Anh Nguyễn Cao Trường, ở thị trấn
Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn sau nhiều chuyến tìm hiểu về cây Cà gai leo ở tỉnh
Thanh Hóa và một số vùng lân cận quanh Hà Nội, trở về anh tận dụng đất để trống
trồng cà gai leo, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương anh thành lập hợp
tác xã và vận động người dân tham gia, từ đó anh thành công đưa Trà gai leo trở
thành sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến.
Sản phẩm OCOP Trà Cà gai leo và Cao Cà gai leo của Hợp tác
xã Thanh niên Trường Thịnh là sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao do anh Nguyễn
Cao Trường, ở thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn làm chủ. Sinh ra và lớn lên ở
Yên Bái, xuất thân từ gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp, đam mê làm giàu từ
nghề nông từng ngày thấm sâu trong tâm hồn anh Nguyễn Cao Trường, sau khi lập
gia đình, anh Trường cùng vợ lên khai phá vùng đất mới ở huyện biên giới Nậm
Nhùn, năm tháng định cư ở miền đất nghèo khó này, anh Trường trăn trở tìm nhiều
cách để đất trống không hoang phí, bạc màu.
Những năm 2021, có dịp tham quan cùng các đoàn công tác của
huyện Nậm Nhùn thăm các mô hình phát triển nông nghiệp tại một số địa phương trên
cả nước, anh Trường có thêm cơ hội tìm hiểu những cây trồng mới, vật nuôi có
giá trị kinh tế cao, anh Trường phát hiện cây Cà gai leo với nhiều tính năng
tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng trong nước và khu vực tin dùng. Trở về
nơi sinh sống, anh bàn với gia đình thuê đất trồng thử, nhờ sự giúp đỡ từ những
người bạn công tác tại Viện Nông nghiệp Việt Nam, từ ngày cây cà gai leo được
gieo trồng, qua bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của vợ chồng anh Trường và những người
nông dân chịu thương, chịu khó, hợp đất cây cà gai leo lớn nhanh, xanh tốt và
cho những lứa thu hoạch ngoài mong đợi.
Anh Nguyễn Cao Trường, Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Trường Thịnh (bên phải).
Có nguyên liệu trong tay, anh Trường vay mượn tiền từ
người thân đầu tư mua máy móc chế biến thành Trà Cà gai leo và Cao Cà gai leo,
những ngày đầu có sản phẩm, lượng tiêu thụ bập bõm do thiếu thị trường. Không
bó tay trước những khó khăn ấy, anh và gia đình tìm mọi cách để quảng bá, ngoài
quảng bá trên mạng xã hội, anh Trường thông qua người quen và lượng khách hàng
tin dùng giới thiệu; đồng hành với anh có sự giúp đỡ lớn từ chính quyền địa
phương, 2 sản phẩm của anh đã không chỉ được chứng nhận sản phẩm OCOP mà dần
chiếm lĩnh thị trường; lượng tiêu thụ nhờ đó cũng tăng dần theo thời gian, có
những lúc khan hiếm hàng không có để bán.
Từ ngày có thương hiệu, anh Trường xoay sở tìm cách mở rộng
vùng trồng, nếu ban đầu anh chỉ trồng trong khu vực vài nghìn mét vuông thì nay
đã có vài héc ta. Để có được vùng trồng như vậy, bên cạnh việc thành lập hợp
tác xã, anh vận động bà con quanh vùng, nhất là những hộ gia đình thiếu việc
làm hay hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tham gia trồng cùng.
Cứ mỗi kg cà gai leo tươi, anh Trường thu mua cho bà con với
giá 10 nghìn đồng, nếu khô thì mua với giá 30 nghìn đồng theo hợp đồng bao tiêu
sản phẩm được ký kết giữa Hợp tác xã với người dân; nhờ thế các hộ tham gia
cùng với anh đều có thu nhập ổn định.
Được biết, mô hình trồng cà gai leo của Hợp tác xã Thanh
Niên Trường Thịnh, đây là mô hình trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân
bón hóa học. Thăm mô hình sản xuất của hợp tác xã do anh Trường làm giám đốc,
mới thấy hết được sự nỗ lực vượt khó của anh và gia đình khi chỉ mới vài năm đã
xây dựng thành công sản phẩm mang thương hiệu Cà gai leo nơi vùng đất khó Nậm
Nhùn. Không chỉ làm giàu, anh còn tạo dựng và đóng góp 2 sản phẩm OCOP cho địa
phương, tạo thêm việc làm với thu nhập khá cho bà con, không những thế anh đã
góp phần để những mảnh đất bỏ trống không bị hoang phí, góp phần cùng chính
quyền huyện Nậm Nhùn phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho bà
con.