Huyện biên giới Nậm Nhùn, một vùng đất được thiên
nhiên ưu ái với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn. Tuy nhiên, việc thu
hút du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của
huyện. Vì vậy, trong thời gian qua huyện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo bước
đột phá thúc đẩy hoạt động du lịch, thu hút du khách.
So với các
huyện trên địa bàn tỉnh Lai Châu, huyện Nậm Nhùn được thiên nhiên ban tặng nhiều
cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn. Đến với Nậm Nhùn, một trong những địa điểm
được nhiều du khách lựa chọn là đỉnh núi Pú Đao, thuộc xã Pú Đao. Từ trung tâm
xã lên đến đỉnh núi Pú Đao khoảng 10 km với hai bên là những cánh rừng nguyên
sinh trải dài hai bên sườn núi. Đây cũng là địa điểm săn mây lý tưởng cũng như
có thể quan sát được vẻ đẹp của dòng Sông Đà, Nhà máy Thủy điện Lai Châu hùng
vĩ và nhiều địa danh khác. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều dãy nũi cao, những
con suối trong mát tuôn chảy giữa những cánh rừng nguyên sinh là nơi rất phù hợp
để phát triển du lịch mạo hiểm, leo núi. Cùng với đó, việc xây dựng Nhà máy Thủy
điện Lai Châu đã tạo nên một khu vực lòng hồ rộng lớn, cảnh quan khu vực lòng hồ
cũng vô cùng đẹp, nhất là vào mùa nước dâng.
Lòng hồ Mường Mô, xã Mường Mô.
Về văn hóa, với
11 dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên vùng đất Nậm Nhùn đa sắc màu văn hóa. Mỗi
dân tộc có những nét văn hóa đặc trưng riêng, khi du khách đến với Nậm Nhùn sẽ
cảm nhận rõ nét nhất về sự đa dạng ấy. Những ngày đầu xuân mới, rất nhiều lễ hội
được tổ chức như: Lễ hội đua thuyền đuôi én; lễ hội khèn Mông của dân tộc Mông;
lễ xên bản, xuống đồng của dân tộc Thái…Cùng với sự đa dạng về văn hóa là sự đa
dạng về ẩm thực. Ẩm thực tại huyện Nậm Nhùn vô cùng hấp dẫn với nhiều món ăn được
chế biến từ các sản vật tự nhiên, có sẵn ngay tại địa phương. Trong đó có các
món ăn từ cá được người dân đánh bắt ngay dưới dòng Sông Đà, cá từ lòng hồ Thủy
điện Lai Châu, cá suối; các món ăn như măng, rau rừng cũng sẽ để lại những ấn
tượng khó quên với mỗi du khách. Ngoài ra, Nậm Nhùn còn có bia cổ hoài lai là bảo
vật Quốc gia tại đền thờ vua Lê Thái Tổ. Khu dinh thự Đèo Văn Long tại xã Lê Lợi;
khu nghỉ dưỡng của Đèo Văn Long tại xã Nậm Manh cũng là những điểm nhấn, thế mạnh
mà du lịch Nậm Nhùn hiện có.
Tuy nhiên, cho đến nay việc phát
triển du lịch trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có.
Ông Vũ Tiến Hóa, Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Để tại
cú huých, bước đột phát cho du lịch huyện phát triển, trong thời gian tới chúng
tôi tập trung xúc tiến, quảng
bá, kết nối đa chiều giới thiệu và chào bán các sản phẩm du lịch văn hóa của
huyện, của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh truyền thông trên báo chí,
mạng xã hội nhằm cung cấp thông tin, kết nối các doanh nghiệp du lịch thu hút du khách đến với Nậm Nhùn.
Đỉnh núi Pú Đao thuộc địa bàn xã Pú Đao được xem là địa điểm lý tưởng để săn mây.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng,
lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Có cơ chế, nguồn lực để sử
dụng, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc vào du lịch cộng đồng, tạo
thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, ưu tiên thực hiện đối với một số điểm
du lịch cộng đồng có điều kiện, lợi thế, tiêu biểu của huyện. Phục hồi và tổ
chức lại các lễ hội của các dân tộc đã bị mai một, duy trì việc tổ chức hàng năm. Đặc biệt
có phương án nhằm lưu giữ, bảo vệ tuyệt đối Bảo vật Quốc gia tại đền thờ vua Lê Thái Tổ, phát huy thế mạnh của nhà máy
thủy điện Lai Châu mở cửa phục vụ du khách tham quan gắn với
du lịch tâm linh. Cử cán bộ làm công tác
văn hóa du lịch tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về bảo tồn
văn hóa gắn với du lịch, nhằm nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động bảo
tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch do các cấp tổ
chức. Triển khai việc quản lý, bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, đảm bảo
phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, vận động nhân dân
và du khách giữ gìn vệ sinh môi trường, chung tay xây dựng môi trường sáng-
xanh- sạch- đẹp.
Kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư hoàn thiện hệ
thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch. Điều quan
trọng nhất là nâng cao nhận thức, phát huy
vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ
chức chính trị - xã hội và Nhân dân
trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp
các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Lễ hội Khèn Mông được huyện tổ chức hàng năm.
Theo ông Hà Văn Ruệ, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Nhùn cho
biết: Là đơn vị trực tiếp tham mưu công tác phát triển du lịch trên địa bàn.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa
văn nghệ dân gian, giao lưu văn hoá, du lịch gắn với thực hiện tốt công tác giới
thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của từng dân tộc đến với
du khách, bạn bè trong và ngoài nước. Huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn, phát
huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Từ những giải
pháp nhằm phát triển du lịch trên địa bàn đã và đang được triển khai, mục tiêu
hàng năm huyện đón 3.000 du khách sẽ hiện thực hóa. Hy vọng rằng trong những
năm tới, du lịch Nậm Nhùn sẽ có bước đột phá mới, những cú huých thực sự để
ngành công nghiệp không khói này sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong quá
trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện.