Hiệu quả từ việc bảo tồn phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc
Nậm Nhùn là huyện miền núi, biên giới với 11 dân
tộc anh, em cùng sinh sống. Những năm qua nhận thức rõ
vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các
cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá
trị văn hóa truyền thống các dân tộc góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện
ngày càng phát triển, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết
các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Văn hóa truyền thống các dân tộc góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của huyện.
Để phát huy giá trị văn hóa
truyền thống các dân tộc, huyện Nậm Nhùn đã thực hiện tốt các
chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá
trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện
hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, huy động sự
vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng và phát triển văn
hóa, con người, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Khôi phục nhiều hoạt động văn
hóa tốt đẹp như: Tổ chức lễ hội truyền thống của dân tộc Cống, Mảng; mở lớp
truyền dạy truyền thống văn hóa cho đồng bào dân tộc Mảng; khôi phục các làn
điệu dân ca, điệu múa dân gian cho đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Mông. Tiếp
tục triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương
Bác Hồ vĩ đại”, duy trì việc tổ chức các giải thi đấu thể thao hàng năm để thúc
đẩy phong trào thể thao quần chúng. Đối với các đơn vị trường học việc giáo dục
thể chất luôn được chú trọng, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo
đức, kỹ năng sống, góp phần nâng cao sức khỏe cho học sinh phát triển toàn diện
về trí tuệ và thể chất. Phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phong
trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc”, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo được triển
khai hiệu quả... Tính đến hết năm 2023, toàn huyện có 85,38% gia đình đạt văn
hoá; 86,96% bản, tổ dân phố đạt văn hoá; 97% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt
chuẩn văn hoá. 100% các cơ quan, đơn vị đưa nội dung ứng xử văn hóa trong thực
thi công vụ, phục vụ Nhân dân vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; 100%
các đơn vị trường học xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, an toàn và
thân thiện; 100% các bản, tổ phố đều có quy định cụ thể trong quy ước, hương
ước về trách nhiệm của mỗi gia đình, công dân đối với việc xây dựng môi trường
văn hóa lành mạnh cũng như việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, Pháp luật của Nhà nước.
Nét truyền thống độc đáo được lưu giữ trong Lễ hội Mìn lóong phạt của đồng bào dân tộc Cống xã Nậm Chà.
Chỉ đạo thực hiện tốt nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giảm bớt những hủ tục lạc hậu, mê
tín dị đoan. Tích cực xây dựng nông thôn mới đảm bảo các tiêu chí theo quy
định, hiện nay có 03/11 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới. Việc bảo tồn, phát huy các giá
trị văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa kết hợp với các hoạt
động phát triển kinh tế, du lịch bền vững cũng được chú trọng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ; duy trì việc tổ
chức hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện, thành lập câu lạc bộ văn hóa,
văn nghệ, câu lạc bộ bóng chuyền hơi, đua thuyền được triển khai đồng bộ. Những kết quả đó là động lực, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của văn
hóa để thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, giữ vững an
ninh chính trị trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, bảo vệ vững chắc vùng biên giới
của Tổ quốc.
Lễ hội đua thuyền đuôi én, đua bè mảng được huyện Nậm Nhùn duy trì tổ chức mỗi dịp đầu năm mới.
Tuy nhiên để
văn hóa trở thành động lực cho huyện Nậm Nhùn ngày càng phát triển, thời gian tới cần tăng cường
sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nâng cao hiệu quả quản lý
nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương, quản lý tốt các lĩnh vực như: di sản văn hóa, các dịch vụ văn hóa, văn
nghệ quần chúng, tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội, hương ước, quy ước, công
tác gia đình... Cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, ban
hành hệ thống văn bản phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương. Đẩy
mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá
trị văn hóa truyền thống gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường,
giữ gìn an ninh, trật tự xã hội trong hoạt động kinh doanh du lịch; quan tâm,
chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công
tác văn hóa, nhất là tại cơ sở để có đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nhiệt
tình, tâm huyết, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.