, đạo cụ múa như giầy, hoa
cài tóc, hoa cài tay, mẹt múa, nó múa, khăn múa, trống xòe. Còn tại các nhà văn
hóa trang thiết bị được cấp, như: Loa kéo di động, bục phát biểu, ghế Inox, bộ
trang trí khánh tiết nhà văn hóa, bàn hội trường nhà văn hóa… Thông qua các chương trình hỗ trợ sẽ góp phần phổ
biến, xây dựng và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ dân gian các DTTS nói
chung, dân tộc Cống, Mảng nói riêng, thúc đẩy các hoạt động văn hóa văn nghệ
của các đội văn nghệ dân gian cơ sở tại địa phương, thiết thực vào phát triển
kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, tạo điều kiện để các đội văn nghệ dân gian truyền thống dàn dựng
và biểu diễn các chương trình văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện
văn hóa, xã hội, ngày lễ, kỷ niệm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần
của đông đảo quần chúng nhân dân ở địa phương.
Có thể thấy, Dự án 9 đã và đang đóng góp
tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào
các DTTS
nói chung và nhóm đồng bào dân tộc rất ít người tại huyện
Nậm Nhùn nói riêng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp
chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc đẩy
mạnh các hoạt động bảo tồn văn hóa, tạo điều kiện để văn hóa truyền thống được
kế thừa và phát triển bền vững.