Từ xa xưa dân tộc Mảng sinh sống trên địa bàn xã Nậm Pì huyện Nậm Nhùn đã hình thành những, phong tục, văn hóa đặc sắc riêng trong đó phải kể đến nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mảng với nhiều bài hát điệu múa hay đặc sắc cần được lưu giữ cho muôn đời sau.
Xã Nậm Pì có 260 hộ, 1.092 nhân khẩu dân
tộc Mảng sinh sống tại 6 bản Nậm Vời, Nậm Pì, Pá Bon, Pá Sập, Pá Đởn, Nậm Sập,
đồng bào nơi đây có kho tàng di sản văn hoá phi vật thể rất đa dạng, phong phú,
giàu bản sắc văn hoá truyền thống đặc trưng của dân tộc mình, trong đó còn lưu
giữ được các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: bài hát, bài sáo, điệu
múa dân tộc Mảng…Hầu như các loại nhạc cụ của họ đều có sự giao lưu, học tập của
người Thái. Phần ca hát không có một giai điệu định sẵn, chỉ ứng tác theo vần,
giọng hát trầm, buồn, u uất, muốn bứt phá ra, vút cao lên nhưng bị nghẹn lại.
Cũng như các dân tộc khác, người Mảng có những ứng tác lúc đi nương, khi đánh bắt
cá, có chủ đề ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi Đảng, Chính phủ. Các điệu múa
“dân vũ” của dân tộc Mảng được sử dụng trong dịp mừng nhà mới, trong lễ mừng
lúa mới; ấy là khi rượu đã uống ngà ngà, cuộc vui đã bắt đầu nhộn nhịp, rộn
ràng; cùng với tiếng trống trai gái Mảng cùng nắm tay nhau thành một vòng tròn
và “xòe” theo kiểu của người Thái. Chân cũng nhún, tay đưa ra phía trước rồi ra
phía sau theo nhịp trống, nhưng đơn giản rất nhiều so với các điệu xòe của người
Thái.
Về nhạc cụ: Đàn, sáo của người Mảng do họ
tự đánh, tự thổi theo cảm hứng, không dùng để đệm cho người hát. Rất ít Nghệ
nhân có thể thể thổi được cho người hát bằng tiếng Mảng, nhạc cụ của người Mảng
gồm có: “Tứng” (đàn tính), “lờ lầm” (sáo dài) và “pai làng” (cồng, chiêng). Tứng
được làm bằng quả bầu cắt lấy gần nửa, cần đàn được cắm vào bầu có 2 dây như
cây đàn tính tẩu của người Thái. Dây trầm, thanh; cách lên dây cũng như đàn
tính tẩu, người già Mảng nói rằng sau này giao lưu với người Thái mới có loại nhạc
cụ này.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mảng, trong đó có nghệ thuật
trình diễn dân gian, xã Nậm Pì đã phối hợp với huyện đã triển khai thực hiện bảo
tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mảng thông qua việc mở lớp nghệ thuật
trình diễn dân gian dân tộc Mảng tại bản Pá Bon xã Nậm Pì. Tham gia lớp học có
30 học viên là đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn xã, tại lớp truyền dạy bà con
nhân dân dân tộc Mảng sẽ hướng dẫn cho các học viên biết hát những bài hát cơ bản
của đồng bào dân tộc Mảng, biết được cái hay, ý nghĩa của các bài hát; biết được
cách sử dụng và biết thổi nhạc cụ sáo người Mảng (Lờ lầm) đồng thời biết múa một
số điệu múa của dân tộc Mảng. Trang bị cho học viên những kiến thức, kĩ năng,
kĩ thuật cơ bản nhất, và một số phương pháp lấy hơi, bước đi và các động tác
tay, chân, nét mặt trong quá trình hát, múa, thổi sáo.Tạo điều kiện để lớp trẻ
người tìm hiểu, tiếp thu văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa
trong đời sống cộng đồng.
Chị Điêu Thị Thân – công chức văn hóa
xã hội xã Nậm Pì cho biết: Thông qua lớp
truyền dậy góp phần sưu tầm, khôi phục và gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ của
dân tộc Mảng. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn
hóa tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện để lớp trẻ tìm hiểu, tiếp thu văn hóa
truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa trong đời sống cộng đồng.”
Ngoài ra trên địa bàn xã đã có 6 đội
văn nghệ dân tộc Mảng thu hút đông đảo đồng bào Mảng tham gia hưởng ứng, từ đó,
góp phần phát huy những nét đẹp truyền thống, đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn,
phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Các đội văn nghệ dân tộc Mảng đã và đang góp
phần gìn giữ tiếng nói, trang phục truyền thống, nét đẹp trong nghệ thuật trình
diễn văn hóa dân gian dân tộc Mảng.
Đồng chí Vũ Văn Thân- Chủ tịch UBND xã Nậm Pì cho biết: “Nhằm bảo tồn
và phát huy giá trị của nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mảng nói chung
và văn hóa đặc sắc của dân tộc Mảng nói riêng, xã đã làm tốt công tác tuyên
truyền cho nhân dân về mục địch ý nghĩa của văn hóa dân tộc. Duy trì hoạt động
các đội văn nghệ dân tộc Mảng, thường xuyên tập luyện các bài hát điệu múa dân
tộc. Tổ chức cho người dân tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi trang
phục dân tộc do huyện tổ chức.”
Đặc biệt trong những ngày Tết hoặc tại
các lễ hội, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc không thể thiếu các bài hát điệu múa, bài sáo dân tộc Mảng. Từ
hoạt động của các đôi văn nghệ, nhiều người đã tham gia luyện tập và biết thêm
các hình thức diễn xướng dân gian, đây cũng là những người trực tiếp gìn giữ
nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mảng cho thế hệ sau.
Ngoài ra để nghệ thuật trình diễn dân
gian được bảo tồn và phát triển rộng rãi trong cộng đồng, hàng năm huyện đã tổ chức các ngày hội văn
hóa thể thao các dân tộc, tuần văn hóa
du lịch…tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống, nghề đan lát, may
trang phục dân tộc để đồng bào Mảng trên địa bàn huyện và xã Nậm Pì được giao
lưu văn hóa văn nghệ, thắt chặt thêm tình đoàn kết.
Trong thời gian tới để bảo tồn nghệ thuật
trình diễn dân gian dân tộc Mảng bên cạnh sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của các cấp,
mà còn cần sự chung tay của mỗi người dân trong việc gìn giữ, phát huy các giá
trị văn hóa của dân tộc để truyền lại
cho mai sau.