Phát huy những lợi thế riêng, huyện Nậm Nhùn đang định hướng xây dựng
phát triển nhằm đánh thức tiềm năng du lịch góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội
nâng cao đời sống của người dân.
Nậm Nhùn được thiên nhiên ưu đãi
ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, hùng vĩ mang đặc trưng của núi rừng với những
cánh rừng nguyên sinh vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Với lòng hồ rộng lớn
của hai công trình thủy điện Sơn La và Lai Châu, vùng đất lưu giữ bảo vật Quốc
gia bia Lê Lợi một chứng tính lịch sử. Nằm cách Trung tâm huyện Nậm Nhùn hơn
20km xã Mường Mô đang được huyện xây dựng với nhiều tiềm năng du lịch đặc biệt
là du lịch khám phá vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu. Đến với Mường Mô du khách
sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở nơi đây, vùng lòng hồ rộng
lớn xen kẽ những đảo nhỏ nhấp nhô tựa như một vịnh thu nhỏ trên vùng lòng hồ thủy
điện. Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Mường Mô thúc đẩy mạnh về du lịch.
Anh Lê Văn Vũ, HTX Long Vũ, xã Mường
Mô, huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Mực nước tại đây rất là rộng và dài nên bà con
cũng tận dụng diện tích mặt nước đó để đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng. Bên
cạnh đó chúng tôi cũng hướng tới để phát triển du lịch, hiện tại như HTX của
chúng tôi thì cũng đã xây dựng một điểm dừng chân trên mặt hồ để mỗi khi du
khách đến trải nghiệm lòng hồ có thể dừng chân nghỉ ngơi và thưởng thức các món
ẩm thực được những người dân địa phương tự tay chế biến…”
Lòng hồ Mường Mô, tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn.
Ông Trần Anh Đôn, Chủ tịch UBND
xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Có thể nói ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội
Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thì Đảng bộ xã cũng đã xác định việc thực hiện
phát triển nông lâm nghiệp gắn với du lịch dịch vụ là một trong những nhiệm vụ
quan trọng. Đây là một trong những thế mạnh của xã Mường Mô, bởi lẽ xã có trên
1 nghìn héc ta mặt nước lòng hồ, có văn hóa các dân tộc phong phú da dạng…tất cả
tạo lên điểm nhấn để có thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Hiện nay thì trên địa bàn xã đã có trên 500 lồng cá nuôi và trong những năm qua
đã từng bước mang lại hiệu quả và thu nhập cho nhân dân…”
Khám phá đỉnh núi Pú Đao thuộc địa
bàn xã Pú Đao, đỉnh núi được đánh giá rất kỳ vĩ và có cảnh quan thiên nhiên đẹp
hoang sơ. Pú Đao giống như thỏi nam châm hút những ai mê khám phá những vùng đất
mới. Năm 2006 địa danh này được một hãng du lịch của nước Anh chuyên đưa khách
đến Đông Nam Á bầu chọn là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Bảo
vật Quốc gia bia Lê Lợi được vua Lê Thái Tổ cho khắc vào năm 1431 trên vách đá
của bờ bắc sông Đà dưới chân dãy núi Pú Huổi Chỏ sau khi dẹp yên phản loạn, nay
thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn. Đây là địa điểm để người dân trong tỉnh
và các địa phương lân cận đến tham quan tìm hiểu những giá trị lịch sử văn hóa
của bảo vật Quốc gia bia Lê Lợi và nhiều đến hấp dẫn khác. Bên cạnh đó việc phục
dựng bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn luôn được huyện
Nậm Nhùn chú trọng quan tâm như tổ chức các Lễ hội kết hợp với các hoạt động thể
thao gắn liền với các dân tộc trên địa bàn đã và đang thu hút du khách đến trải
nghiệm.

Đền thờ vua Lê Lợi - nơi giữ Bảo vật Quốc gia bia Lê Lợi (tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn)
Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch
UBND huyện Nậm Nhùn cho biết thêm: “Huyện Nậm Nhùn tổ chức Tuần lễ thể thao và
Du lịch với mục đích là tạo ra sân chơi cho vận động viên, diễn viên và các nghệ
nhân trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Đây là sự kiện nhằm phát huy, gìn
giữ và lưu truyền các gia trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng
thời cũng là cơ hội để quảng bá những hình ảnh về quê hương, con người và mảnh
đất Nậm Nhùn, từ đó từng bước hình thành các sản phẩm du lịch. Hy vọng rằng
trong những năm tiếp theo huyện Nậm Nhùn sẽ trở thành một địa danh mà được đông
đảo du khách gần xa biết đến và lựa chọn là điểm đến để dừng chân…”
Phát huy những tiềm năng lợi thế
đó huyện Nậm Nhùn đã xác định phát triển du lịch là hướng đi đột phá để phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng loạt Nghị quyết chương trình, kế hoạch
hành động được huyện ban hành, huyện đã và đang triển khai đề án phát triển du
lịch theo chuỗi bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với di tích lịch sử
tâm linh, du lịch khám phá, trải nghiệm.