image banner
Những “Pháo đài thép” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong tiến trình phát triển, tùy theo phong tục tập quán mà mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau đều có những Người có uy tín tiêu biểu. Họ là những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc, tôn giáo, nhân sĩ trí thức trong cộng đồng người DTTS. Người có uy tín luôn có vị trí quan trọng không chỉ đối với gia đình, dòng họ mà còn khẳng định được vai trò dẫn dắt cộng đồng trong mọi hoạt động tại địa phương. Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, những người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện biên giới Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, nhiều năm qua đã thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong việc là “cầu nối” giữa ý Đảng với lòng dân. Họ được cộng đồng các dân tộc suy tôn như những “Pháo đài thép” và là “điểm tựa” cho mọi điểm tựa khác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và để hiểu rõ hơn về những đóng góp to lớn của những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

          Có lẽ đến bây giờ, đồng bào dân tộc Mảng ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu vẫn chưa thể quên được những gì đã diễn ra trong quá khứ của mình. Đây là địa phương đã quá nổi tiếng trên cả nước với những câu nói “Hot Trend” gây sốt cộng đồng như “một lít mới tỉnh” hay “không có rượu thì buồn nôn”. Chính với những câu nói nổi tiếng đó, mà bản Nậm Ô được người ta gắn cho cái tên là “bản nát”. Vì ở đó, dưới những nếp nhà gỗ chực chờ đổ ụp, đàn ông uống rượu thay cơm, thâu đêm suốt sáng, đàn bà sụt sùi khóc vì bất lực, còn trẻ con thì nheo nhóc, khiến cho khung cảnh bản làng trở nên nhếch nhác đói nghèo. Cả bản nghèo dường như chìm trong men rượu. Quẩn quanh chỉ là những ánh mắt đờ đẫn không còn sức sống. Rượu nhiều, rượu vô tội vạ đã khiến vẻ bề ngoài của những người đàn ông sức dài vai rộng vốn là trụ cột gia đình trở nên thân tàn ma dại, thân hình gầy còm không còn sức lao động.

          Sâu bên trong vẻ xanh thẳm, trùng điệp của đại ngàn biên giới Nậm Ban là những "vết thương" vẫn còn đau âm ỉ dưới những nếp nhà của đồng bào dân tộc Mảng... Xót xa khi thấy đồng bào mình chìm đắm trong “men rượu” cùng đói nghèo đeo bám, trên cương vị là một người uy tín của bản, biết bao đêm ông Lý A Quân đã không thể nào chợp mắt, trong đầu ông chỉ quẩn quanh với suy nghĩ một điều rằng “Bằng mọi cách phải thay đổi nhận thức của chính đồng bào mình…”

          Ngày qua ngày, mỗi khi màn đêm buông xuống, với chiếc đèn pin trên tay ông Lý A Quân lại cùng Bí thư Chi bộ Chìn Me Long đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động, giải thích cho bà con bỏ rượu.

          Mưa dầm thấm lâu, bà con trong bản cũng đã dần nhận thức được tác hại của rượu và cũng từ đó mà câu chuyện từ con "ma men" ngày nào đã dần đi vào quá khứ. Để có được thành quả như vậy, là sự đánh đổi biết bao mồ hôi công sức, sự kiên trì mà ông Quân dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra và hơn hết là dành cho chính cộng đồng dân tộc của mình. Chia sẻ với chúng tôi Bí thư Chi bộ Chìn Me Long nói:

          Hiểu rõ Đảng và Nhà nước luôn quan tâm dành nhiều chính sách ưu đãi, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chính sách hỗ trợ từ Quyết định số 1672 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao"; vì vậy, ông Quân đã nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào do địa phương phát động. Đồng thời sử dụng ngôn ngữ đồng bào dân tộc Mảng của mình để tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con hiểu rõ chính sách chăm lo đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu thiểu số nói chung và dân tộc Mảng nói riêng.

anh tin bai

          Ông Quân (áo anh) người uy tín bản Nậm Ô đến các hộ dân để tuyên truyền.

            Là một trong những người đã từng quá nổi tiếng với những hình ảnh gây bão cộng đồng mạng về những hệ lụy của rượu. Nhớ lại, anh Chìn A Chăn không thể nào quên được những ngày tăm tối mà mình đã trải qua trong quá khứ. Khi được ông Quân tuyên truyền, giải thích, đồng thời cũng được thụ hưởng từ những chính sách quan tâm đặc thù của Đảng và nhà nước đối với đồng bào dân tộc rất ít người và các nghị quyết đúng đắn của tỉnh Lai Châu như: Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025 anh Chăn đã mạnh dạn đăng ký phát triển chăn nuôi gia súc tập trung. Đến nay gia đình anh đã xây dựng được đàn chăn nuôi gia súc với quy mô từ 15 đến 20 con. Bên cạnh đó tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh Lai Châu quy đinh chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2025, anh cũng đã đăng ký trồng thêm hơn 2 ha diện tích cây quế nhờ đó mà cuộc sống gia đình anh đã thay đổi nhiều so với trước. Hiện nay anh Chăn đang là một trong những hộ gia đình đi đầu của bản trong phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng quế, trồng nghệ và chăn nuôi gia súc. Gặp chúng tôi anh Chăn vui mừng chia sẻ:

anh tin bai

Bản Nậm Ô hôm nay....

          Không chỉ gia đình anh Chăn, mà nhiều hộ nghèo ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn nhờ có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các chương trình dự án của tỉnh Lai Châu đã tự vươn lên thoát nghèo và giờ đây họ đã có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn trước. Được biết bản Nậm Ô có 72 hộ dân sinh sống với 100% là đồng bào dân tộc Mảng, đây cũng là nhóm dân tộc ít người nhất Việt Nam.

          Về bản Nậm Ô, xã Nậm Ban hôm nay sẽ không còn nhìn thấy dáng vẻ của một “bản nát rượu” của quá khứ nữa, mà ở đó đã hiện lên những sắc màu của sự no ấm và bình yên. Ở đây đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, bản nghèo đã được “hồi sinh”. Niềm vui ấy hiện hữu rõ trên từng gương mặt, nụ cười của ông Lý A Quân và bà con dân bản nơi đây, khi chia sẻ câu chuyện làm ăn kinh tế, ai ai cũng phấn khởi vì được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đã dành nhiều dự án, chính sách dành cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Để mỗi chính sách, đề án, nghị quyết thực sự bám rễ, đâm chồi ở mảnh đất này.

anh tin bai

Ông Quân (người đội mũ lưỡi trai) cùng cán bộ xã kiểm tra diện tích quế mới trồng.

          Chia tay bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, di chuyển mất hơn bốn giờ đồng hồ chúng tôi đến với bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nơi có 100% đồng bào dân tộc Cống sinh sống. Nhớ lại những năm trước kia, khi cái đói, cái nghèo đeo bám người dân trong bản đã rất nhiều năm. Bên cạnh lý do địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu có nhiều khó khăn, còn bởi tập tục, tư tưởng trông chờ, ỷ lại ăn sâu trong một bộ phận người dân địa phương đã trở thành rào cản khó tháo dỡ. Tuy nhiên trong những cái khó đó, vẫn có những người tiên phong như ông Lò Văn Na một người con của đồng bào dân tộc Cống, một người uy tín trong cộng đồng. Với những bước đi mạnh mẽ của ông đã vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai…bước qua những bảo thủ và lạc hậu với mong muốn đánh thức vùng đất nghèo. Những nỗ lực khiến đất nở hoa là sự phản ánh một hành trình gieo mầm miệt mài của ông Na với hy vọng một ngày miền đất khó sẽ nở hoa, kết trái.

          Có lẽ, với những ai trước đây đã có lần đến thăm bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, giờ quay lại sẽ không khỏi bất ngờ bởi sự đổi thay ở nơi đây. Thay cho con đường đất và những căn nhà mái tranh vách nứa là con đường bê tông rộng đẹp, những nếp nhà kiên cố, mái tôn đỏ thắm. Điểm xuyết vaò những đổi thay ấy còn là màu xanh mướt của cây quế được phủ kín trên các đám nương trước đây vốn là chỗ của những cây ngô, cây sắn. Ngắm nhìn màu xanh ấy mới thấy được nơi đây đã có sự đổi thay đến nhường nào, đổi thay từ trong cách nghĩ, cách làm của những người nông dân chân chất. Mảnh đất ấy giờ đây được xem là nơi ươm trồng và thăng hoa những ước mơ làm giàu, bởi chẳng ai trong họ có thể nghĩ được là có ngày họ biến những đồi núi hoang sơ thành những đồi quế xanh tốt như bây giờ.

          Nhắc đến người tiên phong mở lối ở nơi này không thể không nhắc đến ông Lò Văn Na, người mà cộng đồng dân tộc Cống ở Táng Ngá ai cũng tin và biết ơn, vì ông đã là người tiên phong cùng họ tìm được con đường thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.

          Ông Lò Văn Na vẫn còn nhớ như in về cuộc sống khó khăn, vất vả của 104 hộ dân đồng bào dân tộc Cống trong bản trước kia, khi kinh tế chủ yếu là trồng trọt chăn nuôi kém hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế người dân chủ yếu là tự cung tự cấp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, con đường vào bản còn lầy lội nên rất khó khăn cho việc đi lại giao thương hàng hóa. Với cương vị là một người uy tín lại là một Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Sau khi được tham gia đi học hỏi kinh nghiệm trồng quế của bà con tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái để về áp dụng tại địa phương mình. Ông Lò Văn Na đã mạnh dạn tiên phong đi đầu và vận động người dân chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang trồng quế. Đặc biệt khi Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” và các Nghị quyết của HĐND tỉnh Lai Châu được ban hành đã tạo sức bật giúp ông Na và bà con trong bản bứt phá vươn lên. Được biết, trong quá trình trồng bà con được hỗ trợ công chăm sóc và hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, phân bón, bên cạnh đó được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Hiện nay bản đã có khoảng trên 125 ha cây quế, trong đó đã có hơn 40 ha đang cho thu hoạch cành, lá. Nhân dân trồng quế rất phấn khởi vì mới đây được ngành chức năng huyện Nậm Nhùn liên kết với Công ty Cổ phần sản xuất chế biến dược liệu huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tổ chức ký kết thu mua chế biến quế cho bà con. Những minh chứng cho sự đổi thay của một vùng đất nghèo, đã chứng minh cho các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án của tỉnh Lai Châu đã và đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ ở mảnh đất này.

anh tin bai

Người dân bản Táng Ngá ấm no từ cây quế....

          Chứng kiến bản làng bình yên, người dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, một số gia đình cơ ngơi đã khang trang, hướng đến làm giàu, mới cảm nhận được rõ nét vai trò cuả những người có uy tín như ông Na và các nghị quyết của Đảng đã “nở hoa” cùng cuộc sống của bà con.

          Không chỉ gương mẫu đi đầu trong xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tiên phong giúp đỡ bà con phát triển kinh tế. Những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu còn tích cực đấu tranh phản bác với những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về tự do tôn giáo, ví cử như già làng Lý A Nhè một người con của đồng bào dân tộc Mông ở bản Trung Chải, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

          Những năm gần đây các thế lực thù địch, phản động không ngừng nuôi dưỡng ý đồ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Bằng thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để dụ dỗ lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia cái gọi là đạo Giê Sùa – Bà Cô Dợ nhằm mục đích ly khai tự trị, thành lập nhà nước riêng đã len lỏi vào những bản làng vùng cao của xã biên giới Trung Chải, huyện Nậm Nhùn. Với những luận điệu viển vông mơ hồ như “Bà cô dợ được chúa trời chọn là người sinh ra chúa tái lâm lần thứ 2 cai quản thế giới hay trái đất sẽ bị hủy diệt ngày tận thế sắp bắt đầu, loài người diệt vong…ai theo Bà Cô Dợ sẽ thoát khỏi cái chết…”. Không chỉ vậy, trong các nhóm kín trên mạng xã hội, những người truyền đạo Bà cô Dợ còn đưa ra những thông tin phản khoa học. Cụ thể, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát khắp nơi, nguy hại đến tính mạng con người, nhưng Bà cô Dợ lại dọa bà con là tiêm vắc xin Covid-19 sẽ gây hại sức khỏe, làm giảm trí nhớ.

          Anh Giàng Súa Lồng, ở bản Trung Chải, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu là một trong số những người đã từng theo cái gọi là Đạo Bà Cô Dợ vì vợ con anh tin theo và lôi kéo. Thế nhưng, sau khi được già làng Lý A Nhè nói về những vấn đề không đúng, cùng với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền và sự vào cuộc của lực lượng công an anh đã không tin, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc nữa và quyết tâm trở lại sinh hoạt đạo tin lành thuần túy. Anh Giàng Súa Lồng cho hay: “Ngày xưa còn dịch Covid – 19, họ đã tuyên truyền cho chúng tôi là không được tiêm Vắc – xin phòng chống. Nếu tiêm thì sẽ bị ngu người, mất trí nhớ…sau khi được già làng và lực lượng công an tuyên truyền, vận động gia đình tôi đã không tin vào lời nói của kẻ xấu nữa…đi tiêm và thấy sức khỏe vẫn bình thường.

          Để có thể giải thích cặn kẽ giúp bà con hiểu không nghe theo kẻ xấu, hàng đêm già làng Lý A Nhè vẫn ngồi nghiên cứu và phân tích rất cụ thể về bản chất của 2 tổ chức Dê xùa và Bà Cô Dợ. Theo già làng Lý A Nhè thì hai tổ chức này đều chưa có giáo lý, giáo luận, hiến chương, điều lệ cụ thể mà chủ yếu là cắt xén, trích dẫn giáo lý của đạo tin lành. Sau đó quay lại đả kích các tôn giáo chính thống mà đồng bào Mông đang tin theo. Họ kích động đồng bào Mông không thực hiện chính sách của địa phương, kích động tư tưởng ly khai, tự trị nhằm lập nhà nước riêng. Đó là mục đích mà hai tổ chức này đang hướng tới. Nắm rõ, hiểu sâu về hoạt động của các tổ chức này, hàng ngày già làng Lý A Nhè lại đến từng hộ dân sử dụng tiếng Mông lân la trò chuyện, tác động tâm lý. Khi đến thì mang theo tấm bánh, manh áo cho con trẻ, lúc thì hạt giống hoa màu cùng công cụ canh tác ruộng nương cho bà con, rồi khéo léo nói chuyện để họ hiểu những hoạt động vi phạm pháp luật của tà đạo này mang đến cho bà con. Ròng rã nhiều năm như vậy, được sự ủng hộ của cộng đồng mà toàn bộ số bà con trong bản đang bị lôi kéo đã nhận ra đây chính là một loại tà đạo, dị giáo, nên đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ, không nghe, không theo nữa. Và dưới sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, họ tự tìm các hệ phái tôn giáo chính thống khác đã được Nhà nước công nhận để tin theo. Già làng Lý A Nhè cho biết:

          Không chỉ có những trái tim yêu bản làng thuần hậu như ông Lý A Quân; ông Lò Văn Na hay già làng Lý A Nhè đã và đang vun đắp, khiến những bản nghèo nơi biên giới hồi sinh. Mà hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có 69 người có uy tín ở 69 bản cũng đang phát huy được vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng các dân tộc. Trong suốt những chặng đường vừa qua, những người có uy tín không chỉ là “cánh tay nối dài” trong việc tập hợp, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng DTTS. Mà họ còn phát huy vai trò là cầu nối giúp các địa phương trong việc đưa những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các chính sách dân tộc. Tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của bản, xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Bên cạnh đó bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

anh tin bai

          Khẳng định vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại buổi nói chuyện với các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu tại Hà Nội ngày 21/12/2018 đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh “Các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác”. Chính vì vậy, thời gian qua huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cũng đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với Người có uy tín. Tạo điều kiện cho Người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương gắn với đẩy mạnh cung cấp, phổ biến thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh...Kịp thời biểu dương, khen thưởng người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, nhằm tạo phong trào thi đua rộng khắp trên địa bàn vùng DTTS huyện Nậm Nhùn. Chia sẻ xoay quanh nội dung này, ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết:

          Mỗi cá nhân người có uy tín có mức độ đóng góp, ảnh hưởng khác nhau trong cộng đồng nhưng ở họ đều có một điểm chung, đó là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, lời nói có trọng lượng, có sức thuyết phục, nói đi đôi với làm, nên đã tạo dựng được niềm tin với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng các dân tộc. Họ có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các hoạt động tự quản của cộng đồng…với những đóng góp to lớn đó, họ không những là cánh chim đầu đàn vững vàng, kiên cường dẫn dắt cộng đồng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vươn lên mà họ xứng đáng trở thành những “Pháo đài thép” trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

 

Bài, ảnh: Quang Thụy
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM NHÙN
Chịu trách nhiệm chính: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội.
Địa chỉ: Thị trấn Nậm Nhùn - Huyện Nậm Nhùn.
Điện thoại: 02133. 910.112 - Email: namnhun@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn namnhun.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên wedsite này.

Designed by VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang