image banner
Nét đẹp trong trang phục của đồng bào dân tộc Cống bản Tắng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu

Nằm yên bình bên dòng suối Nậm Ngà, bản Tang Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có 101 hộ dân, gồm 529 nhân khẩu chiếm 16,18% dân số toàn xã và chiếm 1,83% dân số toàn huyện. Với sự tiếp sức của các cấp, ngành, người Cống nơi đây đang nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có trang phục truyền thống.

Người Cống không trồng bông dệt vải mà chỉ mua vải nhuộm chàm của dân tộc Thái, Lào về để khâu, may và trang trí các hoa văn mang nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình… Trang phục của phụ nữ dân tộc Cống gồm: Áo, váy, khăn, thắt lưng. Áo nữ thường may bó sát người, ống tay dài, hai bên tà áo được nẹp các dải vải dệt màu đỏ, đen, xanh, trắng...

1. Trang phục nữ

1.1. Phục sức trên đầu và trang sức:

1.1.1. Phục sức trên đầu

a. Búi tóc và trâm cài:

Phục sức trên đầu của phụ nữ dân tộc Cống ngoài giá trị làm đẹp còn để phân biệt phụ nữ đã có chồng và chưa có chồng. Điều này trước hết thể hiện qua mái tóc với tục búi tóc. Phụ nữ chưa có chồng thì búi tóc ở phía sau; phụ nữ đã có chồng búi tóc trên đỉnh đầu. Búi tóc được búi rất cao (Ảnh 1) và được cài bằng hai cái trâm đối nhau. Hai cái trâm này ngoài tác dụng giữ tóc còn là đồ trang sức tô điểm đầu tóc cho phụ nữ Cống. Trâm được làm từ xương động vật, đầu trâm có đính những đồng bạc (Ảnh 2).

anh tin bai
anh tin bai

Ngoài cách phục sức kể trên, xưa kia, để trang trí cho mái tóc, phụ nữ người Cống còn sử dụng hai loại "trông pha". Loại thứ nhất là một chuỗi hạt cườm dài, mỗi đầu sâu 6 - 7 rùi xương lớn nhỏ khác nhau được lấy từ xương động vật và được khắc những hoa văn hình quả trám, xương cá đối xứng và các hình chéo đơn. Loại này được đính vào đầu cái trâm cài tóc như mô tả ở trên. Loại thứ hai có tác dụng giữ tóc chặt hơn và cũng là trang sức trên đầu của phụ nữ dân tộc Cống. Đó là một loại dây mây uốn tròn vừa với búi tóc. Sợi mây này được vuốt đẹp, nhuộm màu đỏ, xung quanh có đính những vỏ ốc biển bổ đôi theo chiều dọc cách đều nhau. Tuy nhiên, hiện nay, hai loại "trông pha" này không còn được sử dụng nữa.

b. Khăn đội đầu truyền thống: có 02 loại

- Khăn đội đầu cổ xưa: được người Cống gọi là tàng cà tù păn na la. Khăn này được làm từ một dải vải màu đen dài khoảng 180 - 250 cm, khổ rộng trung bình 35 cm, chất liệu vải làm khăn chủ yếu là vải bông tự dệt và nhuộm chàm mua của người Thái. Hai đầu khăn được thêu những đường thẳng bằng chỉ màu xanh, đỏ, vàng và gắn 8 bông len đỏ cách đều nhau. Phần trang trí hai đầu khăn đồng bào gọi là tư xư nu nê. Hiện nay, phụ nữ người Cống không sử dụng loại khăn này nữa.

- Khăn đội đầu ngày nay của phụ nữ người Cống là chiếc khăn "piêu" giống của người Thái Đen (Ảnh 3).

anh tin bai

Khăn này rộng khoảng 25 - 28 cm, dệt bằng vải bông nhuộm chàm. Khi dệt, người ta luồn 4 đường kẻ kép (mỗi đường kẻ có 2 đường viền) bằng chỉ xanh, đỏ, vàng dọc theo chiều dài chiếc khăn và khi dệt theo chiều ngang được khoảng 15 - 17 cm thì người ta lại dệt tiếp hai đường kẻ kép ngang. Khi các kẻ ngang gặp các đường kẻ dọc này thì người ta bỏ thõng các đường kẻ đó không dệt nữa và lại dệt nối bằng chỉ đen chàm. Khi dệt xong, người ta cắt phần thõng của các đường kẻ tạo thành hoa văn đặc trưng của khăn (Ảnh 4).

anh tin bai

Hoa văn mặt khăn ở hai đầu gồm khối trám lồng, xương cá đối xứng, hình núi cách điệu và các đường chỉ màu thêu tiếp tuyến tạo thành các đường riềm đơn (Ảnh 5, 6, 7).

anh tin bai
 
anh tin bai

 

anh tin bai

Hai đầu khăn được ghép vải các màu vàng, đỏ, xanh. Góc và xen kẽ đường ngang, dọc đính các quả sợi nhỏ. Các quả sợi này được làm bằng chỉ tơ tằm các màu sặc sỡ (Ảnh 8, 9). Phần trang trí hai đầu khăn đồng bào gọi là tư xư nu nê.

anh tin bai

 

anh tin bai

- Cách đội khăn: Khi đội khăn, người ta áp một đầu dài lên búi tóc (áp trên đỉnh đầu đối với phụ nữ có chồng (Ảnh 10) hoặc một bên mái đầu đối với con gái chưa chồng); sau đó trùm khăn qua đỉnh đầu, cuốn quanh đầu vài vòng rồi buông đầu khăn ra sau lưng sao cho đầu ngắn nằm ở bên dưới phía trong, đầu dài ở bên trên phía ngoài (Ảnh 11).

anh tin bai

 

anh tin bai

1.1.2. Trang sức:

Đồ trang sức của dân tộc Cống ngoài những phục sức trên đầu còn có vòng cổ và vòng tay. Những trang sức này người Cống không tự làm được mà phải mua của các dân tộc khác (ngày nay thường được đồng bào mua ở chợ về dùng). Tuy nhiên, chúng cũng được xem là những vật không thể thiếu trong trang phục người phụ nữ Cống. Tùy thuộc từng lứa tuổi mà người ta sẽ đeo các kích cỡ cho phụ hợp. Người con gái Cống thường được bố mẹ để tặng cho vòng cổ, vòng tay khi đi nhà chồng.

- Vòng cổ là loại trang sức dùng cho cả phụ nữ và nam giới. Đó là loại vòng có 2 đầu chim mỏ dài được trạm khắc hoa văn ở một mặt (Ảnh 12). Đó cũng là mối mở của vòng để căng ra khi đeo (Ảnh 13).

anh tin bai

 

anh tin bai

Khi đeo xong, mối mở này được quay ra phía trước để lộ mặt vòng là 2 đầu chim mỏ dài. Vòng được cả nam giới và phụ nữ người Cống sử dụng. Ngày nay, cùng với vòng bạc, phụ nữ người Cống còn thường đeo cả vòng vàng (Ảnh 14, 15).

anh tin bai

 

anh tin bai

- Vòng tay: ngày nay chủ yếu được người Cống mua ở chợ những chiếc vòng bằng các loại kim loại khác nhau như bạc, nhôm, đồng để sử dụng. Nhưng trong cộng đồng người Cống hiện còn bảo lưu được một số vòng tay bạc trước đây được người Cống mua khi còn ở bên Lào. Chiếc vòng tay này được đúc rỗng, có độ rộng bản là 2cm, phía trong lòng dẹt độ rộng 1,5cm. Hoa văn trên chiếc vòng rất đa dạng với những hình kẻ sọc, hình tháp, hình hoa lá, hình tia mặt trời mọc... nhưng không liên quan đến tôn giáo. Chiếc vòng được chia làm 4 phần mỗi một phần được phân các bởi một dải hoa văn gạch ngang có 2 đường viền và hai vạch chỉ kèm chấm nhỏ ly ty như dây truyền. Mỗi một phần lại có mô tuýp hoa văn khác nhau (Ảnh 16).

anh tin bai

1.2. Áo truyền thống: có 02 loại

1.2.1. Loại áo truyền thống mặc phổ biến cách nay 70 - 80 năm (hiện nay không còn ai sử dụng nữa):

Loại áo này được người Cống gọi là sà là á kha tằng cà, may bằng vải trắng tự dệt (màu trắng của sợi bông). Áo may kiểu 3 thân, 2 thân trước, 1 thân sau. Áo ngắn, tay áo dài, mở ngực, cổ áo liền với nẹp ngực, áo không xẻ tà.

Cổ áo là một dải vải đen rộng 2 cm kéo dài từ vạt áo bên phải chạy vòng qua cổ sang hết vạt áo bên trái. Dọc theo chiều dài của nẹp áo có đính 5 đôi dây bằng sợi bông xe lại hình vặn thừng để làm dây buộc (khuy áo).

Tay áo dài khoảng 45 - 48 cm, phần nách rộng 20 - 22 cm, cửa tay áo rộng 9 - 10 cm. Phần nối giữa tay áo và thân áo (giáp nách) gần như một đoạn thẳng không khoét nách như áo các dân tộc khác. Với đặc điểm này, khi dang rộng hai cánh tay sẽ tạo nên một góc tương đối vuông giữa thân áo và tay áo.

1.2.2. Loại áo truyền thống xuất hiện cách nay 50 - 60 năm (chỉ được phụ nữ Cống ngày nay mặc trong các dịp lễ trọng của gia đình và cộng đồng; trong lao động và sinh hoạt hàng ngày, phụ nữ Cống ngày nay chủ yếu mặc áo sơ mi):

Loại áo này á kha cù xư cù nế nhìn hình thức kiểu dáng vẫn giống kiểu áo cổ xưa. Đặc điểm nổi bật của nó so với áo sà là á kha tằng cà là thân áo may bằng vải đen, tay áo khoang do nhiều vòng vải khác màu như vàng, trắng, đỏ, đen nối với nhau tạo nên. Áo dùng cúc bướm bằng kim loại (bạc, nhôm) để cài, cổ áo tròn (Ảnh 17).

anh tin bai

Thân áo may bằng vải trắng hoặc đen gồm 3 thân xẻ ngực, hai thân trước nhỏ, nối với thân sau ở hai cạnh sườn. Đường nối này được viền bằng hai dải vải khác màu, có thể dùng màu trắng kết hợp với màu vàng hoặc màu trắng với màu đỏ hay màu trắng với màu xanh. Đường viền này kéo dài từ hai nách xuống hai bên gấu và chạy vòng quanh gấu áo để trang trí (Ảnh 18).

anh tin bai

Cổ áo là loại cổ tròn, do hai dải vải khác màu kết hợp với nhau viền quanh cổ áo. Hai nẹp áo cũng được đáp bằng một dải vải khác màu nhưng nó không cùng dải vải với cổ áo (Ảnh 19). Hai bên áo đính hai hàng cúc bướm (phê thồ) đối diện nhau gồm 6 đôi - 12 cái (Ảnh 20).

anh tin bai

 

anh tin bai

Tay áo có chiều dài khoảng 42 - 48 cm, tay áo phía giáp nách rộng và đo cắt gần như theo một đường thẳng và nối với đoạn thân giáp bả vai cũng là một đường thẳng (không khoét nách như áo của nhiều dân tộc khác). Chính đặc điểm này đã làm cho áo khi dang hai cánh tay ra sẽ tạo nên một góc tương đối vuông với thân áo. Tay áo do 8 - 9 khoanh vải khác màu nối với nhau tạo thành, vải làm tay áo chủ yếu là những khoanh vải vàng - trắng - đỏ - đen xen kẽ nhau tạo sự tương phản rất lớn (Ảnh 21).

anh tin bai

Cửa tay áo thường là khoanh vải màu được thu nhỏ rộng 9 - 10 cm; phía trong nẹp bằng vải trắng tự dệt rộng 3 - 4 cm để tay áo thẳng và bền (Ảnh 22).

anh tin bai

Trong sinh hoạt hàng ngày, dù làm bất cứ việc gì, với những động tác thuần thục mềm dẻo của đôi tay đã tạo vẻ đẹp riêng cho người phụ nữ, hai cánh tay khoang hình đốt luôn nổi bật trên thân áo màu đen (Ảnh 23).

anh tin bai

1.3. Váy truyền thống: có 02 loại

1.3.1. Loại váy truyền thống mặc phổ biến cách nay 70 - 80 năm (hiện nay không còn ai sử dụng nữa):

a. Váy hoa:

Loại váy này được phụ nữ Cống mặc phổ biến khi di cư sang Bắc Lào đã mua vải của người Lào về may để mặc. Khi đó, váy này được dệt hoàn toàn bằng sợi tơ tằm nhuộm cánh kiến. Ngày nay được phụ nữ người Cống dệt bằng vải bông và nhuộm màu bằng các loại thuốc nhuộm bán ở chợ huyện nhưng vẫn giữ dáng nét và hoa văn theo lối cổ (Ảnh 24).

anh tin bai

Hoa văn trang trí trên váy theo hình dọc gồm các mảng màu đỏ, đen to xen kẽ với các mảng nhỏ (Ảnh 25).

anh tin bai

Trong các mảng tảng trí to có các hình trám lồng và hình con nhện cách điệu (Ảnh 26).

anh tin bai

Trong các mảng nhỏ trang trí nổi các hình dấu móc (Ảnh 27).

anh tin bai

Váy may theo kiểu hình ống, trên dưới bằng nhau, dài khoảng 95 - 100 cm, rộng 60 - 65 cm. Cạp váy (tăng sô sải) được làm bằng vải khác màu nối liền với thân váy dệt hoa văn phía trên. Gấu váy cũng được đáp một dải vải khác màu (có thể cùng màu với vải cạp váy). Ngày nay, váy này chỉ được phụ nữ Cống ngày nay mặc trong các dịp lễ trọng của gia đình và cộng đồng.

b. Váy đen:

Váy này vốn trước kia được may bằng vải chàm đen, cạp váy đáp vải khác màu. Vải may chủ yếu mua của người Thái. Váy hình ống, kích thước trên dưới tương đối bằng nhau. Kích thước váy tùy theo khổ hình người mặc (Ảnh 28).

anh tin bai

Cạp váy làm bằng vải khác màu. Độ rộng của cạp từ 5 - 7 cm và được nối với thân váy bằng vải đen.

Thân váy do hai khổ vải nối với nhau theo chiều dọc tạo thành. Thân váy hoàn toàn bằng vải đen không thêu vẽ hoa văn.

Gấu váy là loại gấu nhỏ 1 - 1,5 cm do gấp mép của thân váy vào bên trong ống váy tạo nên.

Hiện nay, phụ nữ Cống không sử dụng loại váy bằng vải tự dệt nữa mà chuyển sang dùng vải dệt công nghiệp như vải phin, láng, lụa màu đen để may váy.

Khi mặc váy, người ta gấp váy về phía trước rồi giắt cạp váy vào trong (Ảnh 29, 30, 31).

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

1.4. Yếm và thắt lưng:

1.4.1. Yếm:

Yếm của phụ nữ dân tộc Cống được mặc bên ngoài áo, vắt chéo qua ngực. Yếm được may rất kỳ công. Yếm dài và nhỏ. Đầu yếm có dây để đeo qua cổ và nách. Yếm được nối bởi 6 - 7 mảnh vải các màu và được trang trí những hạt kim loại màu trắng và những đồng bạc để trang trí (Ảnh 32).

anh tin bai

1.4.2. Thắt lưng:

Đi liền với váy của phụ nữ dân tộc Cống là chiếc thắt lưng. Thắt lưng của phụ nữ Cống là 2 miếng vải được khâu ốp vào nhau dài khoảng 2 m, rộng khoảng 10 cm (Ảnh 33).

anh tin bai

Nhìn một cách tổng thể, trang phục phụ nữ Cống vừa có những nét chung với các dân tộc cùng nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến cận cư (Hà Nhì, La Hủ) nhưng lại cũng có những nét tương đồng với người Thái; đồng thời có những nét riêng của tộc người (Ảnh 34).

anh tin bai

2. Trang phục nam giới:

Cũng giống như nam giới nhiều dân tộc khác cư trú ở các tỉnh miền núi phía bắc nước ta, trang phục thường ngày của nam giới người Cống có áo, quần may bằng vải chàm đen. Quần dài may kiểu dáng chân què, cạp lá tọa, đũng và ống quần rộng nên khi lao động hay leo núi rất dễ dàng. Quần không có dải rút, khi mặc vấn cạp chặt vào người và giắt mối vào trong bụng.

Áo dài tay may kiểu áo tứ thân xẻ ngực, cổ tròn đứng, hai vạt áo bằng nhau và có hai túi tương xứng, các hàng cúc và khuyết đều tết bằng vải, hai ống tay áo may thẳng và rộng, được can ở gần khuỷu tay.

Trong những dịp cưới xin, lễ hội họ mặc áo dài may bằng vải chàm đen hoặc thân áo màu đen, hai tay áo màu xanh. Áo dài may kiểu tứ thân, cổ tròn đứng cài khuy bên nách phải, khuy áo bằng vải, cúc đồng. Khi mặc áo dài quá đầu gối (Ảnh 35).

anh tin bai

Trên đầu quấn khăn dài màu đen theo kiểu chữ nhân ở trước trán (Ảnh 36).

anh tin bai

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài và ảnh: Hà Ruệ
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM NHÙN
Chịu trách nhiệm chính: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội.
Địa chỉ: Thị trấn Nậm Nhùn - Huyện Nậm Nhùn.
Điện thoại: 02133. 910.112 - Email: namnhun@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn namnhun.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên wedsite này.

Designed by VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang