Đào tạo nghề, giải quyết việc làm giải pháp để giảm nghèo bền vững
Để nâng cao
thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, những năm gần đây, huyện
Nậm Nhùn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề
gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội, giảm nghèo bền vững.
Từ đầu năm đến nay, huyện Nậm Nhùn đã tổ
chức được 3 lớp dạy nghề, trong đó có 2 lớp nuôi phòng trị bệnh cho trâu bò, 1
lớp nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đăng kí tham gia lớp dạy nghề trồng quế sắp
triển khai, anh Mùa A Dế, bản Huổi Van, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu
rất mừng bởi sẽ biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng
cao chất lượng cây trồng.
Chia sẻ với chúng tôi anh Dế cho biết:
Công việc của tôi và gia đình chủ yếu là làm nương rẫy, lao động vất vả những
vẫn nghèo, sau khi được cán bộ tuyên truyền, tôi đã tham gia lớp học dạy trồng
cây quế, tôi vui bởi tham gia lớp học tôi biết cách trồng, chăm sóc và thu
hoạch quế, cây quế lớn nhanh từ đó sẽ có thu nhập cao hơn, tôi và gia đình đều
mừng.
Nậm Nhùn có gần 19 nghìn lao động từ 15 tuổi trở lên.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có
gần 19 nghìn lao động từ 15 tuổi trở lên, trong đó có gần 18 nghìn lao động
đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân, trên 900 lao động đi làm việc tại các
công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh. 6 tháng đầu năm Phòng Lao động – Thương binh
xã hội huyện đã phối hơp tổ chức được 11 hội nghị tuyên truyền, tư vấn tuyển
dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, công ty, doanh nghiệp trong
nước và xuất khẩu lao động cho các xã, thị trấn với 389 lượt tham gia; giải
quyết việc làm mới cho 359/610 lượt lao động, trong đó lao động đi làm việc
nước ngoài theo hợp đồng là 24 lao động, việc tại các thị trường: Đài Loan; Hàn
Quốc; Nhật Bản, thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo
hợp đồng lao động cho 11 lao động với tổng số tiền 57 triệu đồng.
Nhìn lại chặng đường dài đã qua, bên cạnh
những “trái ngọt” gặt hái được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên
địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Người lao động trên địa bàn huyện phần
lớn là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế về nhận thức, trình
độ tay nghề, ngoại ngữ và khả năng làm việc nhóm còn yếu, thiếu tác phong công
nghiệp; tâm lý ngại đi làm việc xa gia đình...
Tìm lời giải khắc phục những khó khăn ấy,
để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, huyện Nậm Nhùn xác định tiếp tục
đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với phát triển thị
trường lao động, liên kết vùng để cung ứng lao động và chuyển đổi cơ cấu ngành
nghề. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp đối với
người dân, nhất là học sinh các trường THCS, THPT và phổ thông dân tộc nội trú.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh
nghiệp, người lao động và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy nghề
gắn với giải quyết việc làm, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương.
Bà Lại Thị Huế, Trưởng Phòng Lao động –
Thương binh xã hội huyện Nậm Nhùn cho biết: Trong 6 tháng cuối năm 2024, phòng
đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện, tiếp nối hành trình mang cuộc
sống tốt đẹp hơn cho người dân và để không lỡ hẹn với kế hoạch đã đề ra, chúng
tôi sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng
lợi các mục tiêu, qua đó góp phần xứng đáng là "cánh tay nối dài"
Đảng, Chính phủ, Quốc hội… trong việc đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Có thể nói rằng, hiệu quả công tác đào tạo
nghề nông thôn là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu quốc gia và phát triển
nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho người lao động. Thời gian tới huyện Nậm
Nhùn sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho người lao động,
từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương.