Luân chuyển cán bộ chủ chốt cho các xã đặc biệt khó
khăn là chủ trương đúng và trúng của huyện Nậm Nhùn, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, tổ chức thực
hiện nhiệm vụ tại địa bàn đặc thù. Việc luân chuyển cán bộ có trình độ về địa
bàn khó khăn, không chỉ giúp cho những địa phương này hoàn
thành tốt nhiệm vụ, mà còn là môi trường tốt để cán bộ được rèn luyên, cọ
xát, trưởng thành từ thực tiễn.
Nậm
Nhùn là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh với
nhiều thành phần dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn cán bộ tại các xã khi mới
chia tách, thành lập đều yếu về năng lực chuyên môn; vấn đề an ninh nông thôn,
đơn thư khiếu kiện và các loại tội phạm diễn biến phức tạp, tình hình phát triển
kinh tế-xã hội rất khó khăn... Đến nay sau
hơn 5 năm triển khai đề án
luân chuyển cán bộ về cơ sở, các xã đặc biệt khó khăn có cán bộ được luân chuyển
về giữ các chức vụ chủ chốt đã khởi sắc về nhiều mặt. Đồng chí Lù Văn Quân, Phó
Bí thư thường trực Huyện ủy Nậm Nhùn khẳng định: Trong quá trình luân
chuyển cán bộ tại các địa phương, đặc biệt là tại các vùng khó khăn thì có thể
thấy được sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ khi thực hiện các nhiệm vụ công
tác tại các địa phương hết sức đảm bảo, cơ bản đến bây giờ các đồng chí được
luân chuyển đáp ứng nhiệm vụ được giao. Công tác luân chuyển cán
bộ vừa tạo môi trường rèn luyện cho cán bộ, vừa tăng cường nguồn lực cho cơ sở
còn gặp khó khăn.
Cán bộ chủ chốt được điều động, luân chuyển từng bước phát huy và khẳng định năng lực tại cơ sở.
Đảng bộ huyện Nậm Nhùn xem đây là khâu đột phá trong công tác đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 tới nay, huyện thực
hiện luân chuyển, điều động gần 20 lượt là cán bộ, công chức cấp huyện về các xã giữ các chức danh
lãnh đạo chủ chốt. Các đồng chí cán bộ luân chuyển trẻ, nhiệt tình, tâm huyết, dám
nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã được luân chuyển về các xã đặc biệt khó
khăn. Những cán bộ này đã cùng cấp ủy cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể xã tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh
tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo; bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu; giữ ổn
định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện tốt mối
quan hệ công tác với các cơ quan cấp huyện, đem lại chất lượng, hiệu quả cao
trong công việc. Kết quả xếp loại đảng bộ, chính quyền cơ sở tại các xã có cán
bộ luân chuyển đều xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Thực tế cho
thấy, luân chuyển cán bộ không chỉ tạo luồng sinh khí mới trong công tác
lãnh đạo, chỉ đạo ở địa bàn khó khăn, mà còn tạo môi trường để cán bộ
được rèn luyện, thử thách, tạo nguồn cán bộ kế cận có trí
tuệ và kinh nghiệm thực tiễn.