Nậm
Pì là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm chủ yếu sinh sống tại 9 bản,
trong đó có đồng bào dân tộc Mảng là một trong 16 dân tộc ít người nhất Việt
Nam. Thời gian qua, nhằm giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên
thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân xây dựng
nhiều mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập. Trong đó, trọng tâm là phát triển
các mô hình chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả được người dân đồng tình ủng hộ.
Nậm Pì, một trong những
xã khó khăn nhất của huyện. Để từng bước cải thiện đời sống nhân dân, cấp ủy,
chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể và chi bộ các bản thời gian qua đã nỗ lực
tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật
nuôi. Vận dụng và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm
nghiệp, hỗ trợ sinh kế từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh đối
với đồng bào DTTS. Nhờ đó, đời sống của nhân dân trên địa bàn xã có nhiều chuyển
biến tích cực, kinh tế - xã hội phát triển qua từng năm.
Ông Vũ Văn Thân - Chủ tịch
UBND xã Nậm Pì cho biết: “Thời gian qua, xã đã tập trung vào hai lĩnh vực chính
là chăn nuôi và trồng trọt. Về chăn nuôi, chúng tôi vận động bà con chăn nuôi đại
gia súc theo hướng chuồng trại, trong đó nuôi trâu, bò là chủ yếu. Đối với trồng
trọt, vận động bà con trồng quế, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Những năm vừa
qua, tỷ lệ giảm nghèo của xã từng bước đã được thực hiện có hiệu quả, thu nhập
bình quân của người dân cũng từng bước được nâng lên rõ rệt.
Thời gian qua, xã Nậm
Pì được phê duyệt thực hiện dự án nuôi dê sinh sản với 2 nhóm hộ với 13 hộ tham
gia; 5 nhóm cộng đồng với 36 hộ thực hiện dự án nuôi bò sinh sản. Các dự án được
triển khai đều đảm bảo quy hoạch phát triển, sản xuất tại địa phương; giúp các
hộ dân thêm điểm tựa phát triển kinh tế, thoát nghèo nhanh và bền vững. Từ nguồn
vốn của các Chương trình MTQG, các mô hình kinh tế tại xã Nậm Pì đang phát triển
theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa. Việc chăn nuôi, trồng trọt được nhân
dân thực hiện khoa học, hợp lý, tận dụng tối đa lợi thế đất đai của địa phương.
Những mô hình kinh tế tổng hợp đạt thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm xuất hiện
ngày càng nhiều. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình,
trọng tâm vẫn là phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; trồng
cây công nghiệp và cây ăn quả.
Phát triển mô hình trồng quế.
Ông Pàn Văn Chơn ở bản
Pá Bon, xã Nậm Pì cho hay: Hoàn cảnh gia đình từng rất khó khăn do thiếu vốn,
kinh nghiệm sản xuất. Được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, gia đình tôi mạnh dạn phát
triển mô hình nuôi trâu kết hợp trồng cây ăn quả. Đến nay, đàn gia súc có 20
con; xoài, dứa và các loại cây ăn quả khác phát triển tốt, hằng năm đã trừ chi
phí đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 80 - 100 triệu đồng.
Triển khai các mô hình chăn nuôi.
Với những kết quả mang
lại trong những năm qua, trong thời gian tới xã Nậm Pì sẽ tiếp tục triển khai
thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó
là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng vai trò,
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác
giảm nghèo. Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát
huy tính chủ động, tham gia tích cực của nhân dân trong thực hiện các chương
trình, dự án hỗ trợ sinh kế, tự lực vươn lên. Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, giúp
người dân nhanh tiếp cận được nguồn hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất. Đồng thời,
tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giảm nghèo, đặc biệt là công tác
giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án, tiểu dự án để kịp thời tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực hiện.