image banner
Hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nậm Nhùn
Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội huyện Nậm Nhùn đã tích cực triển khai với nhiều nội dung, giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, nhằm cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đồng bào DTTS, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)”. Cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong toàn huyện luôn thực hiện phong cách “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “làm dân tin” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả” trong mọi nhiệm vụ công tác dân vận.

Huyện Nậm Nhùn là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lai Châu, là 1 trong 56 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ. Huyện mới thành lập vào năm 2012, sau khi chia tách từ huyện Mường Tè và huyện Sìn Hồ, với diện tích tự nhiên gần 139 nghìn ha, có trên 24 km đường biên giới. Toàn huyện có 11 xã, thị trấn (trong đó có 3 xã biên giới), với 69 bản, dân số trên 27 nghìn người, gồm 11 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 93% phân bố ở 11 xã, thị trấn. Hiện nay, huyện Nậm Nhùn còn gặp rất nhiều khó khăn, có 6/11 xã, thị trấn đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, mật độ dân số thấp, kết cấu hạ tầng giao thông đến các bản chưa được thuận lợi; đời sống của nhân dân vùng DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, một bộ phận nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự vươn lên thoát nghèo.

Lễ hội Mìn Loóng Phạt dân tộc Cống xã Nậm Chà

Với địa bàn huyện có trên 93% là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Nậm Nhùn xác định công tác dân vận, gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức quán triệt, phổ biến đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn, nhất là cán bộ, đảng viên, lực lượng nòng cốt, cốt cán trong đồng bào DTTS đoàn kết, phát huy tính tự lực tự cường hăng hái tham gia học tập, lao động để nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Kết quả nổi bật trong giai đoạn 2015 - 2020 là công tác vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; thực hiện chiến lược về công tác dân tộc, đẩy nhanh việc giao đất, giao rừng cho các hộ, đảm bảo đất sản xuất, đất ở, giao đất cho các hộ trồng rừng, hỗ trợ chăn nuôi... Tính đến năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 12.157 tấn, tăng 1.600 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 436,8kg/người/năm, tăng 49,8 kg; tốc độ tăng trưởng đàn đại gia súc hàng năm đạt 4-5%/năm; khai hoang mới 287,4 ha; trồng mới 195,1 ha cây dược liệu được trồng mới; có 58,8 % hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn; trồng 157,16 ha cỏ phục vụ chăn nuôi; tỷ lệ gia súc tiêm vaccine định kỳ hằng năm đạt trên 95%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, tăng 3,7%, nâng tổng số diện tích rừng toàn huyện hiện có là 76.350,9 ha; trong đó có 74.054 ha diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào DTTS

Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội (các chương trình 135, 30a). Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ 850 con lợn nái, 438 con trâu bò sinh sản, 45 tấn cỏ VA06, 19 nghìn cây nhãn chín muộn, trồng 3.500 cây ăn quả khác; hỗ trợ máy nông cụ, máy móc sản xuất nông nghiệp cho 134 hộ dân với kinh phí 670 triệu đồng; hỗ trợ làm 100 chuồng nuôi trâu, bò với kinh phí 300 triệu đồng… Từ những chính sách hỗ trợ, cơ sở vật chất vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư, giao thông đi lại thuận tiện hơn, đường giao thông tới trung tâm các xã đều được cứng hóa; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đồng bào dân tộc thuận lợi, đưa các loại cây trồng mới có giá trị vào canh tác, nhiều mô hình kinh tế trang trại áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đã có 16 mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; hình thành và phát triển 324 lồng cá trên lòng hồ thuỷ điện. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện giảm đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 19,66%, giảm 16,64%; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,7 triệu đồng, tăng 12,5 triệu đồng; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 13,3 tiêu chí/xã.

Các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT truyền thống của đồng bào các dân tộc được đặc biệt quan tâm. Hằng năm, tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân như: Lễ hội đua thuyền đuôi én, lễ hội các dân tộc Cống, Mảng, ngày hội văn hóa các dân tộc... Một số lễ hội, văn hóa truyền thống được duy trì, phát triển: Xăm cằm, mừng nhà mới, ăn hỏi của đồng bào dân tộc Mảng, giã bánh giầy của dân tộc Mông, Mìn Loóng Phạt của dân tộc Cống, điệu múa, trang phục các dân tộc,… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì và đẩy mạnh; huyện hiện có 82,2% hộ gia đình, 84,06% bản, 92% cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hoá; có 62 nhà văn hóa.

Ngoài ra, cùng với việc chỉ đạo chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thì việc vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền biên giới được quan tâm thường xuyên. Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã phát huy được hiệu quả. Các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác về âm mưu “diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, nhất là việc lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo tuyên truyền đạo trái pháp luật. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được đảm bảo và giữ vững.

Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” phát huy được hiệu quả tích cực

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS, có 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới: (1) Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân tiếp tục tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhằm tạo sự đoàn kết, phát huy sức mạnh các dân tộc; thực hiện có hiệu quả phương châm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”. (2) Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền, cơ quan nhà nước trong tổ chức lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; vận động, huy động các nguồn lực trong đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới. (3) Quan tâm phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là là khôi phục các truyền thống tốt đẹp có nguy cơ bị mai một (thổi khèn ở dân tộc Mông, trang phục của dân tộc Mảng). (4) Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện đoàn kết dân tộc, phản biện xã hội, thu hút và tập hợp nhân dân; vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (5) Lực lượng vũ trang chủ động nắm chắc tình hình địa bàn; tăng cường các tổ đội công tác xuống cơ sở, thực hiện “4 cùng” với Nhân dân; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở. (6) Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận của Đảng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ có trình độ, bản lĩnh, năng lực quản lý, điều hành; coi trọng và tiếp tục phát huy vai trò của trưởng bản, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM NHÙN
Chịu trách nhiệm chính: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội.
Địa chỉ: Thị trấn Nậm Nhùn - Huyện Nậm Nhùn.
Điện thoại: 02133. 910.112 - Email: namnhun@laichau.gov.vn
Ghi rõ nguồn namnhun.laichau.gov.vn khi sử dụng thông tin trên wedsite này.

Designed by VNPT

Chung nhan Tin Nhiem Mang