Thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc trên địa bàn
Thời gian qua, huyện Nậm Nhùn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 nhằm thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số với nỗ lực rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc trên địa bàn.
Huyện Nậm Nhùn có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó
có các dân tộc đặc biệt khó khăn có dân số dưới 10.000 người như dân tộc Cống, dân tộc Mảng. Toàn huyện có dân số khoảng 30.000 người, trong đó trên 95% là đồng bào DTTS. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn
39,4%. Thời điểm hiện tại, ước thực hiện đến hết năm 2023 mức giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân
đạt 4,43%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm. Là một trong những huyện nghèo của cả nước, những năm qua Nậm Nhùn được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều
chương trình, dự án. Cấp ủy, chính quyền huyện cũng luôn nỗ
lực để tìm ra những giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS của
huyện phát triển.
Theo đó, huyện đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả
các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tăng cường chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tới công tác
giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội; phát huy lợi thế về đất đai, khí
hậu, vị trí địa lý của từng xã để nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên điều quan trọng
hơn cả đó là khơi dậy ý chí tự lực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Ông Vũ Tiến Hóa, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết:
Huyện luôn quan tâm nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong sử dụng nguồn vốn
đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng DTTS, biên giới, dân tộc đặc biệt khó
khăn. Các dân tộc có điều kiện để phát triển như nhau, không ai bị bỏ lại phía
sau trong quá trình phát triển chung của huyện. Việc phát triển kinh tế vùng
DTTS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trên địa bàn
và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đang có sự đổi thay từng ngày.
Thời
gian qua huyện Nậm
Nhùn còn chú trọng lồng ghép các chính sách ưu tiên cho
đồng bào DTTS với các Chương trình mục
tiêu quốc gia. Sử dụng đúng mục đích nguồn hỗ trợ của
các chương trình, dự án, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tập
trung nguồn lực đầu tư cho các xã, bản đặc biệt khó khăn, trọng tâm là giảm
nghèo trong đồng bào DTTS, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, quan tâm đào tạo, giải
quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ
ở cơ sở, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia phát
triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, thực hiện đầu
tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất; đẩy
mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện các mô hình điểm để nhân
rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó đến nay tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện
đạt trên 13.000 tấn. Đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung tại bản Nậm Cầy,
xã Nậm Hàng với tổng diện tích lúa hàng hóa là 100ha, sản lượng trên 520 tấn.
Tiếp tục chăm sóc, duy trì các mô hình cây ăn quả với tổng diện tích hiện có
hơn 477,9 ha; duy trì, chăm sóc, bảo vệ diện tích
2.057,4 ha cây cao su, khai thác được 1.316,04 ha, sản lượng 1.290tấn. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung,
có chuồng trại, phát triển nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện, tốc độ tăng đàn gia súc bình quân
4,5%/năm; tỷ lệ chuồng trại đạt 71,3%,
có 28 cơ sở chăn nuôi tập trung. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện,
nhất là đồng bào DTTS có nhiều thay đổi tích cực. Đến
nay, toàn huyện hiện có 100% số xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm
xã; có 69/69 bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. Tỷ lệ hộ được dùng điện lưới
quốc gia đạt 94%; có 64/69 bản được lắp đặt điện chiếu sáng nông thôn; 100% dân
số đô thị được sử dụng nước sạch; 98% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ
sinh.

Nhiều mô hình kinh tế bắt đầu cho thấy hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo.
Có thể thấy rõ từ các giải pháp đồng bộ được triển
khai thực hiện trong
thời gian qua đã góp phần thay đổi đời sống của người
dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là đời
sống vùng đồng bào DTTS. Từ thực tế này càng thêm củng cố niềm tin của bà
con vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, để cùng chung sức thực hiện
thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nậm Nhùn lần thứ III,
nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.