Hiện
nay, nhiều xã vùng cao biên giới của huyện Nậm Nhùn nhiệt độ xuống thấp, dễ xảy
ra rét đậm, rét hại kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đàn vật nuôi. Để chủ động
phòng chống, nông dân trong huyện đang triển khai các biện pháp phòng chống đói
rét, bảo vệ đàn vật nuôi.
Với đặc thù là xã vùng
cao biên giới, xã Nậm Ban có nhiệt độ xuống thấp hơn so với một số xã trên địa
bàn huyện và thường xuyên xảy ra rét đậm. Do đó, xã chú trọng triển khai các biện
pháp phòng chống đói rét, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi và vận động, tuyên
truyền nông hộ chủ trọng thực hiện.
Ông Chào Anh Tuyên - Chủ
tịch UBND xã Nậm Ban cho biết: “Để duy trì và bảo vệ tốt đàn vật nuôi trong thời
điểm này, xã chỉ đạo công chức nông nghiệp chủ động thông tin dự báo tình hình
thời tiết, từ đó các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ đàn gia
súc, gia cầm của gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân thường
xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe vật nuôi, kịp thời phát hiện, khai báo tình
hình dịch bệnh và có phương án chữa trị hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, trên địa
bàn xã không ghi nhận trường hợp gia súc, gia cầm bị dịch bệnh, đàn vật nuôi
phát triển tốt".
Gia đình Giàng A Di ở bản
Nậm Vạc 1 cũng là một trong những hộ điển hình của xã Nậm Ban phát triển chăn
nuôi gia súc. Để chăm sóc tốt cho đàn gia súc của gia đình mình vào những dịp
thời tiết chuyển mùa lanh, anh Di cho biết: Hàng năm, vào mùa đông, gia đình
tôi chủ động che chắn chuồng trại, lót rơm xuống nền chuồng, đốt lửa sưởi ấm, bổ
sung nước muối, các khoáng chất để tăng sức đề kháng cho gia súc. Ngoài ra, trồng
thêm cỏ voi, gom rơm rạ sau mỗi vụ mùa, đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, nhất
là thời điểm thời tiết khắc nghiệt".
Người dân bản Nậm Ô, xã Nậm Ban chăm sóc đàn gia súc.
Theo kinh nghiệm chăn
nuôi nhiều năm của gia đình anh Di cũng như các hộ dân trên địa bàn huyện Nậm
Nhùn, để đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt và không bị dịch bệnh phải
đầu tư xây dựng chuồng trại rộng rãi, cao ráo, thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè,
ấm áp vào mùa đông, đảm bảo vệ sinh môi trường. Quây bạt, gia cố chuồng trại
kín đáo vào thời điểm rét đậm, rét hại, tránh tình trạng mưa, gió lùa vào. Những
ngày nắng nóng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; không thả rồng gia
súc vào buổi trưa nắng nóng hoặc thời tiết giá rét. Cùng với đó, tiêm chủng đầy
đủ các loại vắc-xin lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, tụ huyết trùng cho
trâu, bò; phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh; cung cấp
đủ nước uống, tăng khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Hiện, tổng đàn gia súc
trong toàn huyện là 30.036 con, trong đó: 9.500 con trâu; 5.490 con bò; 15.046
con lợn và trên 173.962 con gia cầm. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết,
dịch bệnh gây ra, vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, các cơ quan chuyên môn của
huyện khuyến cáo hộ chăn nuôi không chăn thả tự do trâu, bò; đưa về nuôi nhốt để
kiểm soát, chăm sóc, quản lý, bổ sung thêm muối, nước. Đối với đàn lợn cung cấp
đầy đủ thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng; không rửa chuồng, tắm gia súc vào những
ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp. Đối với các loại gia cầm che chắn chuồng trại,
đảm bảo kín, tránh gió lùa, sử dụng bóng điện, bóng hồng ngoại, bếp sưởi để
tăng nguồn nhiệt; cung cấp đầy đủ nước ấm, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng
đề kháng, không thả gia cầm ra ngoài trời trong những ngày có rét đậm, rét hại...
Cùng với đó, các hộ chăn nuôi cần chú trọng thực hiện việc tiêm phòng vắc- xin
định kỳ, phun tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột khu vực chuồng trại và xung
quanh; xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Chủ động giám sát, kịp
thời phát hiện các trường hợp vật nuôi có biểu hiện của bệnh hoặc nghi mắc bệnh
báo cáo chính quyền địa phương để ngăn chặn kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Hòa -
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết:
Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia
súc, gia cầm, đến thời điểm này đàn vật nuôi trên địa bàn huyện được kiểm soát,
phát triển tốt, người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Thời gian
tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kiến thức chăn nuôi, nâng cao nhận
thức cho người dân. Vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp
phòng, chống đói rét, dịch bệnh; tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đúng tiến độ, bảo đảm
nhanh gọn, an toàn. Các xã, thị trấn tăng cường thông tin, tuyên truyền tình
hình thời tiết và cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi mang lại hiệu quả
tới đông đảo người dân thông qua họp bản, sinh hoạt chi bộ, trên phương tiện
thông tin đại chúng. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, mang lại
thu nhập ổn định cho nhân dân, nhất là đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp tết
Nguyên đán sắp tới.