Hiệu quả bước đầu từ nghề nuôi ong lấy mật ở huyện biên giới Nậm Nhùn
Với điều kiện thuận lợi tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn cây rừng
và một số loại cây ăn quả. Những năm gần đây nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn
huyện Nậm Nhùn đã và đang phát triển nhanh cả về chất lượng và số lượng. Nhận
thấy đây là mô hình mang lại thu nhập ổn định nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở
rộng quy mô sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cho sản
phẩm.
Mô hình nuôi ong lấy mật của HTX
Khánh Ngân, tại Thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn được thành lập từ năm 2021 với
12 thành viên. Mới đầu thành lập HTX nuôi khoảng 200 thùng ong cho đến nay đã
phát triển được hơn 300 thùng. Không những vậy HTX còn chú trọng nhân giống để
bán cho các hộ trong huyện, chia sẻ về kỹ thuật nuôi, giúp đỡ bà con cùng làm
giàu từ nghề nuôi ong lấy mật
Mô hình nuôi ong lấy mật của HTX Khánh Ngân, Thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn
Anh Trần Văn Định, Giám đốc HTX
Khánh Ngân, Thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn cho biết: Để mà nuôi ong đạt được
hiệu quả năng suất thứ nhất là mình phải chú tâm chăm sóc vào con ong, thứ hai
là phải nắm bắt được khí hậu thời tiết của nơi mình nuôi để có thể khắc phục và
phát triển thế ong theo mong muốn. Hàng
năm thì HTX xuất khoảng 2 đến 3 nghìn lít mật ra thị trường từ đó thì cũng đem
lại thu nhập ổn định cho các thành viên trong HTX khoảng trên 100 triệu đồng một
năm.
Nậm Nhùn là một trong những địa
phương của tỉnh được đánh giá là có tiềm năng phát triển nghề nuôi ong lấy mật,
bởi khí hậu nắng nóng nhiều diện tích rừng rậm với nhiều loại cây gỗ lớn, các
loại hoa đa dạng phong phú. Hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều
mô hình nuôi ong lấy mật với quy mô phát triển từ 50 đến 500 thùng của người
dân và HTX ở Thị trấn Nậm Nhùn và các xã Nậm Hàng, Lê Lợi, Nậm Manh, Nậm Ban.
Cho đến nay mô hình nuôi ong lấy mật đã và đang giúp nhân dân trên địa bàn có
nguồn thu nhập cao, ổn định. Chính vì vậy trong 2 năm qua huyện chú trọng triển
khai lồng ghép các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh để nhân rộng và phát
triển các mô hình nuôi ong lấy mật.
Ông Đỗ Văn Thắng, Trưởng phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết thêm: Trong năm vừa
qua thì chúng tôi cũng đã thực hiện hỗ trợ cho bà con và các HTX trên địa bàn
là khoảng gần 1.000 thùng với định mức hỗ trợ là 700.000 đồng/ thùng. Trên địa
bàn huyện đến nay thì cũng đã cho khai thác mật, bình quân hàng năm cho ra thị
trường khoảng 10.000 lít.
Sản phẩm mật ong "Nơi thượng nguồn Sông Đà" của HTX Nông nghiệp, xây dựng và thương mại Nậm Nhùn đạt Ocop 3 sao.
Với nguồn mật ong thu ngày càng lớn
qua mỗi năm nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài cho bà con trên
địa bàn huyện khuyến khích hỗ trợ tạo điều kiện giúp đỡ các hộ dân, HTX xây dựng
thương hiệu sản phẩm Ocop từ mật ong. Hiện tại huyện đã có một sản phẩm mật ong
nơi thượng nguồn Sông Đà của HTX Nông nghiệp, xây dựng và thương mại Nậm Nhùn đạt
Ocop 3 sao của tỉnh. Bên cạnh đó các HTX nuôi ong ở địa phương cũng chủ động
phát triển các kênh bán hàng, xúc tiến quảng bá sản phẩm mạnh mẽ trên các trang
mạng xã hội, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu nâng cao giá
thành, giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện biên giới.
Anh Đỗ Tiến Vượng, Thành viên HTX
Nông nghiệp, xây dựng và thương mại Nậm Nhùn chỉa sẻ: Đơn vị HTX chúng tôi thì
cũng đã tập trung để phát triển sản phẩm và phát triển các kênh thông tin,
thương mại điện tử…ngoài ra còn phát triển các cộng tác viên ở khắp các tỉnh
thành để giới thiệu quảng bá sản phẩm rộng rãi đến với người tiêu dùng.
Đưa sản phẩm mật ong "Nơi thượng nguồn Sông Đà" của HTX Nông nghiệp, xây dựng và thương mại Nậm Nhùn lên sàn thương mại điện tử.
Định hướng của huyện Nậm Nhùn
trong năm 2023 và những năm tiếp theo là sẽ phát triển thêm 500 thùng ong mỗi
năm để tạo mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp ở địa phương. Như vậy những vựa
mật ngày càng sinh sôi và phát triển nhiều hơn nữa không chỉ dừng lại ở con số
10.000 lít và thay vào đó là 20 đến 30 nghìn lít mỗi năm. Từ định hướng này huyện
tiếp tục hỗ trợ các HTX xây dựng sản phẩm Ocop khẳng định thương hiệu mật ong,
liên kết với các công ty doanh nghiệp tại các tỉnh thành trong nước bao tiêu sản
phẩm cho bà con. Nghề nuôi ong lấy mật có chi phí đầu tư thấp lại dễ chăm sóc
nhân đàn mà hiệu quả kinh tế cao, nhất là với chính sách hỗ trợ như của tỉnh
như hiện nay thì đây là giải pháp hữu hiệu giúp nhân dân trong huyện giảm nghèo
nhanh và bền vững.