image banner
Các quy định về hôn nhân của dân tộc Mảng

Dân tộc Mảng cư trú  ở thượng nguồn sông Đà, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, . Tuy số dân chưa đầy 3 ngàn người, nhưng dân tộc Mảng lại mang trên mình những nét đẹp nguồn cội, bản địa độc đáo.

Giống như nhiều dân tộc cư trú ở vùng cao, người Mảng cũng có những quy định riêng trong việc cấm kết hôn giữa những người có cùng huyết thống, cùng dòng họ, cùng một tổ tiên. Họ cho rằng anh em gần, cùng một bố mẹ sinh ra con cái không được kết hôn cùng nhau vì có quan hệ cùng huyết thống không đảm bảo cho sự duy trì phát triển nòi giống, dòng tộc của mình. Việc kết hôn cùng họ phải qua 3-4 đời, khi đó các thế hệ con cháu đã lấy những người khác họ, lai khác dòng máu. Ví dụ những người cùng gốc một họ như họ Lò thì không thể kết hôn cùng với người họ Lò vì có chung nguồn gốc tổ tiên, ông bà, là anh em thân tộc với nhau. Song trong dòng họ Lò thì lại chia thành các nhóm họ Lò khác nhau, do vậy giữa nhóm họ Lò này có thể kết hôn cùng nhóm họ Lò kia, nhưng phải không cùng gốc.

Qua tìm hiểu và khảo sát tại địa bàn xã Nậm Ban, nơi được coi là vùng đất tổ của cư dân Mảng ta thấy có một số dòng họ sau, các nhóm dòng tộc hay dòng họ được phân chia cụ thể như sau:

Một là dòng họ Lò, họ Lò có phân thành các nhóm họ như sau:

+ Họ Lò đỏ, tiếng Mảng gọi là “Vằn Lờ Đẳng”, nhóm dòng họ này thờ vật tổ (hình thức tô tem giáo), kiêng không được bắt và ăn thịt con chim “Som Say Lô”. Đặc điểm của loại chim này có lông màu xanh lá cây, xanh da trời, dưới ức dưới ngực trang trí bằng yếm lông vàng, chim to bằng hai bàn tay úp vào nhau, chúng thường sống trong rừng già, có nhiều về mùa xuân (tháng 2-4). Dòng tộc Lò này coi loại chim này là vật tổ của dòng họ mình, nếu ăn hoặc bắt sẽ bị rụng răng, bị ốm đau bệnh tật chết sớm, dòng họ không thể sinh sôi phát triển được. Vì thế mà họ này rất kiêng kỵ đi đâu mà gặp nó bay trước mặt hoặc tự nhiên nó rụng lông cánh hoặc lông đuôi trước mặt báo cho mình biết trong gia đình sẽ sảy ra chuyện không hay.

+ Họ Lò đen “Vằn Lớ Su”, cũng có kiêng kỵ như họ Lò đỏ này

+ Họ Lò đầu gối đen “Vằn Lớ Sằng Su”, cách kiêng kỵ cũng như nhau

+ Họ Lò ăn đầu máng nước “Vằn Lớ Toảng Tắm”, kiêng như nhau

+ Họ Lò ăn thưc ăn ở cối giã gạo “Vằn Lớ Pẻn Chưởi”

Giữa các họ này, con cháu có thể kết hôn cùng nhau, nhưng không được phép cùng một họ lấy nhau.

Hai là dòng họ Tào “Sỏm Pại”, phân chia thành hai nhóm:

+ Nhóm họ Tào gốc (Tào chính) tiếng Mảng gọi là “Sỏm Pại Vằn Hố”, nhóm họ này có nhiều ở bản Nậm Nó 1, 2 chuyển vào bản trung tâm (Nậm Ô) để cư trú, sinh sống. Nguồn gốc của họ Tào này được ông Lò A Nhi được kể lại bảo rằng ngày xưa các ông các bà kể: dòng họ Tào này được bố mẹ sinh ra và được cộng đồng công nhận việc hôn nhân, lấy nhau của hai người đó, nên khi sinh con được cả cộng đồng chấp nhận coi đó là thành viên mới của bản làng. Người con họ Tào này được bố mẹ và ông bà chăm sóc chiều chuộng rất cẩn thận và chu đáo, cho ăn uống cái gì cũng ngon, mặc thì mặc đẹp…

+ Nhóm họ Tào phụ “Sòm Pại Vằn Dí”, được ông Nhi giải thích đó là người con họ Tào không có bố do người mẹ chửa hoang mà sinh thành. Do đó mà nhóm dòng họ này bị cộng đồng coi khinh. Họ này cũng kiêng ăn và săn bắt loại chim “Som Say Lồ” giống như người họ Lò kể trên.

Ba là họ Sìn (Chìn) “Vằn Tà Duổng”, riêng bản thân họ này tự phân thành 5 nhóm (nhánh) dòng họ gồm:

+ Họ Sìn đỏ “Vằn Tà Duổng Đẳng”

+ Họ Sìn cõng đát đá xây dựng bản làng “Vằn Tà Duổng Gù”

+ Họ Sìn vác đá phân chia ranh giới “Vằn Tà Duổng Sả dề”

+ Họ Sìn có gà bới thóc tìm ăn ở cối giã gạo “Vằn Tà Duổng Pẻn Chưởi”

Nhóm họ Sìn này, kiêng ăn và bắn loại chim “Sỏm Hìn”, đặc điểm loại chim này có lông màu trắng, mình chim to bằng quả cà tím, chúng thường bay lượn ở bờ suối. Cách kiêng kỵ cũng giống như họ Lò kể trên.

Bốn là họ Lý “Vằn Lớ Pờ Lùa”, đặc điểm của họ này cũng kiêng ăn thịt chim Som Say Lồ giống như họ Lò. Đây gọi là chia họ với nhau, nhưng con cháu họ Lý được quyền kết hôn cùng người họ Lò.

Năm là họ Lùng “Vằn Gừng Lọt”, họ này kiêng ăn thị con Rắn, rắn là vật tổ của họ này. Cách kiêng kỵ cũng giống như các họ kể trên.

Sáu là họ Pàn “Vằn Tá ố”, kiêng bắt và ăn thịt loại chim cu “Sỏm Từ ủ”, cách kiêng kỵ cũng giống như các họ trên, bảo ăn thịt chim này dòng họ sẽ không phát triển được.

Bẩy là họ Anh “Vằn Nệnh”, họ này kiêng ăn thịt hổ “Ma Nhừa”, hiện nay người họ Anh chỉ còn một người duy nhất là bà Anh Me Tận 34 tuổi ở bản Pa Pảng, họ này không phát triển được là vì: Trước kia họ này nuôi Hổ, lúc chủ nhà đi làm vắng nhà Hổ đã ăn thịt con dâu của ông chủ. Về nhà, gia chủ không thấy con dâu đâu, tức quá đánh chết con hổ. Trước khi chết con hổ có rủa và bảo rằng sau này con cháu con Hổ sẽ về ăn hết người họ Anh ở trong làng. Lời nguyền đó thực sự là ghê rợn, vào một đêm mưa gió hổ về làng lần tìm đến nhà người họ Anh để ăn thịt, chỉ duy nhất còn một trai một gái sống xót sau thảm họ đó. Và từ đó cho đến nay, họ này không thể phát triển được đến nay họ này hầu như không còn ai nữa, cuối cùng bị mất giống.

Tám là họ Thào “Văn Sỏm Bại”, họ này cũng kiêng ăn loại con chim Som Say Lồ giống như một số họ kể trên.

Tục hôn nhân đám cưới của người Mảng không cho con cháu cùng họ kết hôn lấy nhau. Người Mảng cho rằng, anh em cùng họ lấy nhau sẽ có cùng huyết thống (nhóm máu, dòng máu) sinh đẻ con cái sẽ bị quái thai, dị dạng, không thành người. Hơn nữa tổ tiên sống ở thế giới trên trời trừng phạt làm cho con cháu họ đó không thể phát triển cuối cùng tự diệt vong, trong cộng đồng làng không còn tồn tại họ đó nữa. Do vậy khi đi tìm hiểu người con trai Mảng bao giờ cũng chú trọng hỏi bố mẹ mình về họ hàng anh em họ nhà mình để biết còn tránh, cho dù họ ở xa hay gần bố mẹ hoặc ông bà đều cho chúng biết, tránh để tìm chọn vợ cho mình. Ví dụ cùng họ Lò, con ông bác là con trai, con ông chú (tức em trai ruột của bác hoặc em trai họ gần) thì không thể lấy nhau được. Phải qua 3-4 đời, con cái mới có thể lấy nhau. Người Mảng còn quan niệm rằng: Nếu người cùng họ mà lấy nhau sẽ bị thần sét “Tề Hảng” đánh chết, hoặc nếu không thì đi qua sông qua suối sẽ bị con thuồng luồng (con rồng nước) kéo xuống nước làm cho hồn lìa khỏi xác, bị nặng người đó sẽ bị chết. Lấy nhau cùng họ sẽ không đúng lý của dân tộc sẽ bị trời và đất làm cho không sống được. Tộc người quan niệm thuồng luồng tượng trưng cho thế giới thần đất, nơi có con người cư trú sinh sống trên mảnh đất cuộc sống dựa vào thiên nhiên. Khi chết đi hồn người mất được thăng thiên lên trời ở theo dòng họ tộc người, còn thể xác được đem chôn vào lòng đất và nằm ở đó vĩnh viễn hoà tan thành đất.

Tuy tục lệ hôn nhân của người Mảng rất khắt khe, nhưng con chú con cô lại có thể kết hôn lấy con dì con cậu của vợ chồng ông chủ họ Lò hoặc họ Chìn. Cũng giống như người Kinh, em trai của bố gọi bằng chú, anh trai của bố gọi bằng bác, em gái của bố gọi bằng cô. Em trai của mẹ gọi là cậu, em gái của mẹ gọi là Dì. Khi chị gái họ Chìn lấy chồng họ Lò, thì con cái của các em bên chồng và bên vợ có thể kết hôn cùng nhau, mà không ảnh hưởng, không phải cùng dòng máu (huyết thống) nên chúng lấy nhau được cả cộng đồng công nhận và tôn trọng cuộc sống của đôi vợ chồng đó. Nếu chẳng may có anh em cùng huyết thóng thân tộc cố tình lấy nhau sẽ bị cộng làng đuổi ra khỏi làng không cho quay về làng nữa vì cộng đồng cho rằng những người đó không phải là dân tộc Mảng nên không thể ở cùng làng với tộc người được.

Trong cộng đồng người Mảng cũng có những quy định về việc người con gái đầu (cả) trong một gia đình, khi đến tuổi lập gia đình mà chưa có ai đến tìm hiểu, đặt áo để làm vật tin, mà cô em gái đã có người đem áo đặt, đánh dấu cô gái đó đã có chủ đã có chồng nhưng người đó chưa được phép cho người con trai về ở rể tại gia đình vì chị gái cô chưa cho ai ở rể, chưa có chồng. Nên việc của cô em đành phải gác lại, khi cô chị đi trước các em mới được đi lấy chồng. Tộc người quan niệm người em gái mà đi lấy chồng trước chị, sau này người chị sẽ bị ế, sẽ không có ai lấy nữa. Sâu xa hơn, cô chị sau này nếu có lấy được chồng thì làm ăn không phát triển được, tộc người đã đúc kết kinh nghiệm và có câu nói chặt cây trên tất phải đổ vào cây dưới (có nghĩa là người em gái lấy chồng trước chị gái sau này chị gái sẽ bị chết sớm, không phát triển được). Chú ý, đối với một số gia đình vì người con gái cả bị bệnh tâm thần, thì người em đi lấy chồng trước và gia đình cũng phải xin phép người chị gái đó. Bên gia đình con trai cũng quy định như vây, xong có những trường hợp đặc biệt như người anh bị tai nạn ngã suối chết, người em lấy vợ không bị điều tiếng gì.

Xưa kia, tộc người Mảng có tục kết hôn nối dây, nhưng chỉ thực hiện đối với gia đình bên ngoại (tức gia đình vợ). Ví dụ người con trai họ Lò qua thời gian ở rể làm rất nhiều công việc nặng nhọc, việc gì cũng giỏi, tính tình hiền lành và tốt bụng. Lúc đám cưới đón dâu về nhà trai, chung sống một thời gian, chẳng may người đó bị mắc bệnh chết hoặc tai nạn chết, qua thời gian để tang 1-3 năm, gia đình bố vợ thấy người con rể này tốt bụng lại gả cho cô em gái (của người chị vừa mất) lấy chàng rể trước để làm chồng. Vì quan niệm tập tục người Mảng cho rằng rể tốt khó tìm cũng như trâu khoẻ, tốt khó chọn. Do vậy, nếu chẳng may người vợ có chết mà gia đình có em Dì sẽ lại gả tiếp cho chàng rể này. Tuy nhiên, chàng rể đó chỉ được phép lấy người em gái của vợ mình chứ không được lấy người chị của vợ, vì tộc người không cho phép, không có lý như vậy. Người em gái đó nối dây lấy anh rể của mình coi như thay chị gái chăm sóc các con, nếu người vợ trước đã có con thì chúng cũng gọi Dì bằng mẹ giống như mẹ của chúng khi còn sống. Tục nối dây này chỉ thực hiện ở gia đình bên họ nhà gái, chứ không có lệ như thế ở bên gia đình trai. Chẳng hạn khi đám cưới đón con dâu về nhà rồi, chẳng may người chồng chết thì  người vợ phải qua 3 năm mới được đi bước nữa. Chồng của cô ta không phải là anh hoặc em trai của chồng, vì không có lý đó. Khi muốn lấy chồng nữa thì bà vợ goá đó sẽ lấy người khác chứ không phải là anh em họ tộc của nhà chồng.

Tộc người Mảng có chế độ hôn nhân một vợ một chồng, song vì nhiều nguyên nhân và lí do khác nhau nên hoặc vợ hoặc chồng có thể đi bước nữa lấy chồng lấy vợ mới (nếu một trong hai người bị chết). Tuân theo quy luật tự nhiên cuộc sống, làm gì cũng phải có đôi, có giống đực và giống cái thế mới tốt mới phát triển. Theo quy luật thì trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng rồi tiếp tục sinh con đẻ cái sinh sôi phát triển, làm nhà làm cửa rồi lại lấy vợ lấy chồng cho con cái của mình.

Bên cạnh đó tộc người cũng những quy định trong hôn nhân, quy định việc để tang chồng giống như người Kinh,  thời gian từ một đến ba năm, nếu chồng (vợ) chết trong khoảng thời gian đó người kia không được phép đi lấy chồng hoặc lấy vợ. Nếu cố tình lấy tộc người Mảng quan niệm sau này người sống ở lại sẽ bị người chết ở thế giới trên trời trừng phạt làm cho cuộc sống khốn khó, làm ăn không phát triển được. Nếu như ở dân tộc Kinh, đeo khăn tang trắng thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với những người đã khuất thì tộc người Mảng lại có hình thức khác đó là sau đám tang khi về đến nhà tất cả các thành viên trong gia đình người mất (sống cùng nhà với người chết) đều cắt một nhúm tóc mái trước đém gói vào lá dắt lên mái nhà (bên gian buồng mọi người nằm ngủ), cách dắt phải dắt theo thứ tự từ người nhiều tuổi cho đến người ít tuổi. Chồng hoặc vợ chết thì người còn sống và các con cũng phải làm như thế để bày tỏ tấm lòng của người còn sống đối với linh hồn người đã khuất. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1-3 năm đó người sống ở lại vẫn được phép tìm hiểu người khác cho đến khi hết hạn tang chồng (vợ) mới được tiếp tục đi bước nữa. Trường hợp nếu là người chồng chết (người vợ còn rất trẻ) người vợ sẽ tìm một người đàn ông khác để làm chỗ dựa, sau khi đã mãn hạn tang chồng, người con dâu trong gia đình đó sẽ đi theo người đàn ông thích mình. Khi đi, họ sẽ chốn bỏ đi khoảng 1-3 tháng sau, cả hai người dẫn nhau về xin phép báo cáo bố mẹ người chồng cũ, xin phép cho họ được lấy nhau, ở cùng nhau chăm sóc nhau. Bố mẹ chồng cũng đồng ý, trước khi đi còn mổ gà và làm bữa cơm cho hai người đó ăn rồi mới cho đi. Nếu mà đôi vợ chồng đó đã có con nhỏ thì gia đình nhà chồng sẽ nuôi dạy cháu lớn trưởng thành.

Tộc người quan niệm những người goá chồng goá vợ khi đi tiếp bước nữa (tức là lấy chồng lấy vợ khác thì không phải tổ chức đám cưới nữa) sẽ không tổ chức đám cưới như những đôi vợ chồng mới lấy nhau lần đầu. Tuy nhiên, nếu là đàn ông goá vợ mà lấy gái tân (chưa lấy chồng bao giờ) sẽ phải nộp một khoản tiền nhỏ để mua cô gái đó về làm vợ tuỳ theo yêu cầu của bố mẹ cô gái. Song khoản lệ phí mua và trả tiền sữa sẽ ít hơn rất nhiều so với lần cưới đầu tiên, lúc cưới ban đầu mất 23 đồng bạc thì lần cưới này con rể mất khoảng 5-7 đồng bạc và gà, lợn. Nếu người chồng có con với người vợ trước thì người đến sau sẽ nuôi con chồng, cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế gia đình cho bàng những gia đình khác ở trong bản.

Có những trường hợp đặc biệt, khi người chồng lấy vợ mà người phụ nữ không  sinh được con cho nhà chồng thì chị ta sẽ đi tìm và chọn cho chồng thêm một cô vợ nữa để sinh con đẻ cái cho chồng và gia đình nhà chồng có người nối dõi. Người vợ cả trực tiếp đi hỏi cô gái đó cho chồng, nếu người vợ không đồng ý thì người chồng đó cũng không được lấy thêm vợ nữa, trừ khi người vợ đó bị chết.

Quan niệm người con gái khi xuất giá đi lấy chồng sẽ phải mang họ nhà chồng, chết làm ma nhà chồng. Vì gia đình trai đã bỏ tiền và lợn gà để mua cô gái họ khác về làm con dâu nhà mình và trở thành thành viên chính thức của dòng họ khác. Khi bố mẹ nhà trai bỏ tiền ra mua con gái đó từ giờ trở đi đã mang họ nhà chồng phải làm mọi việc như những thành viên khác, phải chăm sóc bố mẹ khi ốm đau tuổi già. Phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với thành viên khác là em trai của chồng, khi chúng lớn phải lo việc cưới xin. Đến khi chết đi được làm ma ở theo khu vực cư trú anh em nhà chồng trên cõi thiên đình.

tác giả: Thanh Vân
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM NHÙN
Chịu trách nhiệm chính: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội.
Địa chỉ: Thị trấn Nậm Nhùn - Huyện Nậm Nhùn.
Điện thoại: 02133. 910.112 - Email: namnhun@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn namnhun.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên wedsite này.

Designed by VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang