Trường
PTDTBT Tiểu học Nậm Ban, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn nằm trên địa bàn vùng sâu,
vùng xa kinh tế còn kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, kết cấu hậ tầng
chưa đồng bộ, dân cư thưa thớt, điều kiện đi lại rất khó khăn. Một bộ phận người
dân còn chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình, còn có tư tưởng đó là
trông chờ, phó mặc con em mình cho nhà trường. Và những thực trạng ấy đã khiến
cho học sinh bỏ học hoặc đi học không đều là một vấn đề lớn đối với nhà trường
hiện này. Đứng trước tình hình đó thì nhà trường cũng đã có nhiều giải pháp để
duy trì sỹ số học sinh, trong đó công tác tuyên truyền vận động học sinh đến
trường là điểm sáng của đơn vị.
Những ngày cuối tuần cuối
tháng 9 năm 2023, theo chân các thầy cô giáo của điểm trường Nậm Vạc 2 đi lên bản
Nậm Vạc 2 và được nghe những câu chuyện động viên, những lời chỉ dạy của những
người đang công tác tại những vùng sâu, vùng xa với học sinh, chúng tôi mới thấu
hiểu được sự vất vả của những giáo viên vùng cao nơi đây. Và hơn hết là tình
thương mà các thầy cô đã dành cho những đứa trẻ vùng cao biên giới. Ghé thăm hộ
gia đình của anh Lều A Giao, bản Nậm Vạc 2 là gia đình có 2 con đang học tại điểm
trường. Sau khi được các thầy cô giáo vận động, tuyên truyền gia đình anh cũng
đã hiểu và ngay từ đầu năm anh luôn đưa con đi học đầy đủ.
Anh Lều A Giao, bản Nậm
Vạc 2, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn cho biết: Tôi có 2 đứa con đang theo học lớp
1 và lớp 2 trong thời gian qua cũng được các thầy các cô đến nhà vận động bản
thân tôi cũng ý thức được là phải cho con đi học đầy đủ, bên cạnh đó tôi cũng
đi vận động các hộ gia đình có con em đang tuổi ăn học trong bản là cho con đến
trường đến lớp.
Các thầy cô Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn đến từng hộ gia đình các em học sinh để vận động các em tới trường trước khai năm học mới bắt đầu.
Trong năm học 2022 –
2023, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban có 335 học sinh, 23 giáo viên, 199 học
sinh bán trú. Trong những năm học vừa qua tỷ lệ chuyển cấp của nhà trường đạt
99,4%, học sinh được đánh giá học sinh xuất sắc đạt 17,7%, huy động 100% trẻ em
6 tuổi vào lớp 1 và duy trì 100% học sinh trong độ tuổi đi học. Năm học 2023 –
2024 nhà trường có 338 học sinh, 24 giáo viên, 215 em học sinh ở bán trú. Để đạt
được kết quả đó nhà trường luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng chính
quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác huy động học sinh trong độ tuổi đến
trường, cấp ủy chính quyền xã Nậm Ban đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trường
học trên địa bàn của xã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa tạo ra
các sân chơi thiết thực bổ ích nhằm thu hút học sinh giúp các em hình thành
thói quen thích đi học và từng bước hiểu được lợi ích của việc học tập. Mặt
khác để tạo sự yên tâm đối với phụ huynh học sinh ở xa cho con lưu trú tại trường,
xã đã chỉ đạo nhà trường quan tâm làm tốt công tác quản lý học sinh nội trú, đảm
bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng nâng cao khẩu phần bữa ăn hàng ngày.
Nhờ đó tạo sự yên tâm phấn khởi cho học sinh, giúp các em cảm nhận được sinh hoạt
ở trường gần gũi ấm áp như là ở nhà, góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường,
thúc đẩy chất lượng giáo dục ngày càng phát triển.

Giờ học của các thầy và trò điểm trường Nậm Vạc 2, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn.
Thầy giáo Lường Văn
Văn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn cho
biết thêm: Để đảm bảo công tác duy trì chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và chuẩn
phổ cập xóa mù chữ thì nhà trường đã xây dựng kế hoạch để mở lớp sau đó là rà
soát đối tượng học sinh theo đối tượng phổ cập và xây dựng kế hoạch phân công
giáo viên giảng dạy ở các điểm bản và ở điểm chính. Phân công cụ thể cho từng
giáo viên đi vận động học sinh ra lớp đầy đủ và huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1
cũng như huy động học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 tại các điểm bản về trung tâm học
và ở bán trú.
Bằng sự nhiệt huyết và
tinh thần nghề nghiệp, sự quan tâm yêu thương đối với học sinh dân tộc, các thầy
cô giáo cắm bản vẫn đang từng ngày nỗ lực vượt gian khó mang cái chữ đến với đồng
bào. Nhờ đó góp phần vun đắp tạo tiền đề để học sinh vùng cao vươn lên bằng tri
thức và có một nền tảng kiến thức đầy đủ để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn,
giúp các bản làng vùng sâu, vùng xa sớm thoát nghèo và đi lên.