Chỉ còn thời gian ngắn nữa là học
sinh các cấp trên địa bàn huyện Nậm Nhùn kết thúc năm học và bước vào kỳ nghỉ
hè kéo dài. Trước nguy cơ tại nạn đuối nước thường xảy ra trong dịp hè, huyện Nậm
Nhùn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chủ động triển khai nhiều biện
pháp nhằm nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước, để từ đó, các em thực sự có
một mùa hè bổ ích, an toàn.
Năm
học 2024-2025, huyện Nậm Nhùn có 28 trường, 382 lớp, 9.721 học sinh từ bậc học
mầm non đến trung học cơ sở do Phòng GD&ĐT huyện quản lý. Là huyện có một độ
sông suối khá dày đặc, nhất là các xã Nậm Hàng, Nậm Manh, Mường Mô, Nậm Chà, Nậm
Pì và Lê Lợi. Các hồ chứa nước được hình thành từ nhà máy thủy điện, công trình
thủy lợi với độ sâu lớn được xây dựng ở các xã, thị trấn. Nhiều học sinh chưa
biết bơi nhưng do nắng nóng cũng theo bạn bè ra những khu vực nguy hiểm để tắm.
Mùa hè cũng là thời điểm mùa mưa, mực nước sông suối lên cao, ao hồ nhiều nước.
Cùng với đó, không còn sự quản lý, giám sát của thầy, cô giáo, một số bậc phụ
huynh chủ quan trong việc quản lý con em mình nên nguy cơ xảy ra đuối nước đối
với học sinh rất cao.
Bà
Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn chia sẻ:
"Ngay từ đầu tháng 4, phòng chỉ đạo các trường học tổ chức tuyên truyền,
giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước trong các buổi chào cờ, sinh hoạt
lớp. Thông qua các hình thức chiếu video trực quan, mời cán bộ công an, y tế địa
phương đến nói chuyện chuyên đề. Theo đó, các em được trang bị thêm những kiến
thức cơ bản như: cách nhận biết khu vực nguy hiểm, kỹ năng sơ cứu khi gặp người
bị nạn, ứng xử an toàn khi đi tắm sông, suối”
Tập bơi và hướng dẫn các kỹ năng xử lý đuối nước cho thanh thiếu nhi luôn được huyện Nậm Nhùn đặc biệt quan tâm.
Đoàn
Thanh niên các xã: Nậm Hàng, Nậm Ban, Hua Bum tổ chức các lớp học bơi và kỹ
năng cứu hộ cơ bản cho học sinh. Các em được dạy kỹ năng xử lý tình huống khi bị
rơi xuống nước hoặc khi thấy người khác bị nạn, cách tự cứu và gọi người trợ
giúp khi gặp sự cố. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các nhà trường, chính quyền
xã và phụ huynh tổ chức hoạt động vui chơi bổ ích cho thiếu nhi; khuyến khích tham
gia các hoạt động hè an toàn, lành mạnh như thể thao, văn nghệ, sinh hoạt hè tại
bản. Dựng rào chắn, làm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm như: ao hồ,
sông suối, đập tràn gần khu dân cư. Đặc biệt tại xã Nậm Hàng, ban giám hiệu các
nhà trường tham mưu UBND xã lắp đặt phao cứu sinh hoặc cọc đánh dấu khu vực nước
sâu. Rà soát điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để xử lý hoặc giám sát thường xuyên,
hướng dẫn học sinh sử dụng áo phao khi đi thuyền, bè. Với các xã Lê Lợi, Mường
Mô, Nậm Chà tổ chức ký cam kết giữa nhà trường - phụ huynh học sinh tuân thủ
các quy định phòng tránh đuối nước. Khi học sinh đi thuyền, bè cùng bố mẹ nhất
định phải mặc áo phao và có các dụng cụ nổi đi kèm.
Bên
cạnh sự chủ động của ngành Giáo dục, các tổ chức đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Hội
Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ huyện cũng vào cuộc tích cực. Nhiều hoạt động
thiết thực sẽ được triển khai trong thời gian tới như: "Chiến dịch hè an
toàn - phòng, chống đuối nước cho trẻ, “Một kỹ năng sống - Một lá chắn an
toàn", nhằm lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm chung của toàn xã hội
trong việc bảo vệ trẻ em, học sinh dịp hè. Tổ chức các lực lượng thường xuyên
tuần tra, kiểm soát những khu vực mà các em hay tắm để nhắc nhở kịp thời.
Thầy
giáo Bùi Văn Sạo - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và
Trung học cơ sở Nậm Ban chia sẻ: “Dịp hè, chúng tôi rất lo lắng vì học sinh thường
rủ nhau ra suối tắm mà không có người lớn đi cùng. Nhà trường sẽ thực hiện tốt
công tác bàn giao học sinh trở về địa phương sau khi kết thúc năm học. Lập danh
sách những học sinh chưa biết bơi để phối hợp với Đoàn xã tổ chức lớp học bơi
miễn phí ngay trong dịp hè này. Với nhà trường, việc bảo vệ an toàn tính mạng
cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu, không thể chủ quan hay xem nhẹ".
Mặc
dù các cấp, ngành, địa phương của huyện chủ động vào cuộc từ sớm, tuy nhiên
theo quan sát thực tế, hiện thời tiết bắt đầu nắng nóng, trên địa bàn vẫn có một
bộ phận học sinh nô đùa, tắm ở khu vực nguy hiểm mà không có sự giám sát của
người lớn. Thiết nghĩ, phòng, chống đuối nước cho học sinh cần trở thành việc
làm thường xuyên, lâu dài với sự tham gia tích cực của toàn xã hội