Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 25/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 25/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, hiện có 11 xã, thị trấn, trong đó 7 xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu thốn. Dân số toàn huyện khoảng 3 vạn dân, nhiều thành phần dân tộc sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, nhân dân chăn nuôi gia súc chủ yếu theo hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp, với tập quán chăn nuôi chủ yếu thả rông không chuồng trại, thức ăn dựa hoàn toàn vào tự nhiên đã thành thói quen từ suy nghĩ đến việc làm.
Huyện có lợi thế có nhiều điều kiện về tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung như: bãi cỏ, nguồn nước tự nhiên, khí hậu phù hợp với trồng cỏ chất lượng cao,.... Cùng với đó, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện có truyền thống chăn nuôi gia súc từ lâu đời. Nhằm tận dụng, phát huy tối đa lợi thế địa phương để phát triển chăn nuôi gia súc, tạo hướng đi cho phát triển kinh tế địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 25/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả chăn nuôi gia súc tập trung, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân di chuyển đàn gia súc ra khu chăn nuôi tập trung, không chăn thả, nuôi nhốt gia súc trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường; chủ động phòng dịch bệnh trên gia súc; xây dựng hệ thống chuồng trại, cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung kết hợp với trồng cỏ chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện đã có trên 14.300 con trâu, bò, có 28 cơ sở chăn nuôi với mô hình từ 30 con trâu, bò; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đạt hơn 71% và trồng hơn 212 ha cỏ voi chất lượng cao đảm bảo chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò.
Xã Nậm Hàng hiện có gần 3.000 con trâu, bò. Qua triển khai thực hiện nghị quyết, việc xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc tập trung được nhân dân đồng thuận cao, xã hiện có 93% số hộ chăn nuôi đại gia súc có chuồng trại và có 5 cơ sở chăn nuôi tập trung với quy mô có từ 30 con trở lên. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà ở mới, nuôi con ăn học, mua sắm phương tiện sinh hoạt từ nguồn thu nhập chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, người dân địa phương còn tận dụng được nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng tăng năng suất.
Mô hình chăn nuôi trâu tập trung tại xã Nậm Hàng mang lại hiệu quả kinh tế
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chăn nuôi gia súc tập trung trên địa bàn huyện còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung tháo gỡ: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt, công tác quy hoạch khu chăn nuôi chưa phù hợp; vẫn còn tình trạng thả rông gia súc, gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, phá hoại cây trồng khác; năng suất trồng cỏ chất lượng chưa cao; việc đầu tư chuồng trại chưa đảm bảo, chưa chủ động được nguồn thức ăn, chống rét cho gia súc.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị về chăn nuôi gia súc tập trung, nhất là những lợi ích kinh tế mang lại; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tập trung đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi đại gia súc, trở thành nghề tạo thu nhập chính cho người dân. Kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm không chấp hành nghiêm việc chăn thả gia súc.
Với cách làm phù hợp, quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy, chính quyền cơ sở, mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung sẽ là hướng đi phát triển kinh tế bền vững cho nông dân tại các xã trên địa bàn huyện, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới ở địa phương.